Tin thế giới tối thứ Hai: Quân đội Hoa Kỳ bắn hạ vật thể ‘hình bát giác’ trên vùng Great Lakes

TT Biden mời các thống đốc ăn tối tại Tòa Bạch Ốc

TT Biden mời các thống đốc ăn tối tại Tòa Bạch Ốc
Tổng thống Joe Biden nâng cốc chúc mừng trong một bữa tiệc chiêu đãi các thống đốc và các phu nhân, phu quân của họ tại Phòng Quốc Yến của Tòa Bạch Ốc hôm 11/02/2023. (Ảnh: Manuel Balce Ceneta/AP Photo)

HOA THỊNH ĐỐN — Tổng thống (TT) Joe Biden đã nâng ly chúc mừng khi ông tiếp đón các thống đốc của cả Đảng Cộng Hòa và Đảng Dân Chủ trong một bữa tiệc tối trang trọng tại Tòa Bạch Ốc.

Đứng dưới bức chân dung của Tổng thống Abraham Lincoln, ông mời những người trong phòng hãy nhớ mình là ai. “Chúng ta là Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Chúng ta có thể hoàn thành những việc lớn nếu chúng ta làm cùng nhau.”

Đám đông đáp lại, “Xin chúc mừng!” cùng với đó là tiếng chạm ly leng keng vang khắp Phòng Quốc Yến.

Lần đầu tiên trong chính phủ của mình, TT Biden tổ chức tiệc tối cho các thành viên của Hiệp hội Thống đốc Quốc gia tại Tòa Bạch Ốc. Đó thường là một sự kiện truyền thống, nhưng bữa tiệc tối này đã được tổ chức hồi năm ngoái tại Mount Vernon, dinh thự của Tổng thống George Washington ở Virginia và qua trực tuyến vào năm 2021 vì dịch COVID-19.

Bữa tiệc tối này diễn ra vào thời điểm các nhà lãnh đạo liên bang dường như bị chia rẽ hơn bao giờ hết, với phe đa số mới của Đảng Cộng Hòa trong Hạ viện đang theo đuổi một cuộc tranh chấp đầy rủi ro về mức trần nợ.

Tuy nhiên, tại Tòa Bạch Ốc vào thứ Bảy (11/02), thông điệp là sự hiệp lực — và không chỉ vì căn phòng chật cứng các thống đốc, các phu nhân, phu quân, và các thành viên Nội các. TT Biden và các nhà lãnh đạo của cả hai hiệp hội, Thống đốc Đảng Cộng Hòa Spencer Cox của Utah và Thống đốc Đảng Dân Chủ Phil Murphy của New Jersey, đã nói về sự cần thiết của việc gạt bỏ những khác biệt chính trị để cùng nhau hợp tác nhằm cải thiện quốc gia.

“Tôi nghĩ rằng khi chúng ta làm việc cùng nhau thì sẽ hiệu quả,” ông Biden nói, đồng thời cho biết thêm rằng ông sẽ làm việc để trở thành một người lưỡng đảng hơn một chút và ca ngợi công việc của các thống đốc.

Những chiếc bàn tại đây đã được trang trí bằng khăn trải bàn nhung màu tím (một dấu hiệu về tính lưỡng đảng), đồ sứ có con dấu của tổng thống, và những chùm hoa lớn với màu trắng và hồng được để ở giữa.

Các thành viên Nội các ngồi xen kẽ với các thống đốc trong trang phục dạ hội, tuxedo, và trang phục có chất liệu lấp lánh. Thống đốc Michigan Gretchen Whitmer ngồi gần Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo. Thống đốc Maryland Wes Moore và Thống đốc New York Kathy Hochul, đều thuộc Đảng Dân Chủ, ngồi gần Phó Tổng thống Kamala Harris. Cách đó không xa là các Thống đốc Đảng Cộng Hòa Bill Lee của Tennessee và Doug Burgum của North Dakota.

Vào sáng sớm hôm thứ Bảy, Đệ nhất Phu nhân Jill Biden đã tổ chức một sự kiện dự án dịch vụ công ích cho các phu nhân và phu quân tham dự, nhưng bà phải bỏ qua một sự kiện hôm thứ Sáu (10/02) vì cảm thấy không được khỏe. Bà đã xét nghiệm âm tính với COVID-19.

Ông Biden, người không uống rượu, đã nâng ly bằng tay trái, đồng thời giải thích rằng ông đã được ông nội chỉ bảo cho rằng đó là điều mọi người thường làm khi không có rượu trong ly. Ông Cox, người cũng không uống rượu, cũng làm như vậy khi nâng ly, đồng thời nói với cả phòng rằng đó là soda gừng.

“Việc các thành viên Đảng Cộng Hòa và Đảng Dân Chủ cùng ngồi ăn với nhau là rất ý nghĩa,” ông Cox nói. “Đây là những gì còn thiếu.”

“Và tôi tin rằng phần lớn người dân của đất nước chúng ta, ít nhất là đa số đã mệt mỏi, đang muốn chúng ta làm nhiều hơn nữa.”

Ông Cox đã cảm ơn TT Biden và đệ nhất phu nhân trước khi giới thiệu ông Murphy, người đã nói đùa rằng ông chắc chắn đang cầm chiếc ly của mình trong tay phải. Ông nói rằng khuynh hướng đảng phái của họ ít quan trọng hơn khái niệm chung về “người Mỹ.”

Sau bữa tiệc tối hôm đó, các vị khách đã tập trung ở Phòng phía Đông, nơi ca sĩ nhạc đồng quê Brad Paisley biểu diễn bài hát “American Saturday Night” và các giai điệu khác.

Thanh Tâm biên dịch

Cách Trung Quốc xâm chiếm các quốc gia nghèo Châu Phi

Tạ Linh

Tổng thống Angola Joao Lourenco (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (ảnh: (Ảnh: Andy Wong-Pool/Getty Images).

Trong nhiều năm, Cộng hòa Angola được xem như “quốc gia nghèo giàu nhất Châu Phi”, chứa đầy dầu mỏ và kim cương, nhưng lại bị lãng phí 40 năm trong cuộc chiến ủy quyền và bị cướp bóc bởi những kẻ đạo tặc bản địa.

Sau khi cuộc nội chiến đẫm máu kết thúc vào năm 2002, chính phủ nước này đã tìm kiếm các nhà đầu tư quốc tế, và trong hai năm, các chủ ngân hàng từ chính quyền Trung Quốc đã đến Luanda (Thủ đô của Angola) với thông điệp: “Chúng tôi đến từ Bắc Kinh và chúng tôi ở đây để giúp đỡ các bạn”.

Tuy nhiên, sau gần 20 năm tiến hành các dự án do nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn, Angola đang mắc nợ Trung Quốc 21 tỷ USD trong khi Angola có mức tăng trưởng âm và hơn 50% dân số nước này đang sống trong điều kiện nghèo khổ cùng cực.

Đó là miêu tả do một nhóm chuyên gia đánh giá tình trạng khó khăn của Angola tại Viện Hudson ở Washington trình bày hôm 07/02. Đứng đầu trong số họ là ký giả và nhà hoạt động chống tham nhũng, giám đốc điều hành của Viện Cộng hòa Quốc tế Jenai Cox, cùng kinh tế gia Thomas J. Duesterberg và nhà nghiên cứu Nate Sibley của Viện Hudson.

Theo nhà nghiên cứu Nate Sibley của Viện Hudson, những gì đã xảy ra ở Angola là một phần trong mô hình đầu tư rộng lớn hơn của Trung Quốc vào Châu Phi.

Ông Sibley cho hay, trên khắp Châu Phi, nơi có sự hợp tác tham nhũng giữa các nhà lãnh đạo Châu Phi và các nhà tài trợ Trung Quốc, “Trung Quốc là đối tác cao cấp.”

Còn theo ông Marques, Angola đã từ chối một thỏa thuận cho vay của Quỹ Tiền tệ Quốc tế vào năm 2002, vì các quan chức Angola không muốn các điều kiện minh bạch, trong khi các nhà cho vay Trung Quốc không yêu cầu những điều kiện đó, tạo cơ hội cho hoạt động hối lộ. Trung Quốc cũng không tiết lộ các điều khoản trả nợ, hoặc liệu các quốc gia có nguy cơ bị tịch thu tài sản quốc gia trong trường hợp không thanh toán được hay không.

Ông Sibley nói, “Họ đang ráo riết thúc đẩy một mô hình phát triển khác. Việc cho vay giữa các chính phủ với nhau đã đổi thành cho vay đối với các công ty tư nhân có tư cách gần như chính phủ. Nhưng nếu các công ty tư nhân đó thất bại, thì các chính phủ [Châu Phi] sẽ phải lãnh số tiền nợ đó.”

Ông Sibley cho biết, Trung Quốc bắt đầu đầu tư mạnh vào các nước đang phát triển từ 30 năm trước, ưu tiên các quốc gia có thành tích pháp trị kém. “Sự tăng trưởng thần kỳ của Trung Quốc trong những năm 1990 có được là nhờ đầu cơ và chấp nhận rủi ro một cách liều lĩnh, vốn không nhất thiết giúp ích cho sự phát triển, mà chỉ cần trợ giúp cho nghị trình chính trị của nhà cầm quyền Trung Quốc”.

Ông nói: “Hàng ngàn tỷ USD đã được đổ vào các quốc gia không thể tiếp thụ, và các dự án được thi công một cách kém chất lượng.”

Theo ông Marques, Sáng kiến ​​​​Vành đai và Con đường có tổng tài trợ hơn một ngàn tỷ USD của Trung Quốc ở Châu Phi là một băng chuyền kiểm soát của chính quyền TQ. Hôm 12/01, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương đã đến thăm Tổng thống Angola João Lourenço để kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, nhưng ông ấy đã không đến bằng tay không.

Ông Marques nói với khán giả tại Viện Hudson: “Mới đây, chúng tôi đã được Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đến thăm, ông ấy đã công bố khoản vay mới trị giá 250 triệu USD để phủ sóng băng thông rộng.”

Bà Vera Daves, Bộ trưởng Tài chính Angola, nói với một hãng truyền thông: “Thỏa thuận này ‘thuận lợi hơn’ cho Angola so với các điều kiện thị trường với thời gian đáo hạn lên tới 20 năm và không có tài sản thế chấp liên quan.”

Ông Marques hỏi, “Tuy nhiên, Angola đã thực hiện đánh giá rủi ro thích hợp chưa?”

Ông Marques nói với nhóm: “Dự án này có thể là một con ngựa thành Troy, vì có nguy cơ bị giám sát đáng kể.”

Ông Marques hỏi, “Và chúng tôi đã nợ Trung Quốc 21 tỷ USD, với kết quả là gần 50% ngân sách của chính phủ quốc gia là cần thiết để trả khoản nợ này. Tại sao Angola đang nhận thêm nhiều khoản vay nữa?”

Đầu tư của Trung Quốc vào Angola song song với các dự án phát triển kinh tế rộng lớn ở Nigeria gần đó, quốc gia đông dân nhất và giàu có nhất ở Châu Phi. Bộ trưởng Ngoại giao Tần Cương đã đến Lagos hôm 23/01 để dự buổi ra mắt cảng biển nước sâu trị giá 1.5 tỷ USD của Trung Quốc, trong đó Trung Quốc sở hữu 75% cảng biển này, nơi mà ông nói sẽ là “nhân tố thay đổi cuộc chơi” đối với nền kinh tế Nigeria và sự tắc nghẽn của các con tàu tìm cách dỡ hàng vào Lagos sẽ được giải tỏa.

Đồng thời, Lagos được kỳ vọng sẽ là trung tâm container không chỉ của Nigeria mà còn của cả Châu Phi.

Các nhà phê bình thường lưu ý rằng các điều kiện đối với các khoản vay của Trung Quốc thường quy định rằng một tỷ lệ cao công dân Trung Quốc sẽ được tuyển dụng cho dự án. Các khoản đầu tư lớn vào Angola đã chứng kiến người Angola nhận ​​những công việc có tay nghề thấp được trả các mức lương thấp nhất trong khi việc làm được trả lương cao lại được giao cho các nhân viên Trung Quốc.

Không biết có bao nhiêu trong số hàng ngàn việc làm được tạo ra tại cảng biển nước sâu ở Nigeria hoặc việc lắp đặt băng thông rộng của Angola sẽ dành cho công dân của hai quốc gia đó, tuy nhiên vị thế của Trung Quốc trong trò chơi lớn ở Châu Phi chắc chắn đã đề cao.

Quân đội Hoa Kỳ bắn hạ vật thể ‘hình bát giác’ trên vùng Great Lakes

Quân đội Hoa Kỳ bắn hạ vật thể ‘hình bát giác’ trên vùng Great Lakes
Chiến đấu cơ F-16 của Hoa Kỳ trong một bức ảnh tư liệu. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nam Hàn qua AP)

Hôm 12/02, quân đội Hoa Kỳ đã bắn hạ một vật thể không xác định đang bay trên Hồ Huron, theo một nhà lập pháp Hạ viện Hoa Kỳ từ Michigan, người đã tiết lộ rằng vật thể này có “cấu trúc hình bát giác.”

“Tôi đã liên lạc với Bộ Quốc phòng (DOD) về các hoạt động trên khắp vùng Great Lakes ngày hôm nay,” Dân biểu Jack Bergman (Cộng Hòa-Michigan) viết trên Twitter vào khoảng 3 giờ 30 phút chiều theo giờ Hoa Thịnh Đốn. “Một ‘vật thể’ khác trên Hồ Huron đã bị quân đội Hoa Kỳ làm cho ngừng hoạt động. Tôi đánh giá cao hành động quyết đoán này của các phi công chiến đấu cơ của chúng ta.”

Hôm 12/02, ông Bergman nói với Fox News rằng vật thể này có “cấu trúc hình bát giác” và bị một phản lực cơ F-16 bắn hạ ở độ cao 20,000 feet (6096 mét). Ông đã trích dẫn thông tin này từ các quan chức Ngũ Giác Đài.

“Họ thông báo với tôi rằng một chiếc F-16 sử dụng hỏa tiễn AIM-9 đã bắn hạ một cấu trúc hình bát giác trên Hồ Huron. Độ cao khoảng 20,000 feet,” ông Bergman cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với Fox News. Các quan chức đang làm việc để thu hồi các mảnh vỡ, ông nói thêm, đồng thời cho biết “không có thiệt hại về người hoặc tài sản.”

Ngũ Giác Đài sau đó xác nhận rằng phản lực cơ F-16 đã bắn một hỏa tiễn không đối không tầm ngắn AIM-9x để cho hạ vật thể đó.

Dân biểu Elissa Slotkin (Dân Chủ-Michigan), một cựu sĩ quan CIA, đã viết rằng “vật thể này đã bị các phi công của Lực lượng Không quân và Lực lượng Vệ binh Quốc gia Hoa Kỳ bắn hạ,” đồng thời cho biết thêm, “tất cả những người thực hiện nhiệm vụ này đều đã hoàn thành công việc một cách tuyệt vời cả ở trên không trung và khi trở lại trụ sở chính.”

“Tất cả chúng ta đều quan tâm đến việc vật thể này chính xác là gì cũng như mục đích của nó,” bà Slotkin viết. “Chừng nào những thứ này còn tiếp tục đi qua Hoa Kỳ và Canada, thì tôi sẽ tiếp tục yêu cầu Quốc hội có một bản báo cáo đầy đủ dựa trên việc khai thác đống đổ nát này của chúng ta.”

Các nguồn tin quân sự ẩn danh nói với ABC News và CNN rằng quân đội Hoa Kỳ đã bắn hạ vật thể đó, được mô tả là ở tầm cao. Đặc điểm của vật thể này không được tiết lộ.

Hôm 12/02, một phát ngôn viên nói với The Epoch Times, FAA xác nhận rằng cơ quan này đã đóng “một vùng không phận trên Hồ Huron để trợ giúp các hoạt động của Bộ Quốc phòng.” Bộ Quốc phòng đã không phúc đáp một yêu cầu bình luận vào thời điểm đưa tin.

Đây là vật thể bay thứ tư trong những ngày gần đây bị bắn hạ trên không phận Bắc Mỹ, xảy ra khoảng một tuần sau khi một chiếc F-22 của Hoa Kỳ bắn hạ một khinh khí cầu của Trung Quốc bị nghi là do thám ngoài khơi bờ biển South Carolina. Khinh khí cầu đó được phát hiện gần Billings, Montana, và được để cho đi ngang qua Hoa Kỳ trước khi quân đội Hoa Kỳ hành động.

Vào các hôm 10 và 11/02, các vật thể bay không xác định đã bị phản lực cơ của Hoa Kỳ bắn hạ ở Alaska miền bắc Canada. Cho đến nay, các quan chức đã cung cấp rất ít thông tin chi tiết về các vật thể này, bao gồm cả việc chúng có bị nghi ngờ là khinh khí cầu gián điệp hay không.

Hôm 12/02, Cục Hàng không Liên bang (FAA) đã xác nhận với The Epoch Times rằng cơ quan này tạm thời hạn chế không phận trên Hồ Michigan trước khi không phận đó được mở lại một thời gian ngắn sau đó. Bộ Tư lệnh Phòng thủ Hàng không Vũ trụ Bắc Mỹ (NORAD) xác nhận rằng họ “đã áp dụng một không phận hạn chế chuyến bay tạm thời trên Hồ Michigan vào khoảng 12 giờ trưa theo Giờ Chuẩn Miền Đông (EST) hôm 12/02/2023.”

“FAA đã đóng cửa một thời gian ngắn một vùng không phận trên Hồ Michigan để hỗ trợ các hoạt động của Bộ Quốc phòng,” một phát ngôn viên của FAA nói với The Epoch Times hôm 12/02 mà không giải thích thêm. “Vùng không phận này đã được mở lại.”

Trong khi đó, các nhà điều tra Canada đang tìm kiếm mảnh vỡ của vật thể bay bí ẩn bị một chiến đấu cơ của Hoa Kỳ bắn hạ trên lãnh thổ Yukon, Thủ tướng Justin Trudeau cho biết hôm 12/02. Trong khi đó, Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer (Dân Chủ-New York), trích dẫn Cố vấn Tòa Bạch Ốc Jake Sullivan, cho biết các quan chức tin rằng cả hai vật thể đều là khí cầu, mặc dù nhỏ hơn quả bị bắn rơi gần bờ biển South Carolina một tuần trước.

Ngoài ra, hôm 11/02, FAA và Bộ Tư lệnh Phòng thủ Hàng không Vũ trụ Bắc Mỹ (NORAD) đã hạn chế một phần không phận của Montana sau khi phát hiện ra một “bất thường trên radar.” NORAD cho biết một phi cơ quân sự của Hoa kỳ đã không xác định được bất kỳ vật thể nào tương quan với những gì được phát hiện trên radar.

Ngũ Giác Đài cho biết trong tuyên bố hôm Chủ Nhật (12/02) rằng họ tin “dựa trên đường bay và dữ liệu” rằng vật thể rơi xuống Hồ Michigan là tín hiệu radar thu được tại Montana, và vật thể đó đã bay gần các địa điểm nhạy cảm của Bộ Quốc phòng.

Ngũ Giác Đài cho biết, “Nhóm của chúng tôi hiện sẽ làm việc để khôi phục vật thể này để cố gắng tìm hiểu thêm.”

Ngoài ra, FAA đã đóng cửa không phận xung quanh Phoenix và Glendale, Arizona, hôm 12/02 do giải Super Bowl LVII của Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia (NFL). FAA và NORAD đã đóng cửa không phận gần các trận Super Bowl trong những năm trước.

Dân biểu Mike Turner (Cộng Hòa-Ohio), Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện, nói với CNN hôm 12/02 rằng chính phủ có vẻ “hơi thích khai hỏa bắn hạ.”

Ông Turner cho biết thêm, “Mặc dù điều đó chắc chắn tốt hơn so với môi trường dễ dãi mà họ đã thể hiện khi khinh khí cầu do thám Trung Quốc bay qua một số địa điểm nhạy cảm nhất.”

Dân biểu Jim Himes (Dân Chủ-Connecticut), thành viên Đảng Dân Chủ hàng đầu trong Ủy ban Tình báo Hạ viện, đã kêu gọi chính phủ TT Biden công khai nhất có thể về các trường hợp bắn hạ này.

Jack Phillips là một phóng viên cao cấp của The Epoch Times tại New York. Ông chuyên về tin tức thời sự.

Nhã Đan biên dịch

Related posts