Sự thật đằng sau chiêu bài ‘chuyển đổi xanh’ của Trung Quốc

Xuân Hoa

Một nhà máy nhiệt điện đang xả khói bụi dày đặc vào không khí, ở Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, phía đông bắc Trung Quốc. (Ảnh: STR/AFP/Getty Images)

Khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) rao giảng về những hành động tốt đẹp vì nhân loại và hành tinh, thì đó thường là để che đậy ý định thực sự của họ. Điều này đặc biệt đúng với chủ đề năng lượng xanh và giảm khí thải carbon ở Trung Quốc.

Mục tiêu thực sự của ĐCSTQ là gì?

Là để có được nguồn cung hydrocarbon [nhiên liệu hóa thạch] dồi dào trong tương lai, đồng thời bán được công nghệ xanh cho thế giới. Bí mật không mấy đẹp đẽ của họ là: ngành công nghiệp Trung Quốc sẽ luôn chạy bằng nhiên liệu hóa thạch, không phải năng lượng xanh.

Hãy cùng xem xét vấn đề.

Tuyên truyền và tô vẽ

Thời gian gần đây, nhiều phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc đã đưa tin về các dự án năng lượng xanh quy mô nhỏ – như một phần của chiến dịch thuyết phục thế giới về “độ nhạy môi trường” [nhận biết và xử lý thông tin về môi trường] của Trung Quốc, cũng như về cam kết của Bắc Kinh trong việc giảm phát thải “khí nhà kính” theo các thỏa thuận quốc tế, chẳng hạn như Hiệp định Paris hay thỏa thuận tại Hội nghị lần thứ 27 của các bên tham gia Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) vừa kết thúc. Các ví dụ bao gồm:

Một tuabin gió 16 megawatt đang được lắp đặt như một phần của trang trại gió ngoài khơi lớn nhất miền bắc Trung Quốc, ngoài khơi thành phố Trang Hà (Zhuanghe) thuộc tỉnh Liêu Ninh. Kế hoạch Năng lượng tái tạo 5 năm mới nhất của Trung Quốc dự đoán rằng đến năm 2025, tổng sản lượng điện gió ngoài khơi sẽ đạt 16 gigawatt – đây được ví như một giọt nước trong đại dương, bởi vì sản lượng điện của Trung Quốc trong tháng 10 năm nay là 661.000 gigawatt giờ!

Nhà máy Yibin của công ty pin khổng lồ Trung Quốc Contemporary Amperex Technology Co Ltd (CATL) — được hãng truyền thông nhà nước China Daily ca ngợi là “nhà máy sản xuất pin không carbon đầu tiên trên thế giới” — đã được chọn để đưa vào danh sách các doanh nghiệp hành động vì môi trường năm 2022 tại COP 27. Tất nhiên, bài báo không đề cập đến những thiệt hại môi trường do khai thác lithium lộ thiên, hay mối nguy hiểm do cháy pin lithium trong xe điện (Trung Quốc là nhà sản xuất pin lithium và xe điện lớn nhất thế giới ).

Mới đây, China Daily đăng một bài xã luận được viết bởi Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), trong đó thúc giục các quốc gia hành động ngay lập tức để giảm lượng khí thải carbon và đẩy nhanh “quá trình chuyển đổi xanh của nền kinh tế thế giới”. ĐCSTQ rõ ràng sẽ khiến tất cả chúng ta tin rằng họ hoàn toàn ủng hộ các kế hoạch lớn của IMF, bao gồm những lời hứa của ông Tập Cận Bình rằng Trung Quốc sẽ “trung hòa carbon” và đạt mức “không phát thải ròng” vào năm 2060. Thực tế, Trung Quốc là “tác nhân gây ô nhiễm không khí lớn nhất thế giới” và nước này vẫn “tiếp tục gây ô nhiễm”, theo báo cáo của Viện Gatestone của Mỹ. Cần phải nói rằng, Hiệp định Paris đã ‘cho phép’ Trung Quốc tăng trưởng kinh tế mà không bị kiểm soát về lượng carbon vào khoảng thời gian mà Trung Quốc phấn đấu để trở thành cường quốc kinh tế và công nghệ thế giới.

Ảnh chụp từ trên cao nhà máy điện đảo Lamma ở Hong Kong; nhà máy này sản xuất điện bằng than củi. (Ảnh: Laurent Fievet/AFP/Getty Images)

Thực tế

Ngày 03/11, Bloomberg trích dẫn một phân tích từ Global Energy Monitor, trong đó tiết lộ rằng 30 công ty “nhiên liệu hóa thạch” chiếm “gần một nửa lượng khí metan phát thải – loại khí làm hành tinh nóng lên – của toàn ngành năng lượng thế giới”. 3 trong số 5 công ty phát thải tồi tệ nhất danh sách là các doanh nghiệp Trung Quốc, bao gồm Tập đoàn Đầu tư Năng lượng Trung Quốc (#3), Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Jinneng (#4) và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (#5). Nhưng đó không phải là tất cả, vì 7 công ty Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước khác cũng lọt vào danh sách này!

Trung Quốc chiếm 24% tổng lượng khí thải carbon trên toàn thế giới. Năm 2017, Trung Quốc có khoảng 1,24 triệu người chết do ô nhiễm không khí, theo một nghiên cứu năm 2020 xuất bản bởi The Lancet.

Trong khi đó, Breitbart cho biết vào ngày 09/11 rằng, theo một báo cáo của dự án Our World in Data của Đại học Oxford, “trong 8 năm qua, Trung Quốc thải ra lượng khí carbon dioxide nhiều hơn so với Vương quốc Anh kể từ khi bắt đầu Cách mạng Công nghiệp”.

Mục tiêu thực sự

ĐCSTQ hiểu rằng chìa khóa để tăng trưởng kinh tế là phải đảm bảo được nguồn cung năng lượng ổn định và có chi phí thấp. Như vậy, mục tiêu số một của họ là có được an ninh năng lượng cần thiết để cung cấp đủ năng lượng cho các ngành công nghiệp và sản xuất của Trung Quốc. Một Trung Quốc nghèo năng lượng đã rất nỗ lực ký kết thỏa thuận với các nước xuất khẩu hydrocarbon, trong khi đồng thời vẫn tung ra nhiều cam kết về phát triển năng lượng xanh và về nỗ lực đưa lượng khí thải carbon về 0 – để phục vụ mục đích quan hệ công chúng. Dưới đây là vài ví dụ:

Nga

Trung Quốc đã ký kết nhiều hợp đồng năng lượng với nước láng giềng Nga trong nhiều năm. Hai đối tác – Nga xuất khẩu và Trung Quốc nhập khẩu – đã có một thỏa thuận khí đốt trị giá 400 tỷ USD vào năm 2014, một thỏa thuận dầu mỏ trong 25 năm trị giá 270 tỷ USD vào năm 2015, một thỏa thuận được ký kết trong năm nay với 10 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm trong 25 năm, một thỏa thuận mới được ký trong năm nay cho 100 triệu tấn than, cũng như đang trong quá trình lập kế hoạch cho 50 tỷ mét khối khí đốt khác mỗi năm.

Thương mại song phương giữa hai quốc gia này đạt 104 tỷ USD vào năm 2020, phần lớn liên quan đến hydrocarbon từ Nga và hàng hóa thành phẩm từ Trung Quốc. Theo CNN, lượng dầu thô Trung Quốc nhập khẩu từ Nga trong tháng 05/2022 đã tăng 55% so với cùng kỳ năm 2021.

Không có gì xanh trong những giao dịch này!

Trung Đông

Theo Oilprice.com, Trung Quốc đang lợi dụng Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) để tiến sang Trung Đông như một phần thuộc sáng kiến Vành đai và Con đường của ông Tập Cận Bình. Trung Quốc đã ký “biên bản ghi nhớ (MoU), trong đó trao cho Ảrập Xêút, Qatar và Ai Cập… tư cách đối tác đối thoại của SCO”. Bahrain, UAE và Kuwait sẽ sớm được kết nạp làm đối tác. Tất cả đều là vì dầu mỏ và khí đốt!

(Từ trái sang phải) Ông Ali Kardor – giám đốc điều hành Công ty Dầu khí Quốc gia Iran (NIOC), ông Stephane Michel – người đứng đầu bộ phận thăm dò và sản xuất tại Trung Đông của Total, ông Hamid Akbari – giám đốc điều hành Tập đoàn Petropars và ông Jean Ping Zhou thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) bắt tay nhau sau khi ký thỏa thuận khai thác khí đốt ngoài khơi ở Tehran, ngày 08/11/2016. (Ảnh: Atta Kenare/AFP/GettyImages)

Trung Quốc cũng đang theo đuổi một thỏa thuận thương mại tự do với Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC). Thỏa thuận này được cho là đang trong “giai đoạn cuối” và có thể sẽ được ký kết trong Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc – Ả Rập được tổ chức tại Ảrập Xêút vào tháng 12.

Mục tiêu đầu tiên của chính quyền Trung Quốc là hoàn tất các thỏa thuận liên quan đến nguồn cung dầu khí từ Trung Đông, bao gồm từ Ảrập Xêút, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Iran. Chỉ riêng thỏa thuận dầu mỏ với Iran đã trị giá 400 tỷ USD trong 25 năm. Ngày 21/11, QatarEnergy đã ký một thỏa thuận mua bán trong 27 năm với Sinopec của Trung Quốc, đây là “thời hạn dài nhất trong lịch sử các giao dịch khí tự nhiên hóa lỏng (LNG)”, theo Reuters.

Mục tiêu thứ hai của Trung Quốc ở Trung Đông là thay thế Hoa Kỳ để trở thành đối tác thương mại chính của hầu hết các nước Ả Rập. Với việc chính quyền Biden tiếp tục thúc đẩy phong trào “xanh”, thì mục tiêu này nằm trong tầm tay của Bắc Kinh.

Venezuela

Các nhà máy lọc dầu Trung Quốc là khách hàng mua dầu thô lớn nhất của Venezuela. Cụm từ “khách hàng” không thực sự chính xác, vì người Venezuela đang trả hàng tỷ USD nợ Trung Quốc thông qua thỏa thuận “đổi dầu trả khoản vay”. Khoản tiền mà Venezuela nợ Trung Quốc đã lên tới 19 tỷ USD tính đến năm 2020.

Bất chấp nhiều lệnh trừng phạt liên tiếp của Hoa Kỳ, đảng chính trị cầm quyền của Venezuela được cho là đang “làm việc với Trung Quốc và Indonesia để khởi động ngành công nghiệp dầu mỏ sau nhiều năm tạm dừng hoạt động”, theo Oilprice.com.

Kết luận

Cam kết của Bắc Kinh về các mục tiêu khí hậu toàn cầu và về công cuộc chuyển đổi xanh của nền kinh tế thế giới, vốn đang được truyền thông nhà nước Trung Quốc tung hô, chẳng qua chỉ là màn khói che đi mục tiêu thực sự của ĐCSTQ – đó là có được càng nhiều nguồn cung hydrocarbon giá rẻ càng tốt, từ đó đảm bảo đủ nhiên liệu cung cấp cho lĩnh vực công nghiệp và sản xuất của Trung Quốc.

“Con chim hoàng yến trong mỏ than” – tức là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang nói dối – là việc nước này tiếp tục xây dựng nhiều nhà máy điện than. Theo Time, “Trung Quốc chiếm 52% trong tổng số 176 gigawatt công suất nhiệt điện than [đang được xây dựng] ở 20 quốc gia vào năm 2021”. Trong khi hầu hết các nước khác đang thu hẹp quy mô và đóng cửa nhiều nhà máy nhiệt điện than, thì Trung Quốc “đang lên kế hoạch xây dựng 43 nhà máy nhiệt điện than mới và 18 lò cao mới”.

Nếu và khi Trung Quốc trở thành bá chủ thế giới (như kế hoạch của ông Tập Cận Bình), ai sẽ có thể thuyết phục ĐCSTQ từ bỏ sử dụng hydrocarbon, chuyển sang “sống xanh”? Đội ngũ của ông John Kerry [đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về biến đổi khí hậu] hay cô Greta Thunberg [nhà hoạt động môi trường trẻ tuổi]? Thật là buồn cười.

Theo The Epoch Times

Xuân Hoa biên dịch

Related posts