Hương Thảo
Facebook đã trở thành nền tảng mới nhất bị chính quyền Trung Quốc lợi dụng để khuếch trương tuyên truyền ‘thống nhất Đài Loan’, tài liệu rò rỉ của Bắc Kinh mà The Epoch Times thu thập được hé lộ.
Bắc Kinh tuyên bố hòn đảo tự trị này là một phần trong lãnh thổ của nó, bất chấp việc Đài Loan có quân đội riêng, có tiền tệ riêng và có một chính phủ được bầu cử dân chủ.
Giới nghiên cứu và chính quyền Đài Bắc trước đây từng nhấn mạnh các nỗ lực gián tiếp của Bắc Kinh nhằm lôi kéo cử tri Đài Loan bầu cho các ứng cử viên thân Bắc Kinh vào chính quyền – bao gồm việc truyền bá các tin tức giả trên nền tảng Facebook – những nỗ lực tương thích với mục tiêu của Bắc Kinh nhằm thuyết phục người dân Đài Loan chấp nhận thống nhất với đại lục. Nhưng rất khó để truy tìm dấu vết bàn tay đen của chính quyền Trung Quốc trong các vụ việc này.
Tuy vậy, các tài liệu mà The Epoch Times thu thập được là những bằng chứng đầu tiên đã góp phần xác nhận sự can dự trực tiếp của chính quyền Trung Quốc trong việc tạo ra và khuếch đại tuyên truyền trên Facebook, đẩy mạnh tình cảm thống nhất với đại lục. Các tài liệu từ chính quyền thành phố Bắc Kinh, xuất hiện hồi đầu tháng 6 và được trình bày dưới dạng báo cáo lên những quan chức cấp cao hơn về “các thành quả” của họ, đã cung cấp bằng chứng cho thấy chế độ này đang sử dụng hàng loạt các trang Facebook trung gian để thúc đẩy tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh và ý tưởng về một cuộc xâm lược quân sự đối với Đài Loan.
Từ ngày 25/5 đến ngày 8/6, các nền tảng đã đăng tải ít nhất 74 bài đăng trên bốn trang, được thiết kế để “xóa tan bầu không khí xấc xược của các nhóm Đài Loan ủng hộ độc lập, và so sánh sự tương phản trong việc xử lý dịch bùng phát giữa Trung Quốc, Mỹ và Đài Loan, từ đó chứng minh những lợi thế của hệ thống chính trị của chúng ta”, theo tài liệu. Thuật ngữ “ủng hộ độc lập” đã được sử dụng một lời buộc tội ‘lịch sự’’ mà Bắc Kinh dùng để nhắm đến các cá nhân và hành vi thể hiện niềm tự hào hoặc sự đoàn kết đối với bản sắc Đài Loan – ví như việc vẫy cờ Đài Loan.
Các trang này có những cái tên tối nghĩa với số lượng người theo dõi khiêm tốn thay đổi từ vài trăm đến hơn 8.000 người. Nhưng nỗ lực đã đem đến quả ngọt: Năm trong số các video có hiệu quả tốt nhất từ một trang đã thu được hơn 30.000 lượt thích, chia sẻ, bình luận và nhấp chuột trong khoảng thời gian hai tuần, theo tài liệu.
Khiêu khích quân sự
Video tốp đầu, minh họa một cuộc tấn công quân sự giả định vào Đài Loan, đã thu hút hơn 137.000 phản ứng của người dùng trong khoảng thời gian 13 ngày và được xem 1,02 triệu lần trong khoảng thời gian đó. Đoạn video khẳng định quân đội Trung Quốc là bất khả chiến bại và Đài Loan “phải hợp nhất” với Hoa lục. Tiêu đề video là “Nếu chiến tranh nổ ra vào ngày mai, thì đây là câu trả lời từ Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA)”.
Video hiện có khoảng 800 bình luận và gần 2.000 lượt thích. Video này tốn khoảng 400 đô-la để quảng bá, theo tài liệu.
Một video khác, đăng ngày 1/6, tuyên bố rằng loại ngư lôi cấp cao mà Hoa Kỳ bán cho Đài Loan vào tháng Năm là thứ “rác rưởi”, và không thể so được với quân đội Trung Quốc.
Hu Guangqu – một biên tập viên và phóng viên của trang tin tức Huaxia Jingwei chuyên về Đài Loan nằm trong tay chính quyền Bắc Kinh – đã trình bày một bản tóm tắt về “công việc quảng cáo đặc biệt trên Facebook” trong một tài liệu đề ngày 7/6, khen ngợi các video đã tạo ra “một tác động đáng kể”, và đã “thu hút sự chú ý rộng rãi từ cư dân mạng nước ngoài và khơi dậy các cuộc thảo luận sôi nổi”.
Tuy nhiên, ông Hu cũng thừa nhận rằng “hầu hết những người trong số họ [cư dân mạng ở nước ngoài] nghĩ rằng PLA không dám sử dụng lực lượng quân sự” đối với Đài Loan. Hơn nữa, ông viết trong tài liệu, rằng ông thấy trong các bình luận trên Facebook, nhiều người Đài Loan nói rằng Mỹ cũng sẽ đến viện trợ Đài Loan trong trường hợp xảy ra một cuộc xâm lược quân sự của Trung Quốc. Điều này đại diện cho phần lớn thanh niên Đài Loan, “những người có ý thức cực kỳ thấp đối với việc thống nhất với quê nhà”. Ông kết luận, mô tả những thanh niên Đài Loan như những thế lực “cực đoan”, và “Chỉ có một số ít người dùng internet Đài Loan có nhận thức chín chắn” về vấn đề này”.
Facebook đã không trả lời yêu cầu bình luận về các trang Facebook nói trên.
Mối quan hệ với chính quyền
Huaxia Jingwei, được thành lập tại Bắc Kinh, đã đóng một vai trò tích cực trong việc đăng tải những câu chuyện tuyên truyền tích cực của chính quyền về Đài Loan. Trang web này mô tả chính họ đã nhận được “một sự quan tâm nhiệt tình và sự ủng hộ mạnh mẽ” từ Văn phòng Quan hệ Đài Loan và Văn phòng Thông tin Hội đồng Nhà nước, cả hai cơ quan này đều thuộc chính quyền trung ương Trung Quốc.
Trang web tin tức này cũng ‘tự hào’ được liệt kê là một dự án trọng điểm của chính phủ Trung Quốc trong năm 2006. Wang Daohan, cựu Chủ tịch của Hiệp hội Quan hệ xuyên eo biển Đài Loan của nhà nước Trung Quốc, đã tự mình đặt tên cho trang web này.
Zhu Ming, một nhà bình luận về vấn đề Trung Quốc có trụ sở tại New York, đã gọi là trang web này là “mặt trận tuyên truyền ủng hộ thống nhất [của Bắc Kinh]”, được vận hành thông qua nhiều máy chủ proxy.
Ông lưu ý rằng trang web này sử dụng tiếng Trung truyền thống (phồn thể) thay vì giản thể – loại ký tự được lược hóa ở Hoa lục, cho thấy đối tượng mục tiêu của họ là những độc giả không phải người Hoa lục.
Kịch bản tuyên truyền
Trong khi chế độ Trung Quốc, thông qua kiểm duyệt Internet ngày càng chặt, từ lâu đã chặn người dùng Hoa lục truy cập Facebook, Twitter và YouTube, nhưng nó lại đang ngày càng tiếp cận các nền tảng này để đưa quan điểm tuyên truyền của nó đến khán giả quốc tế.
Tất cả các cơ quan truyền thông lớn của nhà nước Trung Quốc đã mở tài khoản trên Twitter và Facebook. Một số, như China News Service và China Central TV (CCTV) đã đầu tư hàng trăm ngàn đô la để tăng cường sự hiện diện trên các mạng xã hội của họ ở nước ngoài.
Trong một tài liệu đấu thầu công khai trên trang web của chính phủ trung ương Trung Quốc ngày 16/8/2019, nay đã bị xóa, China News Service đã kiếm được 1,25 triệu nhân dân tệ (176,461 đô la) từ chính phủ để tăng lượng người theo dõi Twitter của nó lên 580.000, và 1,2 triệu nhân dân tệ khác (169,403 đô la) cho hơn 670.000 người theo dõi trên Facebook.
Freedom House, cơ quan giám sát nhân quyền có trụ sở tại Hoa Kỳ, nhận thấy các tài khoản truyền thông nhà nước Trung Quốc chiếm bốn trong số năm trang truyền thông phát triển nhanh nhất trên Facebook trong khoảng thời gian từ giữa tháng 11 đến giữa tháng 12 năm 2019. Với hàng chục triệu người theo dõi trên mỗi trang, những trang này đã có sự hiện diện trực tuyến đáng gờm, chiếm ba trong số 10 tài khoản mạng xã hội lớn nhất trên Facebook năm 2019, theo hãng tiếp thị truyền thông xã hội Socialbakers.
Sức ảnh hưởng ngầm như vậy đã khiến Twitter, Facebook và YouTube đình chỉ hơn 1.000 tài khoản trong tháng 8/2019 trong một nỗ lực nhằm triệt phá một chiến dịch tung tin giả do Bắc Kinh hậu thuẫn nhằm phỉ báng những người biểu tình Hồng Kông. Một nghiên cứu hồi tháng 3 của trang tin điều tra ProPublica cũng đã truy tìm được hơn 10.000 tài khoản Twitter giả mạo hoặc ăn cắp được truy ngược lại chính quyền Bắc Kinh. Những tài khoản này nằm trong chiến dịch tuyên truyền ca ngợi phản ứng chống dịch “hiệu quả” của Bắc Kinh.
Trong một báo cáo tháng 3/2019 có tiêu đề “Trung Quốc theo đuổi một trật tự truyền thông thế giới mới”, tổ chức quốc tế Phóng viên Không biên giới (Reporters Without Borders) cho biết, chính quyền Trung Quốc đã rót 10 tỷ nhân dân tệ (1,5 tỷ USD) mỗi năm để quảng bá hình ảnh của nó trên toàn cầu.
(Nguồn thumbnail: Trên cùng bên trái: (ảnh chụp màn hình Youtube/The Straits Times), Dưới cùng bên trái: (ảnh: Stock Catalog/Flickr), Phải: (ảnh thumbnail Youtube/NowThis World)).