Tin thế giới sáng Chủ Nhật: Ukraine tịch thu 9 tàu hàng của Nga trị giá gần 15 triệu USD

Ukraine tịch thu 9 tàu hàng của Nga trị giá gần 15 triệu USD

(Ảnh minh họa: Tsuguliev/Shutterstock)

Ngày 22/10, Văn phòng Tổng công tố Ukraine cho biết trong một thông báo: “Thu nhập nhận được từ việc quản lý các tàu sẽ được chuyển vào ngân sách nhà nước Ukraine. Tổng chi phí của các con tàu là hơn 532 triệu UAH (khoảng 14,5 triệu USD)”. Phía Ukraine đã tịch thu và bàn giao 9 tàu của Nga cho một công ty của nước này.

Các con tàu nêu trên đã vào các cảng của Ukraine từ cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Theo Văn phòng Tổng công tố Ukraine, các tàu đang vận chuyển hàng hóa. Sau đó, các tàu bị tịch thu và chuyển đến ARMA – cơ quan chính phủ phụ trách tìm kiếm và quản lý tài sản.

Vào tháng 8, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thông báo rằng nước này đã tịch thu tài sản trị giá 765 triệu USD của Nga trên lãnh thổ Ukraine và sẽ tịch thu thêm tài sản thuộc về nhà nước Nga, đồng thời sử dụng số tiền thu được cho công cuộc tái thiết và quốc phòng của Ukraine.

Ngày 21/6, Liên minh châu Âu (EU) cho biết họ sẽ xem xét cách sử dụng số tài sản trị giá 300 tỷ USD của Nga mà họ đã đóng băng để tài trợ cho Ukraine.

“Tổng tài sản dự trữ mà chúng tôi có là khoảng 640 tỷ USD và chúng tôi hiện không thể sử dụng khoảng 300 tỷ USD trong số này”, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết trong cuộc trả lời phỏng vấn trên truyền hình nhà nước ngày 13/3.

“Chúng tôi có thể thấy được rằng phương Tây đang gây áp lực lên Trung Quốc để hạn chế Nga tiếp cận nguồn dự trữ bằng đồng nhân dân tệ. Nhưng chúng tôi nghĩ rằng quan hệ đối tác của mình với Trung Quốc sẽ cho phép chúng tôi không chỉ duy trì mà còn tăng cường hơn nữa mối quan hệ này khi các thị trường phương Tây đóng cửa”, bộ trưởng Tài chính Nga phát biểu.

Phan Anh

Sinh viên Trung Quốc ở nước ngoài hưởng ứng sự kiện ‘treo biểu ngữ trên cầu Tứ Thông’

Sinh viên quốc tế bắt đầu dán nội dung biểu ngữ bằng cả tiếng Trung và tiếng Anh trên bảng thông báo của khuôn viên trường đại học của họ.

Sau sự kiện treo biểu ngữ đòi tự do chống độc tài ở cầu Tứ Thông, Bắc Kinh, sinh viên Trung Quốc ở nước ngoài không còn im lặng nữa, một số người đã dán nội dung biểu ngữ bằng cả tiếng Trung và tiếng Anh trên bảng thông báo của khuôn viên trường đại học của họ.

Sau cuộc đàn áp đẫm máu của ĐCSTQ đối với phong trào dân chủ của sinh viên đại học vào tháng 6 năm 1989, hầu như không có sự kiện nào có sức ảnh hưởng phản kháng lại chế độ độc tài chuyên chế của ĐCSTQ trong các cơ sở giáo dục đại học của Trung Quốc.

Giờ đây, khi quy định nắm quyền lực tối cao của ĐCSTQ 5 năm một lần bị thay đổi, một người đàn ông Trung Quốc tên là Bành Lập Phát đã treo hai khẩu hiệu chống độc tài, đòi tự do trên thành cầu Tứ Thông của Bắc Kinh vào Beijing banner protester lauded as China’s new Tank Man, or ‘Bridge Man’ ngày 13 tháng 10. Một trong những biểu ngữ treo trên thành cầu viết: “Không cần axit nucleic mà cần lương thực, không cần phong tỏa mà cần tự do, không cần dối trá mà cần tôn nghiêm, không cần Cách mạng Văn hóa mà cần cải cách, không cần lãnh tụ mà cần bầu cử, không muốn làm nô lệ mà làm công dân”. Một khẩu hiệu khác kêu gọi phế truất ông Tập Cận Bình. 

Sự kiện treo Biểu ngữ trên Tứ Thông là một sự kiện phản đối chính quyền có ảnh hưởng lớn sau phong trào dân chủ “ngày 4 tháng 6” năm 1989. Và người treo biểu ngữ Bành Lập Phát được gọi là một dũng sĩ.

Sau sự kiện này, chính quyền TQ đã đàn áp mạnh mẽ và hạn chế phổ biến thông tin, những từ như “cầu Tứ Thông”, Hải Điến, “dũng sĩ”, và thậm chí “Bắc Kinh” và các từ khác đã bị cấm tìm kiếm, còn từ “biểu ngữ”, “khẩu hiệu”  cũng trở thành những từ nhạy cảm. Dưới sự đàn áp mạnh mẽ, các trường đại học của Trung Quốc đã im hơi lặng tiếng, nhưng sinh viên Trung Quốc ở nước ngoài không im lặng. Họ muốn “cho toàn thế giới biết thái độ của họ”.

Từ một số bức ảnh lan truyền trên Internet có thể thấy rõ điều này,  áp phích và khẩu hiệu hưởng ứng sự kiện Cầu Tứ Thông và lên án chế độ độc tài của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã lần lượt xuất hiện tại các trường Đại học như: Đại học College London, Đại học Central Saint Martins ở London; Đại học Michigan, Viện Công nghệ California, Đại học Stanford, Đại học Illinois tại Urbana-Champaign của Mỹ, hay trong khuôn viên của hàng chục trường đại học quốc tế như Đại học Toronto ở Canada, Đại học Ngoại ngữ Busan ở Hàn Quốc…

Epoch Times cho biết, về vấn đề này, một người dùng Twitter viết: “Có sinh viên đại học tham gia là có hy vọng thay đổi Trung Quốc. Vì các bạn trẻ có kiến ​​thức và có hành động”.

Nhà bình luận chính trị hiện tại Giang Phong cho biết trên kênh YouTube của mình vào ngày 13 tháng 10 rằng, ngọn lửa bốc cao khi mọi người gom củi đốt, ở Trung Quốc không thiếu những cuộc biểu tình được “tổ chức và lên kế hoạch”, nhưng lại thiếu những người hưởng ứng.

Ông cho rằng, ĐCSTQ đã khó có thể duy trì do những rắc rối bên trong và bên ngoài.

Trần Phong

Nhật Bản: Lạm phát lõi cao nhất trong 8 năm thách thức lập trường ôn hòa của BOJ

Người dân sử dụng đồ ăn và thức uống ở Omoide Yokocho, một nhóm các con hẻm nhỏ đầy nhà hàng và quán bar thường chật cứng khách du lịch và người dân địa phương, ở khu Shinjuku của Tokyo, Nhật Bản vào ngày 06/10/2022. (Ảnh: RICHARD A. BROOKS / AFP qua Getty Images)

Tỷ lệ lạm phát lõi ở mức cao nhất trong 8 năm ở Nhật đang đặt Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) vào tình huống tiến thoái lưỡng nan. BOJ đang cố gắng duy trì lãi suất ở mức cực thấp nhằm thúc đẩy kinh tế, song lại làm cho đồng JPY yếu đi, gia tăng chi phí nhập khẩu và thúc đẩy lạm phát.

Tỷ lệ lạm phát tiêu dùng lõi của Nhật Bản đang ở mức cao nhất trong 8 năm là 3,0% vào tháng 9, thách thức quyết tâm của BOJ trong việc duy trì lập trường chính sách tiền tệ cực kỳ nới lỏng khi đồng JPY (đồng yên) giảm xuống mức thấp nhất trong 32 năm tiếp tục đẩy chi phí nhập khẩu tăng cao.

Dữ liệu lạm phát làm nổi bật tình thế tiến thoái lưỡng nan mà BOJ phải đối mặt khi cố gắng củng cố nền kinh tế yếu kém bằng cách duy trì lãi suất cực thấp. Điều này thúc đẩy sự trượt giá không mong muốn của đồng JPY.

Sự gia tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lõi trên toàn quốc, không bao gồm thực phẩm tươi sống dễ biến động nhưng bao gồm chi phí nhiên liệu, phù hợp với dự báo thị trường trung bình và diễn ra sau mức tăng 2,8% trong tháng 8. Nó duy trì ở trên mức mục tiêu 2,0% của BOJ trong tháng thứ sáu, và là tốc độ tăng nhanh nhất kể từ tháng 09/2014, dữ liệu cho thấy vào thứ 6 (21/10).

Áp lực lên lập trường ôn hòa của BOJ

Người đi bộ đi trước tòa nhà trụ sở chính của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) ở Tokyo, Nhật Bản vào ngày 27/04/2022. (Ảnh: KAZUHIRO NOGI / AFP qua Getty Images)

Áp lực giá ngày càng gia tăng ở Nhật Bản và đồng JPY giảm xuống dưới mức rào cản tâm lý quan trọng 150 đổi một đồng USD có thể sẽ khiến thị trường tiếp tục suy đoán về một sự điều chỉnh đối với lập trường ôn hòa của BOJ trong những tháng tới.

“Việc tăng giá hiện nay chủ yếu là do chi phí nhập khẩu tăng chứ không phải do nhu cầu mạnh. Thống đốc Kuroda [của BOJ] có thể duy trì chính sách trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ cho đến tháng 4, mặc dù điều quan trọng là liệu chính phủ có chấp nhận điều đó hay không”, nhà kinh tế trưởng Takeshi Minami tại Viện nghiên cứu Norinchukin cho biết.

Các nhà phân tích cho biết dữ liệu lạm phát mới làm tăng cơ hội BOJ sẽ sửa đổi dự báo lạm phát tiêu dùng của mình trong các dự báo hàng quý mới tại cuộc họp chính sách vào tuần tới.

Sự sụt giảm của đồng JPY đặc biệt gây thiệt hại nặng nề cho Nhật Bản do nước này phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nhiên liệu và hầu hết nguyên liệu thô, buộc các công ty phải tăng giá đối với nhiều loại hàng hóa bao gồm gà rán, sôcôla cho đến bánh mì.

Chỉ số được gọi là ‘lõi – lõi’, loại bỏ cả thực phẩm tươi sống và chi phí năng lượng, đã tăng 1,8% trong tháng 9 so với một năm trước đó, tăng cao hơn so với mức 1,6% trong tháng 8 và đánh dấu tốc độ hàng năm nhanh nhất kể từ tháng 03/2015.

Sự gia tăng của chỉ số lõi – lõi, thứ mà BOJ theo dõi chặt chẽ như là thước đo chính về sức mạnh của lạm phát, hướng tới mục tiêu 2% làm dấy lên những nghi ngờ về quan điểm của BOJ rằng việc tăng giá gần đây chỉ là tạm thời.

Với lạm phát của Nhật Bản vẫn còn khiêm tốn so với mức tăng giá được thấy ở các nền kinh tế lớn khác, BOJ đã cam kết giữ lãi suất ở mức siêu thấp, duy trì tình trạng ngoại lệ trong làn sóng thắt chặt chính sách tiền tệ toàn cầu.

Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda nhấn mạnh sự cần thiết phải tập trung hỗ trợ nền kinh tế cho đến khi tăng trưởng tiền lương tăng đủ để bù đắp cho sự gia tăng chi phí sinh hoạt.

Trong khi hoạt động vận động hành lang của liên đoàn lao động Nhật Bản cho thấy sự cam kết yêu cầu tăng lương khoảng 5% trong các cuộc đàm phán tiền lương vào năm tới, các nhà phân tích nghi ngờ lương sẽ tăng nhiều đến mức như vậy do lo ngại về suy thoái toàn cầu và nhu cầu trong nước yếu đang che lấp triển vọng của nhiều công ty.

Dữ liệu CPI tháng 9 cho thấy trong khi giá hàng hóa tăng 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái, giá dịch vụ chỉ tăng 0,2%, một dấu hiệu cho thấy lạm phát của Nhật Bản vẫn bị thúc đẩy chủ yếu bởi các yếu tố phí đẩy.

“Lạm phát tiêu dùng có thể sẽ chậm lại vào năm 2023. Nếu vậy, bất kỳ sự điều chỉnh nào đối với chính sách tiền tệ nới lỏng của BOJ sẽ chỉ là nhỏ ngay cả khi có sự thay đổi đối với ban lãnh đạo ngân hàng vào năm tới”, ông Yasunari Ueno, nhà kinh tế thị trường trưởng tại Mizuho Securities cho biết.

Thống đốc BOJ Kuroda sẽ kết thúc nhiệm kỳ 5 năm lần thứ hai vào tháng 4 năm sau. Nhiệm kỳ của hai Phó thống đốc của ông cũng sẽ kết thúc vào tháng 3.

Bảo Nguyên

Related posts