Cựu Giáo sư ĐH Bắc Kinh tiết lộ về Zero Covid và đấu đá sau cái chết của Giang Trạch Dân

Đông Phương

Ông Tập Cận Bình phát biểu trong buổi ra mắt Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ khóa mới ở Bắc Kinh hôm 23/10/2022. (Lintao Zhang/Getty Images)

Ngoài Phong trào Giấy trắng, còn lý do nào khiến Trung Quốc đột ngột nới lỏng chính sách Zero Covid hà khắc? Học giả nổi tiếng Viên Hồng Băng (Yuan Hongbing) đã tiết lộ với The Epoch Times những lý do ẩn sau sự thay đổi này. Theo nguồn tin nội bộ, ông Tập Cận Bình đã nhượng bộ trong lễ truy điệu cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân, nhưng sẽ thanh trừng tàn dư phe Giang sau Lưỡng Hội năm tới. Và số tài sản tịch thu được từ phe Giang sẽ được dùng vào 3 việc.

Giáo sư Viên Hồng Băng là một luật gia, nhà văn người Úc gốc Hoa. Ông từng giảng dạy luật tại trường Đại học Bắc Kinh và đảm nhiệm chức Chủ nhiệm Phòng nghiên cứu và giảng dạy Luật Tố tụng của trường. Ông còn là một nhà bất đồng chính kiến, nhân vật hàng đầu trong phong trào dân chủ ở Trung Quốc và là tác giả của một số cuốn sách về sự vi phạm nhân quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Giáo sư Viên Hồng Băng – một luật gia, nhà văn người Úc gốc Hoa. (Guo Yaorong / The Epoch Times)

Trong cuộc phỏng vấn với The Epoch Times vào ngày 13/12, Giáo sư Viên đã tiết lộ một số thông tin nội bộ mà ông mới nhận được về chính sách Covid-19 của Bắc Kinh cũng như về những đấu đá bên trong cái chết của cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân.

Lý Cường đề nghị bỏ Zero Covid, có hai nguyên nhân

Theo thông tin mà Giáo sư Viên nhận được, thân tín của ông Tập Cận Bình – tân Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Lý Cường, người sắp tới sẽ là thủ tướng – đã đưa ra đề xuất về chính sách phòng dịch.

Trong buổi ra mắt thành viên Ban thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ khóa mới hôm 23/10/2022, ông Lý Cường đi ngay sau ông Tập Cận Bình. (Lintao Zhang / Getty Images)

Cụ thể là, có thể trong năm 2023, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sẽ chính thức công bố Covid-19 là bệnh truyền nhiễm thông thường, không còn coi đó là dịch bệnh lớn. Vậy nên nếu tiếp tục thi hành Zero Covid và phong tỏa, Trung Quốc sẽ trở thành một hòn đảo bị cô lập trong cộng đồng quốc tế và là trò cười của cộng đồng quốc tế. Kiến nghị của ông Lý Cường là Trung Quốc nhất định phải tuyên bố từ bỏ chính sách này trước khi WHO công bố thông tin trên.

Còn một lý do quan trọng khác khiến nhà chức trách Trung Quốc cho rằng nhất định phải từ bỏ Zero Covid. Đó là tình hình kinh tế Trung Quốc đã xấu đi nghiêm trọng, và dấu hiệu rõ nhất là tài chính các địa phương đang trên bờ vực phá sản. Ông Viên cho biết, “ĐCSTQ hiện dựa vào việc in thật nhiều tiền để vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính, nhưng điều này sẽ dẫn đến siêu lạm phát”.

Ông nói rằng, ĐCSTQ sẽ không công khai tuyên bố từ bỏ chính sách Zero Covid của Tập Cận Bình, mà thực tế là họ sẽ nới lỏng và không còn phong tỏa các thành phố. Nhưng cách nới lỏng vội vàng, không có lộ trình như vậy giống như chơi tàu lượn siêu tốc, chắc chắn sẽ khiến dịch bệnh lây lan ở Trung Quốc, khiến khủng hoảng xã hội nghiêm trọng hơn và gây thiệt hại về người.

Giáo sư nói: “ĐCSTQ vốn phòng chống và kiểm soát dịch bệnh theo kiểu trại tập trung, vô cùng khắc nghiệt và vô nhân đạo, nhưng lại đột nhiên mở cửa hoàn toàn. Từ các cách làm cực đoan này, có thể thấy bộ máy cai trị toàn là những kẻ nịnh thần, là những quan chức tầm thường, không có trách nhiệm với nước với dân, mà chỉ biết tham quyền, không có năng lực trị quốc”.

Một người đàn ông bị cảnh sát bắt khi cuộc biểu tình phản đối Zero Covid nổ ra ở Thượng Hải, Trung Quốc ngày 27/11/2022. (Hector Retamal/AFP/Getty Images)

ĐCSTQ không thể vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế

Gần đây, chính quyền nhiều tỉnh như Chiết Giang, Giang Tô, Quảng Đông, Tứ Xuyên… đã tổ chức các phái đoàn kinh tế và thương mại tại các thành phố trọng điểm và cử ra nước ngoài để giành đơn đặt hàng hoặc thu hút đầu tư.

Ông Viên Hồng Băng nói với The Epoch Times rằng, dù ĐCSTQ nới lỏng chính sách phòng dịch, họ cũng không thể khôi phục nền kinh tế. Bởi vì việc Tập Cận Bình trở lại đường lối của Mao Trạch Đông là phương châm đã được định sẵn của ĐCSTQ. Bây giờ nhà cầm quyền lại tuyên bố tiếp tục mở cửa và thu hút đầu tư, đây chỉ là biện pháp khẩn cấp để đối phó với khủng hoảng kinh tế hiện nay, họ không thể nào thành công.

Ông nói: “Lý do cơ bản là, trong hơn 10 năm cầm quyền, Tập Cận Bình đã đưa Trung Quốc đi theo con đường chủ nghĩa cơ yếu của Mao Trạch Đông. Ở trong nước, sự hỗn loạn do dịch bệnh gây ra vẫn chỉ là bề mặt, khủng hoảng tài chính mới là cuộc khủng hoảng lớn nhất”. 

Trong chính trị, ‘chủ nghĩa cơ yếu’ đề cập đến niềm tin nghiêm ngặt, trung thành tuyệt đối với những nguyên tắc cơ bản, có thể dùng những biện pháp cực đoan để đạt được mục đích, người theo chủ nghĩa này đặt nặng ý thức hệ và tranh đấu để đạt được vị trí thống trị.

Tờ Yicai (Tài chính Kinh tế Số 1) của Trung Quốc đưa tin vào ngày 9/12 rằng, để đối phó với tác động của dịch bệnh, Bộ Tài chính Trung Quốc đã phát hành 1 nghìn tỷ nhân dân tệ trái phiếu quốc gia vào năm 2020. Năm nay, áp lực suy thoái kinh tế càng lớn, thu chi tài khóa càng giật gấu vá vai, chính quyền quyết định phát hành thêm 750 tỷ nhân dân tệ (107,93 tỷ USD) trái phiếu quốc gia đặc biệt.

Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) ngày 9/12 đưa tin, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng nền kinh tế Trung Quốc hiện đang ở trạng thái tồi tệ nhất kể từ những năm 1970 (ngoại trừ năm đầu tiên bùng phát đại dịch – năm 2020).

Phong trào Giấy trắng khiến ông Tập Cận Bình bị sốc

Khoảng hai tuần trước khi ĐCSTQ tuyên bố nới lỏng chính sách, một vụ hỏa hoạn bùng phát tại một khu dân cư bị phong tỏa ở Tân Cương đã gây thương vong nghiêm trọng. Sau đó, toàn Trung Quốc nổ ra các cuộc biểu tình chống dịch, được gọi là “Phong trào Giấy trắng” hay “Cuộc cách mạng Giấy trắng”.

Tối ngày 27/11, trên đường phố Thượng Hải, những người biểu tình đã hô vang các khẩu hiệu như “Đảng Cộng sản [Trung Quốc] hạ đài”, “Tập Cận Bình hạ đài” (nghĩa đen của từ “hạ đài” là bước xuống sân khấu, ở đây hiểu là bước xuống vũ đài chính trị; nghĩa bóng là giao lại chính quyền).

Người dân giơ những tờ giấy trắng như một cách để phản đối chính quyền, trên một con phố ở Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 27/11/2022. (Hector Retamal/AFP via Getty Images)

Về Phong trào Giấy trắng, ông Viên Hồng Băng nói với The Epoch Times rằng, sau Đại hội toàn quốc lần thứ 20, không còn bất kỳ thế lực nào trong ĐCSTQ có thể chống lại Tập Cận Bình. Tuy nhiên, trong ba ngày đầu tiên sau khi Phong trào Giấy trắng nổi lên, gần như toàn bộ lực lượng duy trì ổn định do Tập Cận Bình dày công xây dựng lại quay ra “nằm thẳng”, khiến phong trào này nhanh chóng lan rộng ra cả nước.

Theo nguồn tin trong nội bộ ĐCSTQ, vụ việc đã khiến ông Tập Cận Bình vô cùng sốc. Ông ta phát hiện rằng bản thân cực kỳ cô lập, mặc dù không có bè nhóm nào phản kháng rõ ràng, nhưng cả trong và ngoài đảng lại tiềm ẩn một sự bất mãn cục cùng đối với Tập.

Vào ngày 1/12, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel đã đến thăm Bắc Kinh và có cuộc gặp với ông Tập Cận Bình. Tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP) của Hong Kong ngày 2/12 đưa tin, ông Tập Cận Bình đã giải thích với ông Michel lý do tại sao gần đây có các cuộc biểu tình ở Trung Quốc, “Ông ấy nói rằng sau ba năm dịch bệnh đã gặp phải vấn đề, sinh viên đại học hoặc thanh thiếu niên cảm thấy chán nản”. Đây là lần đầu tiên ông Tập lên tiếng về “Phong trào Giấy trắng”.

Hôm 4/12, một bài báo do “Đoàn Thanh niên Cộng sản Hà Bắc” đăng tải dường như xác nhận rằng, Phong trào Giấy trắng đã gây xáo động Trung Nam Hải. Bài báo cho biết: “Mấy ngày trước, các ý kiến ​​về một số biện pháp phòng chống dịch bệnh của địa phương xuất hiện tập trung trên mạng và cả ngoài đời thực. Nhờ kịp thời nắm bắt và cải thiện, sự việc đã lắng xuống”.

Tờ The Wall Street Journal ngày 7/12 đưa tin, bài báo trên là một sự công khai thừa nhận rằng công chúng đang phẫn nộ với các biện pháp phòng chống dịch bệnh nghiêm ngặt trong suốt thời gian qua. Đây có thể là sự thừa nhận đầu tiên của chính quyền, rằng Zero Covid – chính sách do chính ông Tập Cận Bình phê chuẩn – có thiếu sót. Đây cũng là lần hiếm khi ĐCSTQ đáp ứng yêu cầu của nhân dân trong các cuộc biểu tình.

Cuộc tranh đấu đằng sau cái chết của Giang Trạch Dân

Khi Phong trào Giấy trắng đang lên cao, vào ngày 30/11, Bắc Kinh bất ngờ tuyên bố cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân qua đời. Sau đó, một tuần lễ quốc tang chính thức bắt đầu, việc duy trì ổn định quốc gia cũng được thăng cấp.

Ngày 6/12, chính quyền Trung Quốc đã tổ chức lễ truy điệu ông Giang Trạch Dân tại Bắc Kinh, bài điếu văn của ông Tập hết lời ca ngợi vị cố lãnh đạo này.

ĐCSTQ tổ chức lễ truy điệu cho cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân tại Đại lễ đường Nhân Dân ở Bắc Kinh hôm 6/12/2022. (-/CNS/AFP via Getty Images)

Giáo sư Viên Hồng Băng tiết lộ với The Epoch Times rằng, theo thông tin mà ông nhận được từ những người trong nội bộ ĐCSTQ, nội dung bài điếu văn về cơ bản là dựa trên bản thảo do cựu Phó chủ tịch nước Tăng Khánh Hồng viết; chỉ bỏ đi đoạn nói rằng, Giang Trạch Dân đã gương mẫu thực hiện theo quy chế bãi bỏ nhiệm kỳ suốt đời của cán bộ lãnh đạo do Đặng Tiểu Bình xác lập.

“Nếu lễ truy điệu không được tổ chức theo nội dung này, gia đình họ Giang sẽ yêu cầu người thân và bạn bè tổ chức tang lễ cá nhân cho Giang Trạch Dân, không cần phiền hà tới Ủy ban Trung ương ĐCSTQ. Trước sự uy hiếp này, ông Tập Cận Bình đành phải thỏa hiệp”, ông Viên cho hay.

Ông tiết lộ rằng, Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền Ủy ban Trung ương ĐCSTQ Lý Thư Lỗi (Li Shulei) đã đề xuất với ông Tập Cận Bình rằng, trước sự phản công của gia đình Giang Trạch Dân, một mặt, nên cố gắng hết sức để đáp ứng yêu cầu của họ, bởi vì Giang chết rồi, dù có làm như vậy thì cũng không bị coi là quá bị động. 

Mặt khác, cần đẩy mạnh công tác chuẩn bị thanh trừng toàn diện các thế lực tàn dư của gia tộc Giang Trạch Dân, bao gồm một lượng lớn quan chức đã nằm trong danh sách của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, cũng như nhiều chủ doanh nghiệp tư nhân có giao dịch tiền – quyền với phe Giang. 

Thời gian thanh trừng là vào Lưỡng Hội năm tới, cũng là lúc sau khi thế lực của ông Tập Cận Bình hoàn toàn nắm giữ Quốc vụ viện, Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (tương đương Quốc hội) và Ủy ban Toàn quốc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (tương đương Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc).

Ông Viên nói rằng, phe Giang vốn muốn lợi dụng cái chết của Giang Trạch Dân để gây rối loạn cho Tập Cận Bình, nhưng họ không ngờ rằng ông Tập lại nhượng bộ lớn như vậy và luận định đúng sai về Giang theo ý muốn của họ. Có nghĩa là, đòn tấn công lần này của họ đã bị Tập Cận Bình hóa giải. Sau đó, phe Giang rơi vào cảnh cây đổ bầy khỉ tan, cũng tức là tan đàn xẻ nghé.

“Người trong nội bộ ĐCSTQ nói rằng, sau kỳ họp Lưỡng Hội vào tháng 3 năm sau, [ông Tập] nhất định sẽ dùng danh nghĩa chống tham nhũng để quét sạch tàn dư của gia tộc Giang Trạch Dân. Tịch thu tài sản của họ và dùng chúng vào ba việc sau: Thứ nhất là làm kinh phí bí mật để chuẩn bị phát động cuộc chiến ở eo biển Đài Loan; Thứ hai là làm kinh phí để duy trì ổn định; Thứ ba là dùng để giảm bớt những khó khăn tài chính cấp bách nhất trong chính quyền trung ương và địa phương”, Giáo sư Viên tiết lộ.

Theo The Epoch Times tiếng Hoa

Đông Phương biên dịch

Related posts