Giá lương thực tăng vọt đẩy lạm phát của Anh quay lại mức cao nhất trong 40 năm
Giá lương thực tăng vợt đã khiến tỷ lệ lạm phát của Vương quốc Anh tăng trở lại mức cao kỷ lục 10.1%.
Theo dữ liệu mới nhất từ Văn phòng Thống kê Quốc gia (ONS), Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 10.1% trong 12 tháng tính đến tháng 09/2022, tăng từ 9.9% trong tháng Tám và trở lại mức cao nhất trong 40 năm hồi tháng Bảy.
Giám đốc Thống kê Kinh tế của ONS Darren Morgan cho biết, “Sau đợt giảm nhẹ của tháng trước, lạm phát toàn phần đã quay lại mức cao kỷ lục từng được chứng kiến hồi đầu mùa hè.”
Theo mô hình dữ liệu, sự gia tăng này được thúc đẩy bởi giá thực phẩm nhảy vọt 14.5% so với tháng này năm ngoái, đại diện cho mức tăng hàng năm lớn nhất kể từ năm 1980.
Trong khi đó, chi phí nhà ở và tiện ích tăng 20.2% so với cùng thời kỳ năm ngoái.
ONS cho biết việc tăng giá “được bù đắp một phần bởi chi phí xăng dầu tiếp tục giảm, với giá hàng không giảm hơn bình thường vào thời điểm này trong năm và giá xe hơi cũ cũng tăng không mạnh so với mức tăng lớn đã chứng kiến hồi năm ngoái.”
Ngân hàng Trung ương Anh đã cảnh báo hồi tháng Chín rằng lạm phát của Vương quốc Anh dự kiến sẽ đạt đỉnh vào tháng Mười ở mức chỉ dưới 11%, sau khi chính phủ hỗ trợ cố định hóa đơn năng lượng ở mức 2,500 bảng Anh (2,816 USD) cho một gia đình trung bình.
‘Thiệt hại đã được tạo ra’
Bình luận về số liệu lạm phát mới hôm 19/10, Bộ trưởng Jeremy Hunt cho biết ông sẽ ưu tiên giúp đỡ những người dễ bị tổn thương sau khi công khai gia tăng lạm phát.
Ông nói: “Tôi hiểu rằng các gia đình trên khắp đất nước đang phải chật vật với giá cả tăng cao và hóa đơn năng lượng cao hơn. Chính phủ này sẽ ưu tiên giúp đỡ những người dễ bị tổn thương nhất trong khi mang lại sự ổn định kinh tế rộng rãi hơn và thúc đẩy tăng trưởng dài hạn sẽ giúp ích cho tất cả mọi người.
“Chúng tôi đã hành động một cách quyết đoán để bảo vệ các gia đình và doanh nghiệp khỏi sự gia tăng đáng kể trong hóa đơn năng lượng của họ trong mùa đông này, với sự bảo đảm về giá năng lượng của chính phủ nhằm đưa mức lạm phát đỉnh điểm xuống.”
Nhưng Đảng Lao Động đối lập chính cho biết số liệu lạm phát cho thấy “thiệt hại đã được tạo ra”.
Bộ trưởng Tài chính đảng đối lập, ông Rachel Reeves cho biết: “Số liệu lạm phát sáng nay sẽ mang lại nhiều lo lắng hơn cho các gia đình lo ngại về việc Đảng Bảo Thủ không nắm bắt được cuộc khủng hoảng kinh tế do chính họ tạo ra.”
“Rõ ràng là thiệt hại đã được tạo ra. Đây là một cuộc khủng hoảng của Đảng Bảo Thủ, được tạo ra ở Phố Downing và người lao động phải trả giá cho điều đó.”
“Các thực tế đã chứng minh: chi phí thế chấp tăng cao, chi phí đi vay tăng, mức sống giảm, và chúng ta được dự báo sẽ có mức tăng trưởng thấp nhất trong nhóm G-7 trong vòng hai năm tới.”
“Những gì chúng ta cần bây giờ là khôi phục lại uy tín tài chính và một kế hoạch phát triển nghiêm túc đặt người lao động lên hàng đầu. Đó là những gì mà Đảng Lao Động sẽ mang lại.”
Nhật Thăng biên dịch
Mỹ buộc tội 5 người Nga vận chuyển thiết bị quân sự và dầu của Venezuela
Các công tố viên Mỹ hôm thứ Tư (19/10) đã buộc tội 5 công dân Nga vì trốn tránh lệnh trừng phạt liên quan đến việc vận chuyển các công nghệ quân sự mua từ các nhà sản xuất Mỹ cho khách hàng Nga. Một trong số những công nghệ đó đã xuất hiện trên chiến trường Ukraine.
Các công tố viên liên bang ở quận Brooklyn cho hay, các linh kiện điện tử mà hai công dân Nga là Yury Orekhov và Svetlana Kuzurgasheva mua bao gồm chất bán dẫn, radar và vệ tinh. Theo đó, Ukraine đã thu giữ được một số linh kiện điện tử nằm trong số những công nghệ kể trên trong các dàn vũ khí của Nga.
Các công tố viên cho biết, hai công dân Nga đã lợi dụng một công ty của Đức để vận chuyển các công nghệ quân sự cũng như dầu của Venezuela cho các khách hàng Nga.
Ông Orekhov đã bị bắt ở Đức vào thứ Hai (17/10). Một người Nga khác bị buộc tội trong vụ án là ông Artem Uss cũng bị bắt ở Ý. Các công tố viên cho biết Mỹ đang tìm cách dẫn độ ông này. Tờ Reuters không thể liên hệ ngay với bất kỳ bị cáo nào để đưa ra bình luận.
Ông Breon Peace, công tố viên liên bang hàng đầu ở quận Brooklyn, cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục điều tra và truy tố những kẻ gây ra cuộc chiến tàn bạo ở Ukraine, những người trốn tránh các lệnh trừng phạt và duy trì nền kinh tế mờ ám bằng hoạt động rửa tiền xuyên quốc gia”.
Cũng trong ngày 19/10, Bộ Tài chính Mỹ đã trừng phạt ông Orekhov và hai công ty mà ông kiểm soát, Nord-Deutsche Industrieanlagenbau GmbH, còn được gọi là NDA, và Opus Energy Trading LLC. Bộ Tài chính Mỹ mô tả ông Orekhov là một đại lý mua sắm và cho biết, một số lô hàng quân sự và công nghệ lưỡng dụng nhạy cảm cung cấp cho khách hàng Nga đã vi phạm các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ.
Các công nghệ có nguồn gốc từ Mỹ có thể được sử dụng trong máy bay chiến đấu, hệ thống tên lửa đạn đạo, vũ khí siêu thanh, vũ khí thông minh và các ứng dụng quân sự khác, Bộ Tài chính Mỹ cho biết.
Các cáo buộc và lệnh trừng phạt được đưa ra trong bối cảnh Washington đang tìm cách mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với Nga và trấn áp hành vi trốn tránh, nhằm gây áp lực buộc Điện Kremlin ngừng xâm lược Ukraine.
Tại cuộc họp đầu tiên vào tuần trước với các quan chức từ 32 quốc gia, Washington cảnh báo rằng nước này có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với những cá nhân, quốc gia và thực thể cung cấp đạn dược cho Nga hoặc hỗ trợ tổ hợp công nghiệp-quân sự của Moscow.
Phó Bộ trưởng Tài chính Wally Adeyemo nhấn mạnh: “Chúng tôi hiểu những nỗ lực này đang có tác động trực tiếp đến cục diện trên chiến trường. Chính sự tuyệt vọng của Nga đã buộc họ phải chuyển sang các nhà cung cấp kém chất lượng và thiết bị lỗi thời”.
Các công tố viên cho biết, Orekhov và Uss sở hữu NDA và sử dụng nó làm bình phong để mua sắm các công nghệ và chuyển chúng đến người dùng cuối tại Nga. Trong đó bao gồm các công ty bị trừng phạt do ông Timofey Telegin và Sergey Tulyakov kiểm soát. Đây là hai trong số những công dân Nga khác bị buộc tội hôm 19/10.
Các công tố viên cho biết, các bị cáo đã sử dụng các công ty giả mạo và gửi thông tin sai lệch cho các ngân hàng Mỹ, nơi đã xử lý các giao dịch trị giá hàng chục triệu USD vi phạm lệnh trừng phạt. Các bị cáo cũng sử dụng tiền điện tử để giao dịch và rửa tiền, các công tố viên cho biết.
Riêng hôm 19/10, các công tố viên liên bang ở Connecticut đã buộc tội ba cá nhân vi phạm các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ khi cố gắng vận chuyển một máy mài được điều khiển bằng máy tính được gọi là “máy mài đồ gá” (jig grinder). Nó được dùng trong các chương trình phòng thủ và phổ biến vũ khí hạt nhân.
Tất cả cá nhân có liên quan là công dân Latvia hoặc Ukraine đều đã bị chính quyền Latvia hoặc Estonia bắt giữ theo yêu cầu của Mỹ, các công tố viên cho biết.
Dầu Venezuela
Orekhov và Uss cũng sử dụng NDA để vận chuyển hàng triệu thùng dầu từ Venezuela cho khách hàng Nga và Trung Quốc. Hai bị cáo có liên quan đến vụ việc này là ông Juan Fernando Serrano và Juan Carlos Soto. Theo đó, hai bị cáo này đã môi giới các giao dịch với công ty dầu khí nhà nước Venezuela PDVSA. Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt với thực thể này vào năm 2019.
Theo bản cáo trạng chưa được niêm phong hôm 19/10, Orekhov và Uss đã “nhiều lần” mua dầu từ PDVSA và cung cấp cho một công ty nhôm của Nga. Được biết, công ty này do một tỷ phú và nhà công nghiệp người Nga kiểm soát.
Dù không nêu tên công ty, song bản cáo trạng cho biết họ đã phải hứng chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ từ ngày 6/4/2018 cho đến ngày 27/1/2019 — trùng với ngày công ty nhôm Rusal của Nga bị trừng phạt. Rusal được thành lập bởi tỷ phú Nga Oleg Deripaska, người đang phải đối mặt với cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ.
Cả công ty Rusal, luật sư của tỷ phú Nga Oleg, PDVSA và Bộ thông tin Venezuela đều không phản hồi yêu cầu bình luận của tờ Reuters.
Sau vòng trừng phạt đầu tiên của Mỹ đối với PDVSA, Rosneft của Nga đã nổi lên như một nhà trung gian quan trọng đối với xuất khẩu dầu thô của Venezuela. Sau khi Washington trừng phạt các công ty con của Rosneft vì các giao dịch của họ với PDVSA, hàng chục công ty khác dù không có hồ sơ theo dõi mua bán dầu mỏ cũng đã làm trung gian bán dầu của Venezuela cho các khách hàng Trung Quốc.
Lam Giang
Thượng nghị sĩ Mỹ: Apple, Tesla làm ngơ trước vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ
Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Hoa Kỳ, ông Mark Warner, cho biết hôm thứ Ba (18/10) rằng ông cảm thấy rất thất vọng trước các công ty như Apple và Tesla. Vì các công ty đa quốc gia này quảng cáo các tư tưởng của công ty họ, nhưng vì phụ thuộc vào chuỗi cung ứng và thị trường Trung Quốc, nên đã phớt lờ các vấn đề rõ ràng về nhân quyền của Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Thượng nghị sĩ Warner, đảng viên Đảng Dân chủ tiểu bang Virginia, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg hôm thứ Ba (ngày 18/10) rằng các công ty đa quốc gia có thể nhấn mạnh cam kết của họ đối với các mục tiêu về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG), nhưng cũng có lý do để nghĩ rằng “thị trường Trung Quốc quá lớn, nên chúng tôi đành làm ngơ (trước những vi phạm nhân quyền).”
Ông Warner chỉ ra rằng sự “mù quáng” này của các công ty thể hiện trên mọi phương diện, “dù là sự áp bức (của ĐCSTQ) đối với người dân Hồng Kông, hay cuộc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ, hay việc sử dụng điện của Tân Cương để sản xuất pin cho xe Tesla của các ông.”
Nhiều năm qua, cộng đồng quốc tế vẫn luôn cáo buộc ĐCSTQ vi phạm nhân quyền trên diện rộng đối với đa số người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi ở Tân Cương, đặc biệt là cuộc đàn áp và bức hại người tập Pháp Luân Công và thu hoạch nội tạng sống…, hơn nữa họ vẫn đang tiếp tục.
Năm 2017, “Trại cải tạo” Tân Cương nổi bật trên quốc tế và gây chấn động thế giới. Tuy nhiên, các trại cải tạo được chính quyền ĐCSTQ gọi là “trung tâm giáo dục và bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp”.
Thượng nghị sĩ cho biết ông “thất vọng với những người bạn của chúng ta tại Apple” và “rất thất vọng không chỉ với các công ty Mỹ, mà với cả các công ty đa quốc gia khác”.
Doanh số bán hàng trong quý 3 của Tesla tại Trung Quốc chiếm khoảng 1/4 tổng doanh số bán xe của công ty. Năm 2021, doanh thu của gã khổng lồ ô tô điện tại Trung Quốc cũng chiếm 1/4 tổng doanh thu.
Theo dữ liệu của Bloomberg, Apple cũng phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc về chuỗi cung ứng và thị trường bán hàng, 99% sản phẩm của họ được sản xuất tại Trung Quốc và khoảng 1/5 doanh thu đến từ quốc gia này.
Ông Warner lặp lại những lời kêu gọi trong quá khứ của mình, về việc loại bỏ Hoa Kỳ khỏi sự phụ thuộc quá mức vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc và các biện pháp khác. Ông cũng lưu ý rằng việc Trung Quốc phong bế Đài Loan sẽ là “một thảm họa kinh tế.”
Ông nói: “Nếu Trung Quốc thống trị một loạt công nghệ, họ có thể có lợi thế trên bàn đàm phán.”
Ông Warner mong đợi nhiều hành động lập pháp hơn từ Quốc hội, để duy trì lợi thế công nghệ của Mỹ trong các lĩnh vực gồm sinh học tổng hợp, năng lượng tiên tiến, điện toán lượng tử và các công nghệ mới nổi khác.
Gần đây, chính phủ Mỹ đã công bố các biện pháp mới nhằm hạn chế việc bán thiết bị và công nghệ bán dẫn cho Trung Quốc. Động thái này sẽ cắt đứt hoàn toàn con đường vận chuyển công nghệ cao và thiết bị công nghệ cao tới Trung Quốc của các nhà sản xuất chip Mỹ, một số trong số đó có hiệu lực ngay lập tức.
Bình Minh