Tin thế giới sáng thứ Tư

Ý điều tra hãng dược phẩm Pfizer do cáo buộc trốn thuế

Cảnh sát tài chính Ý hiện đang tiến hành điều tra hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ do bị cáo buộc che giấu 1,2 tỷ USD lợi nhuận nhằm tránh phải nộp thuế ở quốc gia này, theo hãng tin Reuters.

Cụ thể, giới chức trách Ý nghi ngờ công ty Pfizer Italia Srl đã chuyển tiền đến các chi nhánh ở Mỹ và Hà Lan để trốn thuế đánh vào khoản lợi nhuận, có thể lên tới 26%. Sau khi hoàn thành điều tra, cơ quan thuế Ý sẽ xem xét kết quả và có kết luận cuối cùng.

Pam Eisele, người phát ngôn của công ty Pfizer, cho hay: “Cơ quan thuế Ý thường xuyên kiểm tra và điều tra thuế của Pfizer và Pfizer hợp tác với các cuộc kiểm tra và điều tra như vậy. Pfizer tuân thủ các luật và yêu cầu về thuế của Ý”.

Trong phát biểu gần đây trước Thượng viện, Thủ tướng Ý Giorgia Meloni cam kết sẽ mạnh tay chống các hành vi trốn thuế, bắt đầu từ những vụ trốn thuế quy mô lớn, các công ty lớn và gian lận thuế giá trị gia tăng (VAT). Theo tân Thủ tướng Ý, đây phải là cuộc chiến thực sự chống trốn thuế, chứ không phải là để “tăng nguồn thu”.

Ở một diễn biến khác, hôm 20/10 vừa qua, Giám đốc điều hành của hãng dược phẩm Mỹ Pfizer, bà Angela Lukin, cho biết rằng tập đoàn này dự kiến sẽ tăng giá vắc-xin ngừa COVID-19 lên khoảng 110 – 130 USD mỗi liều (tức gấp 4 lần hiện nay), sau khi chương trình mua vắc-xin của Chính phủ Mỹ hết hạn.

Được biết, chính phủ Mỹ hiện đang cung cấp vắc-xin ngừa COVID-19 miễn phí cho tất cả người dân nhưng phải trả khoảng 30 USD cho mỗi liều vắc-xin cho Pfizer và đối tác BioNTech của Đức.

Phan Anh

Indonesia thu hồi giấy phép sản xuất thuốc dạng siro liên quan các ca tổn thương thận

Mới đây, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Indonesia (BPOM) đã tuyên bố thu hồi giấy phép sản xuất thuốc dạng siro của 2 hãng dược phẩm tư nhân trong nước do vi phạm các quy định liên quan đến sản xuất, theo hãng tin Reuters.

Cụ thể, phát biểu tại cuộc họp báo, người đứng đầu BPOM Penny K Lukito cho biết 2 nhà sản xuất siro từ nguyên liệu Propylene Glycol bị nhiễm Ethylene Glycol (EG) và Diethylene Glycol (DEG), được cho là nguyên nhân khiến ít nhất 269 trẻ (chủ yếu dưới 5 tuổi) bị mắc bệnh thận cấp tính từ đầu năm nay, trong đó có 157 trẻ tử vong. Được biết, 2 công ty dược phẩm này là PT Yarindo Farmatama đóng tại thành phố Serang, tỉnh Banten; và PT Universal Pharmaceutical Industries ở thành phố Medan, tỉnh Bắc Sumatra.

Riêng tại công ty PT Yarindo, cảnh sát đã tịch thu hàng nghìn sản phẩm thuốc dạng siro bị nhiễm EG và DEG, với nhãn hiệu Flurin DMP. Bên cạnh đó, nhóm điều tra cũng tịch thu một số tài liệu liên quan đến việc thu mua nguyên liệu để tìm hiểu sâu hơn về phạm vi phân phối nguyên liệu cho sản phẩm thuốc nói trên. Sản phẩm Flurin DMP Syrup của PT Yarindo sử dụng Propylene Glycol làm nguyên liệu có chứa EG với tỷ lệ 48 mg/ml, cao gấp gần 100 lần so với ngưỡng yêu cầu dưới 0,1 mg/ml.

Trong khi đó, tại cơ sở sản xuất của PT Universal Pharmaceutical Industries, các nhà điều tra đã tịch thu hàng trăm nghìn sản phẩm siro trị sốt, ho nhãn hiệu Unibebi, cùng 64 thùng Propylene Glicol nhập khẩu từ nhà phân phối nguyên liệu Dow Chemical Thailand Ltd với 12 lô khác nhau.

Bà Lukito cho hay rằng kết quả giám định cho thấy có cơ sở nghi ngờ 2 công ty trên đã thực hiện hành vi phạm tội với việc sản xuất hoặc phân phối các chế phẩm dược không đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn, hiệu quả và chất lượng theo luật định với mức phạt tối đa là 10 năm tù và 1 tỉ Rp (64.500 USD). Thêm vào đó, hai công ty dược này cũng bị cáo buộc buôn bán hàng hóa không đáp ứng các tiêu chuẩn và yêu cầu theo quy định tại Luật bảo vệ người tiêu dùng, với mức phạt tối đa là 5 năm tù và 2 tỷ Rp.

Phan Anh

Người dân tại Tokyo hóa trang thành ông Hồ Cẩm Đào và nhân viên chống dịch Trung Quốc

Người nước ngoài đóng vai ông Hồ Cẩm Đào trong “Halloween” ở Tokyo. (Ảnh: Twitter)

Tại sự kiện Halloween trên đường phố Shibuya, Tokyo, Nhật Bản, những người phương Tây đã hóa trang thành ông Hồ Cẩm Đào – người bị ép rời khỏi hội trường hôm bế mạc Đại hội Toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Ngoài ra, nhiều người còn hóa trang thành nhân viên phòng chống dịch Trung Quốc trong bộ đồ bảo hộ màu trắng để châm biếm chính sách Zero-COVID và sự bạo lực của ĐCSTQ.

Trong khi nhiều thành phố lớn trên thế giới đang tổ chức lễ Halloween, một vài cư dân mạng đã đăng video và hình ảnh lên Twitter cho thấy một người đàn ông nước ngoài đã hóa trang thành ông Hồ Cẩm Đào, cựu Tổng Bí thư ĐCSTQ.

Người hóa thân thành ông “Hồ Cẩm Đào” mặc bộ vest đen áo trắng, cà vạt đỏ, và thẻ tham dự Đại hội 20 có dán ảnh ông Hồ trên đó.

Dưới mắt người đàn ông này còn vẽ một quầng tím bầm dập do bị đánh và hai tay bị còng, để ám chỉ tình trạng bi thảm của ông Hồ Cẩm Đào sau khi bị ép rời khỏi Đại 20 của ĐCSTQ.

(Nội dung Tweet: “Trong người không khỏe, nên bị đưa đi.”)

Ngoài ra còn có nhiều người hóa trang thành những nhân viên phòng chống dịch của ĐCSTQ tại bữa tiệc Halloween. Họ mặc quần áo bảo hộ màu trắng, tay cầm tăm bông ‘khổng lồ’, cho thấy kiểu xét nghiệm axit nucleic mang đặc trưng Trung Quốc.

Cư dân mạng Twitter để lại những lời nhắn bên dưới:

“Sao người này lại hiểu rõ như vậy?”
“Có lẽ lúc đó là phóng viên tại hiện trường.”
“Hơi giống địa ngục.”
“Hahahaha, Halloween năm nay thật tuyệt vời!”
“Bạn sẽ không bị cảnh sát bắt vào đồn và sỉ nhục khi mặc trang phục ‘truyền thống’ của Trung Quốc ở Nhật Bản như thế này sao?”
“Còn thiếu người bắt chước Tập Cận Bình.”
“Haha! Vui quá, mọi người cùng cười nha. Đất nước của ông Tập là nguồn vui cho toàn thế giới!”
“Đây mới thực sự là điều đáng sợ nhất. Ngay khi nhân viên phòng chống dịch Trung Quốc xuất hiện, ai mà không phải sợ chết khiếp.”

Theo báo cáo tổng hợp của truyền thông Nhật Bản, do vụ giẫm đạp nghiêm trọng xảy ra tại phường Itaewon, quận Yongsan, thủ đô Seoul, Hàn Quốc vào ngày 29/10, nên từ 6h00 chiều ngày 31/10 đến 5h00 sáng ngày 1/11, quận Shibuya, Tokyo, Nhật Bản sẽ hạn chế người dân tại khu vực xung quanh ga Shibuya uống rượu bia, hay dừng lại chụp ảnh… Cảnh sát và nhân viên sẽ tiến hành tuần tra để ngăn ngừa sự cố phát sinh.

Chủ nhật (ngày 30/10), Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã tuyên bố thời gian quốc tang, và ra lệnh hạ cờ sau thảm họa giẫm đạp trong lễ Halloween ở Seoul đêm thứ Bảy, khiến ít nhất 151 người thiệt mạng, trong đó có 19 người nước ngoài.

Đại hội 20 của ĐCSTQ đã bế mạc tại Bắc Kinh vào ngày 22/10. Giữa cuộc họp, cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào bất ngờ bị 2 nhân viên công tác tới “buộc ông phải rời đi”.

Thông qua đoạn video phát tán trên mạng Internet, có thể thấy ông Hồ Cẩm Đào đã cố gắng chống cự, ông ngồi xuống và muốn tiếp tục tham dự cuộc họp. Thậm chí ông còn với tay cầm tài liệu trên bàn ngay trước mặt Tập Cận Bình, nhưng lại bị ông Tập dùng tay ấn xuống.

Ông Tập Cận Bình và ông Hồ Cẩm Đào còn đang nói vài câu qua lại, thì một người đàn ông vạm vỡ dường như nhất quyết kéo ông Hồ Cẩm Đào rời khỏi cuộc họp. Trong khi đó, ông Tập Cận Bình ngồi bên cạnh lại tỏ ra “khá bình tĩnh”.

Ông Hồ Cẩm Đào không còn cách nào khác, đành phải quay đầu lại, đưa tay ra sau lưng ông Tập và nói gì đó. Ông Tập chỉ đáp lại bằng một cái gật đầu, và miệng khẽ cử động. Sau đó, ông Hồ Cẩm Đào vỗ vai ông Lý Khắc Cường đang ngồi bên cạnh trước khi rời đi.

Kịch tính trong khoảnh khắc vị cựu nguyên lão, người đã giúp đỡ ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, bị 2 nhân viên kéo ra khỏi hội trường khiến cả thế giới phải bàng hoàng.

Theo báo chí trong và ngoài nước, Đại hội của ĐCSTQ thường được dàn dựng theo kịch bản. Ông Hồ Cẩm Đào đã tham dự cuộc họp kín trước đó. Sau cuộc họp, các nhiếp ảnh gia mới được phép vào hội trường để chụp ảnh lễ bế mạc.

Hơn nữa, đến khi máy quay đã được định vị, nhân viên công tác mới đến bên cạnh ông Hồ Cẩm Đào đưa ông rời đi. Ngoại giới phỏng đoán rằng việc ông Hồ Cẩm Đào rời khỏi hội trường có lẽ không phải là sự cố đột xuất.

Hãng truyền thông Anh BBC đưa tin và phân tích rằng lý do có khả năng cao nhất khiến ông Hồ Cẩm Đào phải rời đi, là chuyện này biểu trưng cho việc người nắm quyền sẽ loại bỏ các nhà lãnh đạo đại diện cho thời đại cũ.

Sau khi ông Tập Cận Bình tái đắc cử, những từ như “kết thúc” (Wan dan), “dìu đi”, “rời đi”, “Hồ Cẩm Đào”, “lên ngôi”, “từ chức” và “AirDrop” cũng trở thành những từ khóa “nhạy cảm” mới nhất bị chặn trên các nền tảng xã hội Đại Lục.

Bình Minh

Related posts