Trung Quốc muốn kiểm soát Internet của thế giới, nhưng họ có thể làm được không?

John Mac Ghlionn

Một người đàn ông đi qua bảng quảng cáo Hội nghị Internet Thế giới ở Ô Trấn, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, vào ngày 26/09/2021. (Ảnh: Lu Hongjie/Future Publishing qua Getty Images) Trung Quốc

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang nỗ lực không ngừng trong việc kiểm soát mạng Internet. Điều này nghe có vẻ như đang reo rắc nỗi sợ hãi theo kiểu thổi phồng quá mức — nhưng không phải vậy đâu.

Năm nào Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc cũng tổ chức Hội nghị Internet Thế giới. Theo lời của ông Tập Cận Bình, hội nghị này nhằm mục đích tập trung vào “sự phát triển và quản trị internet toàn cầu”. Hội nghị năm nay đã diễn ra hồi tháng trước (07/2022).

Gần đây, ông Phelim Kine của tờ Politico đã viết rằng nhà lãnh đạo Trung Quốc này đang khát khao “muốn có một mạng internet phù hợp với khái niệm chủ quyền mạng của Đảng Cộng sản Trung Quốc cầm quyền”. Ông Tập và các đồng sự của ông ưu tiên “sự kiểm soát tuyệt đối của chính phủ đối với hoạt động trực tuyến — gồm cả sự kiểm duyệt và giám sát — với cái giá phải trả là quyền riêng tư và tự do ngôn luận.” Điều này không phải chuyện kinh thiên động phách nào đối với riêng một ai. Mà suy cho cùng, đây chính là Trung Quốc cộng sản mà chúng ta đang đàm luận tới.

Đã từng cư ngụ ở đất nước này, và từng thể nghiệm cách thức mà Bắc Kinh cai trị, nên từ kinh nghiệm của bản thân, tôi muốn nói đôi điều như sau: ở Trung Quốc, công dân bị theo dõi rất chặt chẽ; các hoạt động trực tuyến của người dân — mọi giao dịch mua bán, bình luận, và tìm kiếm trực tuyến của họ — đều được kiểm tra và nghiên cứu cặn kẽ. Giờ đây, ông Tập muốn tạo ra một thế giới mà trong đó mọi chính phủ đều rà soát công dân của mình theo một cách thức tương tự, thế nên họ đã sáng lập ra Hội nghị Internet Thế giới.

Hội nghị này không phải là một sự kiện bình thường. Nơi đây quy tụ sự tham gia của một số Giám đốc điều hành (CEO) nổi tiếng ở hải ngoại, trong đó có ông Pat Gelsinger, người đứng đầu hãng Intel và ông Elon Musk, người đứng đầu hãng Tesla. Tại lần hội nghị gần đây nhất, chúng tôi được nghe nói là có đại diện của ít nhất 18 quốc gia và khu vực đã tham dự. Những người này bao gồm các thành viên đại diện đến từ các nước như Afghanistan, Campuchia, Bắc Hàn, và Syria — bốn quốc gia gắn liền với từ “chủ nghĩa chuyên chế”. Hơn nữa, theo một tuyên bố của ĐCSTQ, hội nghị năm nay có sự tham dự của hàng chục “nhà lãnh đạo nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực mạng Internet, các cơ quan có thẩm quyền trong ngành, những người được vinh danh trên Đại sảnh Danh vọng Internet cùng nhiều nhân vật khác”.

Như ông Justin Sherman, một thành viên tại Sáng kiến ​​Lập pháp Không gian mạng của Hội đồng Đại Tây Dương, nói với ông Kine mà tôi đã đề cập ở trên, ĐCSTQ muốn loại bỏ hoàn toàn cách tiếp cận đa bên đối với quản trị internet. Thay vào đó, ĐCSTQ thích tạo ra một hệ thống cho phép các chính phủ thực hiện quyền kiểm soát hoàn toàn đối với cách thức quản lý mạng Internet. Mặc dù, đứng về góc độ kỹ thuật mà nói, thực chất Trung Quốc không tài nào kiểm soát được mạng Internet, nhưng họ có thể truyền bá những triết lý có vấn đề của mình thông qua sự cưỡng ép và những lời hứa hão. Càng có nhiều quốc gia và những chuyên gia công nghệ có ảnh hưởng tán đồng với mô hình này của Trung Quốc, thì mạng Internet sẽ ngày càng có xu hướng giống với mạng Internet ở Trung Quốc.

Ông Pat Gelsinger, giám đốc điều hành của Intel Corp., trình bày trong phiên thảo luận của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sĩ, hôm 25/05/2022. (Ảnh: Hollie Adams/Bloomberg qua Getty Images)

Nếu quý vị là một người bình thường đọc được điều này, thử nói chẳng hạn như ở Hoa Kỳ, thì không có gì phải lo lắng, phải vậy không? Sai rồi. Mọi người không cần phải sống ở Trung Quốc thì hồ sơ của họ mới bị giám sát, các hoạt động trực tuyến của họ mới bị theo dõi, và bình luận của họ mới bị kiểm duyệt.

Tiện đây chúng ta lại bàn về Google, công cụ tìm kiếm phổ biến nhất hiện nay. Ngày nay có 4.4 tỷ người dùng internet; mà có đến 4 tỷ người trong số này hiện đang sử dụng Google. Tại Mỹ quốc này đây, một đất nước có 329 triệu dân, thì có ít nhất 246 triệu người đang sử dụng Google. Tất nhiên, các công cụ tìm kiếm khác vẫn tồn tại — Mozilla, Firefox, Brave, DuckDuckGo, v.v. — nhưng những trang web đó chỉ đơn giản là không thể cạnh tranh với sức mạnh và sức hút mãnh liệt của Google. Đây là vấn đề ở nhiều cấp độ.

Như ký giả điều tra Alan MacLeod đã lưu ý gần đây, hiện nay cựu nhân viên của CIA đã phủ sóng toàn bộ Google rồi. Trong những năm gần đây, đại tập đoàn có sức ảnh hưởng rất lớn ở Thung lũng Silicon này đã thuê nhiều chuyên gia từ cơ quan tình báo đó. Tại sao vậy? Nói tóm lại, [là để] “làm việc trong các lĩnh vực nhạy cảm về mặt chính trị.” Ông MacLeod lưu ý, những người được tuyển mộ này ảnh hưởng trực tiếp đến cách chúng ta, những người dùng [Internet], nhìn thế giới “trên màn hình và trong kết quả tìm kiếm của họ”.

Một số cựu nhân viên CIA làm việc trong trung tâm bảo mật và tin cậy của Google, một bộ phận dành riêng cho việc tách nội dung được chấp nhận khỏi nội dung không mong muốn. Đây là bộ phận đặt ra các quy tắc tương tác của Google; đây là bộ phận xác định những gì xuất hiện (và không xuất hiện) trên màn hình của quý vị khi quý vị tìm kiếm một chủ đề trên Google.

Google là một công ty có lịch sử theo dõi người dùng và cố ý đánh lạc hướng công luận. Đây là một công ty sử dụng “những chiếc bánh quy” (cookies) — không, không phải loại ngon nghẻ và gây ra bệnh tiểu đường đâu; [mà là] những thứ khác không thể ăn được và có khả năng xâm hại cao — để theo dõi hoạt động trực tuyến của người dùng. Những khối dữ liệu nhỏ này được sử dụng để xác định máy điện toán của quý vị. Ngay cả khi quý vị có tắt định vị, thì Google vẫn có thể theo dõi quý vị đấy.

Hồi tháng 03/2021, Google hứa sẽ chấm dứt việc sử dụng “cookies” xâm hại. Tuy nhiên, hơn một năm sau, lời hứa đó vẫn hoàn toàn không được thực hiện. Không biết chừng, lời hứa đó sẽ không cánh mà bay. Gần đây Google đã hoãn kế hoạch ngừng sử dụng “cookies” cho đến ít nhất là nửa cuối năm 2024, theo các tác giả tại Reclaim the Net. Google, một công ty mà chúng ta biết chắc rằng đang tích cực cố gắng tìm ra cách theo dõi người dùng “một cách thân thiện và riêng tư” — tôi nghĩ là chẳng ai ôm giữ cái suy nghĩ tự trấn an này đâu. Hãy nhớ rằng đây là một công ty đã xóa bỏ điều khoản “Đừng trở nên xấu xa” (Don’t Be Evil) khỏi quy tắc ứng xử của mình.

Điều này lại đưa chúng ta trở về với nỗ lực kiểm soát mạng Internet của Trung Quốc. Trên thực tế, khi bàn luận đến việc ai sẽ là chúa tể Internet của chúng ta, thì có lẽ không có lựa chọn khả thi nào tồn tại. Cho dù đó là Bắc Kinh hay một đại tập đoàn công nghệ lớn như Google, thì hành động gián điệp và thao túng ấy cũng là lẽ tất nhiên. Google có xấu xa như ĐCSTQ không? Ồ, dĩ nhiên là không rồi. Thế nhưng, họ cũng không hẳn là một tấm gương sáng ngời về công bằng và chính trực, đúng không nào?

Ông John Mac Ghlionn là một nhà nghiên cứu và nhà viết luận. Tác phẩm của ông đã được những hãng thông tấn như New York Post, Sydney Morning Herald, Newsweek, National Review, The Spectator US cùng những tờ báo danh tiếng khác xuất bản. Ông cũng viết về tâm lý và các mối quan hệ xã hội, rất quan tâm đến vấn đề rối loạn chức năng xã hội và sự thao túng của truyền thông.

Hồng Ân biên dịch

Related posts