- Tuyết Mai
“Viêm phổi Trung Cộng” (viêm phổi Vũ Hán) đang là thảm họa cho toàn thế giới, còn chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang làm mọi cách để chối bỏ thực tế nguồn gốc virus từ Vũ Hán. Thực tế cho thấy ở ít nhất 20 quốc gia có trường hợp bệnh nhân được xác nhận đầu tiên liên quan đến Vũ Hán, có thể trước khi nhiễm bệnh họ đã đến Vũ Hán.
Trước khi phong tỏa thành phố Vũ Hán, hơn 5 triệu người đã rời khỏi đây và tỏa đi khắp nơi không chỉ trong Trung Quốc mà cả thế giới, gây ra thảm họa đại dịch toàn cầu như hiện nay. Và hôm nay (8/4), chỉ trong vài giờ sau khi Trung Quốc dỡ lệnh phong tỏa Vũ Hán, khoảng 65.000 người đã rời khỏi thành phố này bằng đường hàng không, tàu hỏa…
Điểm lại các bệnh nhân được xác nhận lây nhiễm đầu tiên ở 20 quốc gia và khu vực sau đều được chẩn đoán trước hoặc trong vòng 14 ngày sau khi thành phố Vũ Hán bị phong tỏa, và tất cả đều đến từ Vũ Hán hoặc đã đến thăm Vũ Hán:
Ngày 13/1/2020, Bộ Y tế Cộng đồng Thái Lan đã công bố xác nhận trường hợp nhiễm “viêm phổi Trung Cộng” đầu tiên ở trong nước, bệnh nhân là một phụ nữ 61 tuổi ở Vũ Hán. Tại Sân bay Quốc tế Bangkok vào ngày 8/1, sau khi kiểm dịch, sân bay phát hiện người phụ nữ này có biểu hiện sốt cao đã cho nhập viện, kết quả xét nghiệm cho thấy dương tính với “virus Trung Cộng” (virus corona chủng mới). Bệnh nhân chưa đến chợ hải sản Hoa Nam – Trung Quốc.
Trường hợp xác nhận “viêm phổi Trung Cộng” đầu tiên tại Nhật Bản vào ngày 16/1 ở tỉnh Kanagawa. Bệnh nhân là một người đàn ông Trung Quốc khoảng 30 tuổi, trước đó từ ngày 3/1 đã bị sốt khi ở Vũ Hán, trở về Nhật Bản vào ngày 6/1 và được đưa vào bệnh viện vào ngày 10/1. Thời gian ở Vũ Hán bệnh nhân chưa đến chợ Hoa Nam.
Trường hợp xác nhận nhiễm “viêm phổi Trung Cộng” đầu tiên ở Hàn Quốc là vào ngày 20/1. Bệnh nhân là một phụ nữ Trung Quốc 35 tuổi đến từ Vũ Hán, bệnh nhân đến sân bay quốc tế Incheon vào ngày 19/1 và đã được cách ly do bị sốt cao, sau đó xác nhận bị nhiễm virus. Bệnh nhân không đến chợ Hoa Nam ở Vũ Hán, cũng không tiếp xúc với đồ thịt tươi liên quan, nhưng vào ngày 18/1 đã bị sốt.
Tại Mỹ ngày 21/1 xác nhận trường hợp bệnh nhân “viêm phổi Trung Cộng” đầu tiên là người đàn ông ngoài 30 tuổi, trước đó, ngày 15/1 bệnh nhân từ Vũ Hán trở về Seattle – Washington, ngày 19/1, bệnh nhân đến một cơ sở y tế địa phương, hôm sau bệnh nhân được xác nhận nhiễm “viêm phổi Trung Cộng”.
Đài Loan xác nhận trường hợp “viêm phổi Trung Cộng” đầu tiên vào ngày 21/1, đó là một phụ nữ làm kinh doanh 55 tuổi mang quốc tịch Đài Loan, mới trở về Đài Loan từ Vũ Hán. Bệnh nhân đi chuyến bay từ Vũ Hán đến Đài Loan vào ngày 20/1, bộ phận kiểm dịch tại sân bay thấy bà bị sốt, ho và khó thở nên đã đưa vào viện, ngày 21/1 xác nhận bà bị nhiễm “viêm phổi Trung Cộng”.
Trường hợp “viêm phổi Trung Cộng” được xác nhận đầu tiên tại Macau (Trung Quốc) vào ngày 21/1, đó là một du khách từ Vũ Hán đến Macau chơi bạc.
Tại Hồng Kông, trường hợp “viêm phổi Trung Cộng” đầu tiên được xác nhận vào ngày 22/1 là hành khách nam người Đại Lục đã từng đến Vũ Hán. Tối ngày 21/1 bệnh nhân đi đường sắt cao tốc từ Thâm Quyến đến Hồng Kông, bộ phận kiểm dịch tại ga Tây Cửu Long phát hiện người này bị sốt, sau đó đưa đến bệnh viện để chẩn đoán.
Trường hợp “viêm phổi Trung Cộng” đầu tiên được xác nhận tại Singapore vào ngày 23/1, đó là du khách nam 66 tuổi người Trung Quốc đến từ Vũ Hán. Ngày 20/1, bệnh nhân đã đến Singapore cùng gia đình, sau đó bị sốt và ho, ngày 22/1 đã đến Bệnh viện Trung ương và vào tối ngày 23/1 bị xác nhận nhiễm “viêm phổi Trung Cộng”.
Tại Việt Nam, ngày 23/1, Bộ Y tế Việt Nam cho biết có trường hợp nhiễm “viêm phổi Trung Cộng” đầu tiên là hai cha con người Trung Quốc. Người cha trước khi đến Hà Nội đã ghé qua Vũ Hán, sau đó lại cùng người con (trước đó thường sống ở Long An) đến thăm Nha Trang, Sài Gòn và Long An. Hai cha con lần lượt có triệu chứng sốt vào ngày 17 và 20, vào ngày 22 được đưa vào Bệnh viện Chợ Rẫy tại Sài Gòn.
Ngày 24/1, Bộ Y tế Pháp đã công bố chẩn đoán ba trường hợp “viêm phổi Trung Cộng”, bệnh nhân đầu tiên là một người Pháp gốc Hoa 49 tuổi sống ở Bordeaux, trước đó ông đã tới Vũ Hán và trở về Paris vào ngày 22/1, được xác nhận bị “viêm phổi Trung Cộng” vào ngày 23/1. Trường hợp được chẩn đoán thứ hai sống ở Paris, trước đó người này mới đến Vũ Hán. Trường hợp được xác nhận thứ ba là người nhà của bệnh nhân thứ hai.
Tại Nepal, ngày 24/1, quan chức y tế nước này đã xác nhận trường hợp một sinh viên Nepal học tại Vũ Hán, khi trở về Nepal đã được chẩn đoán nhiễm “viêm phổi Trung Cộng”. Đây là trường hợp được xác nhận đầu tiên ở Nepal.
Bệnh nhân “viêm phổi Trung Cộng” được xác nhận đầu tiên ở Úc vào ngày 25/1 là một người đàn ông Trung Quốc ở độ tuổi 50, ông đã đi máy bay chở khách của Hàng không Phương Nam Trung Quốc, từ Vũ Hán qua Quảng Châu rồi đến Melbourne.
Tại Canada, trong buổi họp báo ngày 25/1 của Sở Y tế Toronto đã thông báo trường hợp “viêm phổi Trung Cộng” đầu tiên là một người đàn ông ngoài 50 tuổi, ngày 23/1 sau khi trở về từ Vũ Hán đã bị sốt, sau đó ông được đưa đến bệnh viện chẩn đoán, chiều ngày 25 đã xác nhận bị nhiễm “viêm phổi Trung Cộng”.
Vào ngày 25/1 Bộ Y tế Malaysia đã công bố ba trường hợp “viêm phổi Trung Cộng” được xác nhận đầu tiên, trong đó có trường hợp là vợ của trường hợp được xác nhận đầu tiên ở Singapore, còn hai trường hợp kia là con của họ, cả ba người đều đến từ Vũ Hán.
Tại Campuchia, ngày 27/1 Bộ Y tế Campuchia đã xác nhận rằng ca nhiễm “viêm phổi Trung Cộng” đầu tiên ở Campuchia, bệnh nhân đến từ thành phố Vũ Hán tỉnh Hồ Bắc – Trung Quốc, hiện đang sống ở Sihanoukville (Kâm Póng Sao).
Ngày 27/ nước Đức xác nhận trường hợp “viêm phổi Trung Cộng” đầu tiên, nạn nhân là một nhân viên nam tại trụ sở Stockdorf của hãng sản xuất phụ tùng ô tô Webasto. Vào ngày 21/1 người đàn ông này đã tham gia một cuộc họp với một đồng nghiệp nữ người Trung Quốc đến từ Thượng Hải, sau đó trên chuyến bay trở về nước vào ngày 23/1 người phụ nữ cảm thấy biểu hiện cơ thể không tốt. Thông tin cho biết trước đó cha mẹ phụ nữ này đã đi từ Vũ Hán đến Thượng Hải gặp cô.
Tại UAE, ngày 29/1, Bộ Dự phòng Y tế Abu Dhabi đã thông báo trường hợp “viêm phổi Trung Cộng” đầu tiên xảy ra ở UAE, bệnh nhân là thành viên của một gia đình tại Vũ Hán.
Vào ngày 30/1, trường hợp “viêm phổi Trung Cộng” được xác nhận đầu tiên ở Phần Lan là một khách du lịch Trung Quốc, người phụ nữ 32 tuổi được điều trị cách ly tại Bệnh viện Trung tâm Lapland ở miền Bắc Phần Lan, trước đó năm ngày bệnh nhân còn ở Vũ Hán.
Ngày 30/1, Bộ Y tế và Phúc lợi Gia đình Ấn Độ đã thông báo trường hợp “viêm phổi Trung Cộng” đầu tiên tại Ấn Độ, đó là một sinh viên Ấn Độ học tại Vũ Hán. Bệnh nhân vừa từ Vũ Hán trở về Kerala thuộc miền nam Ấn Độ.
Vào ngày 30/1, Bộ Y tế Philippines thông báo một phụ nữ 38 tuổi ở Vũ Hán – Trung Quốc được chẩn đoán nhiễm “viêm phổi Trung Cộng”. Ngày 21/1 người phụ nữ này đã đi qua Hồng Kông đến Manila. Đây là trường hợp được xác nhận đầu tiên ở Philippines. Người đàn ông Vũ Hán 44 tuổi đi cùng cô đã thiệt mạng vào ngày 2/2 vì “viêm phổi Trung Cộng”.
Tại Ý, ngày 31/1 xác nhận trường hợp “viêm phổi Trung Cộng” đầu tiên ở Ý là cặp vợ chồng du khách Trung Quốc. Họ đã rời Vũ Hán một ngày trước khi phong tỏa, ngày 23/1 họ cùng đoàn du khách Trung Quốc bay đến sân bay Milan. Vài ngày sau họ bắt đầu xuất hiện triệu chứng sốt và ho, đến ngày 30/1 khi thấy tình trạng bệnh quá xấu thì họ đến bệnh viện và được chẩn đoán nhiễm “viêm phổi Trung Cộng”. Sau đó truyền thông tiết lộ rằng người vợ 65 tuổi từng là Viện trưởng Viện Văn học Đại học Sư phạm Hoa Trung – Vũ Hán, còn người chồng 66 tuổi trước khi nghỉ hưu là kỹ sư cao cấp về hóa sinh, từng có nhiều bài viết đăng trên một số tạp chí sinh hóa quan trọng.
Ngày 31/1, Thụy Điển xác nhận trường hợp “viêm phổi Trung Cộng” đầu tiên của nước này, bệnh nhân là một phụ nữ vừa từ Vũ Hán về Thụy Điển.
Tại Bỉ, ngày 4/2, Bộ Y tế Bỉ đã thông báo, trong 9 người Bỉ trở về từ Vũ Hán vào ngày 2/2 thì có một trường hợp nhiễm “viêm phổi Trung Cộng”, 8 người còn lại được xét nghiệm âm tính.
Ngoài ra, bệnh nhân đầu tiên được chẩn đoán nhiễm “viêm phổi Trung Cộng” ở Sri Lanka là vào ngày 27/1, đó là một phụ nữ 43 tuổi đến từ Hồ Bắc.
Vào ngày 31/1, nước Nga xác nhận trường hợp “viêm phổi Trung Cộng” đầu tiên, chỉ cho biết nạn nhân là hai người Trung Quốc.
Tờ SCMP (South China Morning Post) của Hồng Kông dẫn “tài liệu nội bộ chưa được công bố” cho biết, ngay từ ngày 17/11/2019 Vũ Hán – Trung Quốc đã xảy ra trường hợp “viêm phổi Trung Cộng”, nhưng ĐCSTQ không đưa ra cảnh báo, thậm chí còn tuyên bố tình hình “có thể phòng ngừa và kiểm soát được”, cho đến 20/1 ĐCSTQ mới chính thức xác nhận “viêm phổi Trung Cộng” truyền từ người sang người, và vào ngày 23/1 bất ngờ thông báo phong tỏa thành phố Vũ Hán.
Ngày 28/1 Thị trưởng Vũ Hán Chu Tiên Vượng cho biết, trước khi Vũ Hán phong tỏa đã có hơn 5 triệu người rời khỏi Vũ Hán. Trong khi có cơ quan truyền thông Trung Quốc Đại Lục cho biết trước khi Vũ Hán phong tỏa đã có hàng trăm ngàn người từ Vũ Hán đi máy bay đến nhiều nơi, các điểm đến chính tại Trung Quốc của khoảng 124.000 người là Bắc Kinh, Quảng Châu, Thành Đô, Quảng Đông; về chuyến bay quốc tế, trong thời gian này có khoảng 7.000 người Vũ Hán bay thẳng đến Hồng Kông, khoảng 7.500 người bay đến Đài Loan, còn bay tới Bangkok – Thái Lan là hơn 20.000 người.
Ngay trước khi phong tỏa, người Vũ Hán du lịch nhiều đến đâu?
Theo The Chronicle tại Úc vào ngày 11/2, sau khi sử dụng phân tích dữ liệu lớn như đường bay quốc tế và vị trí khu vực của Baidu Trung Quốc, nhóm nghiên cứu “Dự án Dịch bệnh truyền nhiễm thế giới” (World Pop Project) thuộc Đại học Southampton của Anh đã công bố một bản đồ di chuyển toàn cầu đáng lo ngại, qua đó dự đoán trong ba tháng tới bệnh “viêm phổi Trung Cộng” nguy hiểm này sẽ lan rộng trên toàn thế giới.
Theo thông tin, trước khi Vũ Hán phong tỏa thành phố vào ngày 23/1 thì đã có 59.912 người bay từ Vũ Hán đến ít nhất 382 thành phố bên ngoài Trung Quốc Đại Lục, bao gồm 834 bệnh nhân khi đó đang bị “viêm phổi Trung Cộng”. Bản đồ dự báo dịch bệnh toàn cầu này được vẽ dựa trên tín hiệu điện thoại di động và dữ liệu đường bay của những hành khách này.
Theo đó, trong giai đoạn dịp Tết Nguyên đán, danh sách 10 quốc gia hàng đầu mà du khách tại các thành phố nguy hiểm dịch bệnh cao ở Trung Quốc đi tới gồm: Thái Lan, Nhật Bản, Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc, Mỹ, Malaysia, Singapore, Việt Nam và Úc. Trong số các quốc gia châu Phi thì chủ yếu là Ai Cập, Nam Phi, Ethiopia, Mauritius, Morocco, Nigeria và Kenya.
Mặc dù hầu hết các thành phố mà người Vũ Hán đi đến đều nằm ở châu Á, nhưng các trung tâm giao thông chính ở châu Âu, Mỹ và Úc cũng rất nổi bật, có mối tương quan chặt chẽ giữa dự tính nguy cơ dịch bệnh lây lan và trường hợp nhiễm bệnh được báo cáo trong tương lai.
(Ghi chú của biên tập viên: Virus gây bùng phát viêm phổi Vũ Hán là đến từ Trung Quốc dưới sự cai trị của ĐCSTQ, do chính quyền ĐCSTQ che giấu sự thật dẫn đến dịch bệnh lan ra toàn cầu. Người Vũ Hán, người Hồ Bắc và tất cả người Trung Quốc cùng nhân dân toàn thế giới đều là những người bị hại. ĐCSTQ không phải là Trung Quốc, cũng không đại biểu được cho Trung Quốc, do đó, loại virus xuất hiện dưới sự cai trị của ĐCSTQ này nên được gọi là “virus Trung Cộng.”)
Tuyết Mai