Tin thế giới trưa Chủ Nhật: Tesla tạm dừng sản xuất tại Thượng Hải

Pháo kích hàng loạt tại Kherson: Số người tử vong gia tăng

Bá Long

“Đây là hiện thực cuộc sống của người dân Ukraina”: TT Zelensky chụp ảnh hiện trường pháo kích tại Kherson.

Quân đội Nga đã pháo kích vào khu vực Kherson ở Ukraina vào thứ Bảy, ngày 24 tháng 12 . Theo thông tin ban đầu, có 8 người tử vong và khoảng 20 người bị thương từ cuộc tấn công của quân Nga.

Con số này đã được đài RBC-Ukraina báo cáo với nguồn tin từ Văn phòng Công tố Khu vực Kherson .

Hôm 23/12, phía Nga cũng đã thực hiện một cuộc pháo kích khác vào trung tâm Kherson. Họ nhắm vào những nơi tập trung đông cư dân địa phương nhất.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Tổng thống Ukraina, ông Kyrylo Tymoshenko, đã thông tin về tổng cộng 35 nạn nhân bị thương và tử vong trong vụ tấn công.  

Phía Nga cũng phá hủy các cơ sở hạ tầng dân dụng, bao gồm các tòa dân cư, tòa nhà hành chính và xe cơ giới.

Nhật Bản bất ngờ tăng chi tiêu quân sự lên mức kỷ lục trước mối đe dọa từ Trung Quốc

Các thành viên của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản (JGSDF) rời khỏi trực thăng CH-47 Chinook trong cuộc tập trận bắn đạn thật tại Khu vực Thao Diễn Đông Fuji ở Gotemba, Shizuoka, Nhật Bản, vào ngày 28/5/2022. (Ảnh: Tomohiro Ohsumi/Pool/AFP/Getty Images)

Nội các Nhật Bản hôm thứ Sáu (23/12) đã thông qua ngân sách kỷ lục 114,5 nghìn tỷ yên (khoảng 862 tỷ USD) cho năm tài khóa 2023, trong đó Tokyo dành một phần lớn cho chi tiêu phúc lợi và quốc phòng trước các mối đe dọa từ Trung Quốc.

Ngân sách Nhật Bản bao gồm 36,9 nghìn tỷ Yên (277,6 tỷ USD) cho an sinh xã hội và 6,8 nghìn tỷ Yên (51 tỷ USD) cho quốc phòng, tăng 26,3% so với 5,4 nghìn tỷ Yên (40,6 tỷ USD) trong ngân sách quốc phòng hiện tại, tờ Kyodo News đưa tin.

Ngân sách quốc phòng của Nhật Bản cho năm tài khóa 2023 bao gồm chi tiêu cho việc cải tiến và sản xuất hàng loạt tên lửa đất đối đất có điều khiển của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất. Loại tên lửa này được cho là yếu tố then chốt trong khả năng phản công của Nhật Bản.

Các hạng mục khác trong danh sách chi tiêu quân sự của Nhật Bản trong 5 năm tới bao gồm vũ khí lượn tốc độ cao, tên lửa siêu thanh, máy bay giám sát không người lái và tên lửa “thiện chiến” Tomahawk do Mỹ sản xuất.

Ngân sách này cũng bao gồm các chi phí liên quan đến việc tổ chức các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ, theo các nguồn tin địa phương. Hình ảnh tư liệu này do Hải quân Hoa Kỳ phát hành cho thấy, tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Barry (DDG 52) của Hải quân Hoa Kỳ phóng một tên lửa hành trình Tomahawk để hỗ trợ cho Chiến dịch Bình minh Odyssey ở Biển Địa Trung Hải vào ngày 29/3/2011. (Ảnh: Hải quân Hoa Kỳ/Getty Images)

Việc tăng ngân sách quốc phòng được đưa ra khi Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cam kết tăng chi tiêu quốc phòng lên 2% tổng sản phẩm quốc nội trong 5 năm tới để củng cố khả năng phòng thủ của Nhật Bản.

Để tài trợ chi tiêu cho quân sự của Nhật Bản, chính phủ đã lên kế hoạch thực hiện tăng thuế doanh nghiệp, thuốc lá và thuế thu nhập nhưng vẫn chưa quyết định khi nào các biện pháp này sẽ có hiệu lực.

Doanh thu thuế của Nhật Bản ước tính đạt 69,4 nghìn tỷ Yên (522 tỷ USD). Chính phủ Nhật Bản cũng sẽ phát hành 434,3 tỷ yên (khoảng 3,3 tỷ USD) trái phiếu xây dựng để tài trợ chi tiêu cho các căn cứ quân sự.

Nhật Bản nâng cao cảnh giác với Trung Quốc

Nhật Bản đang tìm cách nâng cao khả năng phản công khi đối phó với các thách thức an ninh trong khu vực từ Trung Quốc, Triều Tiên và Nga. Chính phủ của Thủ tướng Kishida tuần trước đã phê duyệt ba tài liệu quốc phòng quan trọng, bao gồm Chiến lược An ninh Quốc gia, trong đó đề cập đến Trung Quốc là “thách thức lớn nhất” của Nhật Bản.

Động thái này được giới quan sát coi là có sự khác biệt so với hiến pháp thời hậu chiến của Nhật Bản, trong đó đề cập đến việc từ bỏ chiến tranh hoặc sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế. Nhưng ông Kishida cho biết, Nhật Bản sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách chỉ tập trung vào phòng thủ, trong đó nêu rõ rằng, các lực lượng phòng thủ Nhật Bản chỉ nên triển khai trong trường hợp bị tấn công.

“Trong Chiến lược An ninh Quốc gia, chúng tôi đã mô tả chi tiết về các năng lực phản công mà chúng tôi sở hữu, bao gồm định nghĩa và các trường hợp có thể sử dụng”, ông Kishida nói với các phóng viên vào ngày 16/12.

Nhật Bản lo ngại rằng, nước này dễ bị tổn thương khi Trung Quốc mở rộng sự hiện diện quân sự gần Đài Loan và Biển Hoa Đông. Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không loại trừ việc thống nhất Đài Loan bằng vũ lực.

Các quốc gia khác, trong đó có Philippines, cũng bày tỏ lo ngại về các hoạt động quân sự của Trung Quốc. Bộ Quốc phòng Philippines đã kêu gọi quân đội nước này tăng cường sự hiện diện quân sự để ngăn chặn chính quyền Bắc Kinh xâm phạm lãnh thổ của họ ở khu vực Biển Đông. Đây là khu vực đang tranh chấp giữa Philipines và Trung Quốc.

Mỹ, Úc yêu cầu sự hợp tác của Nhật Bản

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Llyod Austin hôm 6/12 cho biết, Mỹ sẽ tăng cường sự hiện diện luân phiên của các lực lượng đặc nhiệm máy bay ném bom, máy bay chiến đấu, cũng như hải quân và lục quân nước này tại Úc, trong bối cảnh bị Trung Quốc đe dọa. (Từ trái sang) Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Úc Richard Marles, Ngoại trưởng Úc Penny Wong, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin tham gia một cuộc họp báo chung sau Hội nghị cấp trưởng Úc – Mỹ thường niên lần thứ 32 tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tại Washington, DC, hôm 6/12/2022 (Ảnh: Drew Angerer/Getty Images)

“Mỹ và Úc chia sẻ tầm nhìn về một khu vực, nơi mà các quốc gia có thể tự quyết định tương lai của chính mình và họ có thể tìm kiếm an ninh, thịnh vượng mà không bị cưỡng bức – và thịnh vượng không bị ép buộc và đe dọa”, ông Austin cho biết tại một hội nghị chung.

“Thật không may, ngày nay tầm nhìn đó đang bị thách thức. Các hành động nguy hiểm và mang tính cưỡng ép của Trung Quốc đang đe dọa hòa bình và ổn định khu vực trên khắp khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, xung quanh Đài Loan, cùng các quốc đảo ở Thái Bình Dương, cũng như trên Biển Hoa Đông và Biển Đông”.

Ngoại trưởng Mỹ cũng nhắc lại phát ngôn của Tổng thống Joe Biden rằng, Hoa Kỳ “sẽ không để Úc chiến đấu một mình”.

Ông Blinken nói: “Khi đề cập đến sự cưỡng bức kinh tế của Trung Quốc, Úc đã làm được một điều phi thường là trụ vững trước sự cưỡng ép đó và trở nên tốt hơn và mạnh mẽ hơn”.

Ngoại trưởng Mỹ cũng cho biết, Úc và Mỹ đang hướng tới Nhật Bản để tăng cường hợp tác quân sự trong khu vực hơn nữa.

Ông nói: “Chúng tôi đã nhất trí tăng cường hợp tác quốc phòng ba bên và mời Nhật Bản tham gia vào các sáng kiến ​​bố trí lực lượng của chúng tôi tại Úc”.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Úc, ông Richard Marles, tuyên bố rằng, vị thế phòng thủ được tăng cường của Úc sẽ thắt chặt hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực, cũng như tăng cường hợp tác và nâng cao vị thế của các căn cứ quân sự của nước này.

Bộ trưởng Quốc phòng Úc Marles nói: “Chúng tôi mong muốn có thể tương tác nhiều hơn với Nhật Bản”.

Các Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Ngoại giao Úc và Nhật Bản đã tổ chức cuộc đàm phán “2+2” tại Tokyo vào ngày 9/12. Theo đó, các Bộ trưởng nhất trí tăng cường hợp tác ba bên với Hoa Kỳ vì hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Theo The Epoch Times

Lam Giang biên dịch

Tesla tạm dừng sản xuất tại Thượng Hải

Cửa hàng bán lẻ xe Tesla ở Thượng Hải. (Nguồn: Brookgardener/ Shutterstock)

Tesla đã tạm đình chỉ sản xuất tại nhà máy ở Thượng Hải vào thứ Bảy (24/12), theo một nguồn tin nội bộ và theo hai người có kiến ​​thức về vấn đề này. Điều này diễn ra sớm 1 tuần trước kế hoạch ban đầu dự kiến tạm dừng hầu hết công việc tại nhà máy vào tuần cuối cùng của tháng 12, theo Reuters đưa tin.

Nhà sản xuất ô tô Mỹ Tesla đã hủy ca làm việc buổi sáng và nói với tất cả công nhân tại nhà máy năng suất cao nhất của mình rằng họ có thể bắt đầu nghỉ, theo người dân và theo thông báo mà Reuters có được. Công ty không đưa ra lý do.

Từ đầu tháng này rằng ‘gã khổng lồ’ ô tô điện Tesla đã lên kế hoạch tạm dừng sản xuất Model Y tại nhà máy từ ngày 25/12/2022 đến ngày 1/1/2023.

Việc đình chỉ này diễn ra trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm đang gia tăng sau khi Trung Quốc nới lỏng chính sách zero-COVID đầu tháng này.

Theo nguồn tin cho biết công nhân tại Tesla và các nhà cung cấp của họ cũng bị ốm trong đợt dịch bệnh tái bùng phát này, khiến hoạt động trong tuần qua trở nên khó khăn.

Tesla cũng đang vật lộn với mức tồn kho tăng cao khi thị trường lớn thứ hai của hãng chuẩn bị cho một cuộc suy thoái.

Cũng theo nguồn tin đó cho biết, nhà máy ở Thượng Hải đã tập trung sản xuất các mẫu xe xuất khẩu từ trong tuần trước.

Một đại diện truyền thông tại Tesla Trung Quốc đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.

Việc nhà máy tạm dừng lắp ráp Model Y vào cuối tháng vốn là một phần trong kế hoạch cắt giảm sản lượng khoảng 30% trong tháng đối với mẫu xe bán chạy nhất của Tesla tại nhà máy Thượng Hải.

Nhà máy ở Thượng Hải, trung tâm sản xuất quan trọng nhất của công ty sản xuất xe điện của Elon Musk, vẫn duy trì hoạt động bình thường trong tuần cuối cùng của tháng 12 năm ngoái.

Việc nhà máy đóng cửa vào dịp nghỉ lễ cuối năm không phải là một thông lệ đã có từ trước.

Thiên Đức

Nhật Bản ngừng bảo hiểm tàu ​​trong vùng biển Nga

Nikkei cho biết 3 công ty bảo hiểm Nhật Bản sẽ ngừng cấp dịch vụ bảo hiểm về thiệt hại của các tàu ở tất cả các vùng biển của Nga vì lý do chiến tranh ở Ukraine. Điều này có khả năng ảnh hưởng đến việc nhập khẩu năng lượng của Nhật Bản, bao gồm cả khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).

Tokio Marine & Nichido Fire Insurance Co., Sompo Japan Insurance Inc., và Mitsui Sumitomo Insurance Co. đã thông báo cho các chủ tàu về quyết định của họ vào thứ Sáu (23/12).

Tờ báo Nikkei cho biết quyết định đó của các công ty bảo hiểm là do thúc đẩy từ các công ty tái bảo hiểm khi từ chối nhận các rủi ro liên quan đến cuộc chiến mà Moscow phát động từ tháng 2/2022.

Việc tạm dừng này, áp dụng ngay cả với vùng biển ở Viễn Đông của Nga, cách xa khu vực giao tranh, có thể khiến việc vận chuyển đến đó trở nên quá rủi ro đối với một số công ty, theo tờ báo phân tích.

Nikkei cho biết việc nhập khẩu LNG của Nhật Bản từ dự án dầu khí Sakhalin-2 của Nga có thể bị ảnh hưởng. Tổ hợp đảo Sakhalin, thuộc sở hữu một phần của Gazprom và các công ty Nhật Bản, rất quan trọng đối với an ninh năng lượng của Nhật Bản vì nó chiếm 9% lượng LNG nhập khẩu của nước này.

Nikkei cho biết 3 công ty bảo hiểm Nhật Bản có thể sẽ bắt đầu đàm phán với các công ty tái bảo hiểm sau kỳ nghỉ lễ Giáng sinh về khả năng bắt đầu lại bảo hiểm.

Nikkei cho biết hầu như tất cả các tàu đều có bảo hiểm tàu ​​và nếu không có bảo hiểm bổ sung cho vùng biển của Nga, thì khu vực này sẽ quá rủi ro cho việc vận tải bằng tàu thủy.

Từ tháng 2, thị trường bảo hiểm hàng hải của London đã thêm các vùng biển của Ukraine và Nga xung quanh Biển Đen và Biển Azov vào danh sách các khu vực được coi là có rủi ro cao khi căng thẳng vẫn tiếp diễn trong khu vực.

Thiên Đức

Một tàu chở khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) di chuyển đến một trạm lưu trữ khí tại thành phố Sodegaura ở tỉnh Chiba, phía đông Tokyo, Nhật Bản, vào ngày 06/04/2009 để vận chuyển lô LNG đầu tiên từ dự án phát triển khí đốt tự nhiên Sakhalin-2 ở Sakhalin, Nga. (Ảnh: STR/AFP/Getty Images)

Nga có thể cắt giảm sản lượng dầu lên tới 700.000 thùng mỗi ngày

Hôm 23/12, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết, Moscow có thể giảm sản lượng dầu từ 500.000 – 700.000 thùng/ngày vào đầu năm 2023 để trả đũa việc G7 áp đặt giá trần đối với xuất khẩu dầu thô của nước này.

Phát biểu trong chương trình Rossiya-24 TV, Phó thủ tướng Nga cho biết, việc giảm sản lượng từ 500.000 – 700.000 thùng sẽ tương đương với cắt giảm khoảng 5% – 6% sản lượng mà Nga hiện đang sản xuất.

“Chúng tôi sẽ cố gắng tìm một số điểm chung với các đối tác của mình để ngăn chặn những rủi ro như vậy. Nhưng ngay bây giờ, chúng tôi thà chấp nhận rủi ro cắt giảm sản lượng hơn là tuân theo chính sách bán hàng theo trần giá”, ông cho biết.

Ông Novak cũng khẳng định rằng, Moscow không có kế hoạch bán dầu thô của mình cho các quốc gia và người mua khăng khăng đòi áp giá trần. Ông chỉ ra rằng, Nga đang chuyển hướng xuất khẩu dầu thô sang các thị trường khác như châu Á vì nhu cầu về dầu của Nga trên phạm vi toàn cầu vẫn ở mức cao.

Trong khi ông mô tả sản lượng giảm tiềm năng là “không đáng kể”, thì việc cắt giảm với quy mô này vẫn có thể thắt chặt thị trường dầu mỏ toàn cầu vào thời điểm mà nhiều nhà phân tích dự đoán là nhu cầu dầu ở Trung Quốc sẽ phục hồi.

Phó thủ tướng nhấn mạnh rằng, sự phát triển kinh tế toàn cầu sẽ bị tổn hại nếu không có nguồn cung cấp năng lượng của Nga. Ông dự đoán rằng, Châu Âu sẽ đối mặt với nguy cơ bị thiếu hụt khí đốt và dầu.

Hạn chế giá

Các quốc gia G7, Liên minh Châu Âu và Úc đã áp đặt mức trần giá 60 USD/thùng đối với lô hàng dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga, có hiệu lực từ ngày 5/12. Các lô hàng dầu mỏ của Nga giao dịch trên ngưỡng này bị cấm tiếp cận các dịch vụ quan trọng liên quan đến ngành như bảo hiểm từ các công ty phương Tây. Hiện tại, dầu thô Urals của Nga đang được định giá dưới mức trần.

“Chúng tôi cảm thấy rằng trong kịch bản hiện tại, việc chấp nhận rủi ro về sản lượng thấp hơn là điều hợp lý, hơn là bị áp đặt chính sách bán hàng liên quan đến giá trần. Hôm nay là 60 USD, ngày mai có thể là bất kỳ mức giá nào và phụ thuộc vào quyết định của các quốc gia không thân thiện là điều mà chúng tôi không thể chấp nhận được”, ông Novak nói với tờ Reuters.

Phó thủ tướng cho biết, sản lượng dầu của Nga dự kiến sẽ tăng từ 524 triệu tấn năm 2021 lên 535 triệu tấn năm 2022. Trong khi đó, sản lượng khí đốt tự nhiên được dự đoán sẽ giảm tới 20% trong khoảng thời gian này.

Hôm thứ Năm (22/12), Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố rằng ông sẽ ban hành một sắc lệnh vào tuần tới nêu chi tiết phản ứng chính thức của Moscow đối với mức giá trần.

Lợi ích của Trung Quốc

Trong một bài bình luận gửi The Epoch Times vào ngày 5/12,Tiến sĩ Daniel Lacalle, nhà kinh tế trưởng tại quỹ phòng hộ Tressis, đã cảnh báo rằng mức trần giá 60 USD sẽ không gây hại gì cho Nga vì mức giá đó vẫn cao hơn mức giá dầu thô Urals hiện tại.

Mức trần giá sẽ cho phép các quốc gia ngoài EU tiếp tục nhập khẩu dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga, ngay cả khi tăng giá trên 60 USD/thùng, với điều kiện là các giao dịch như vậy sẽ không được tiếp cận với các công ty vận chuyển, bảo hiểm và tái bảo hiểm phương Tây. Ông nhấn mạnh rằng điều này chỉ mang lại lợi thế cho Trung Quốc.

“Trung Quốc sẽ có được nguồn cung dài hạn từ Nga với mức giá hấp dẫn và xuất khẩu hàng hóa tinh chế ra nước ngoài với lợi nhuận cao hơn. Trong một môi trường kinh tế khó khăn, Sinopec và PetroChina sẽ tìm kiếm các cơ hội trên thị trường toàn cầu để đảm bảo lợi nhuận cao hơn đối với hàng hóa tinh chế của họ trong khi vẫn đảm bảo nguồn cung hợp lý”, ông phân tích.

Theo bài báo ngày 20/12 của tờ Reuters, các nhà máy lọc dầu độc lập của Trung Quốc đang được hưởng lợi từ tình hình này. Các nhà tinh chế Trung Quốc đang kiếm được lợi nhuận cao hơn bằng cách tinh chế dầu giá rẻ của Nga do các lệnh trừng phạt của phương Tây. Điều này đã trao cho họ cơ hội đàm phán lớn hơn nhằm giảm giá sản phẩm.

Theo The Epoch Times

Thanh Hải biên dịch

Related posts