Truyền thông Mỹ: Ông Tập khoác “hoàng bào mới” để che giấu bốn bề khốn khó

  • Tư Đồ Ân

Truyền thông Hoa Kỳ đưa tin, cựu trùm bất động sản Bắc Kinh, ông Nhậm Chí Cường đã đăng một tài liệu về thời kỳ đầu bùng phát dịch virus Trung Cộng (virus corona mới), chỉ trích ông Tập Cận Bình che giấu thông tin, ví ông Tập là vị hoàng đế “hết lượt này đến lượt khác giương miếng khố lên để chứng tỏ mình có mặc quần áo”. Nhưng chỉ cách đây tầm mấy tháng, ông Tập lại một lần nữa “mặc vào” “bộ quần áo mới của hoàng đế”. Không giống với hình tượng tự mình đi chỉ huy chống dịch của lãnh đạo Tập trước kia, “bộ quần áo mới của hoàng đế” lần này đích thị là một món đồ ngoại giao.

Tập Cận Bình
Ông Tập Cận Bình trong chuyến thăm Pháp ngày 25/3/2018. (Ảnh: Frederic Legrand – COMEO / Shutterstock)

Tháng Ba năm nay, trùm bất động sản Bắc Kinh, ông Nhậm Chí Cường đã đăng một bài viết trên Internet, chỉ trích ông Tập Cận Bình về việc “Tự mình chỉ hủy, tự mình bố trí” (trong việc phòng chống dịch bệnh) tại một hội nghị được cho là có 170.000 người tham dự vào tháng Hai để tự mình tuyên dương những thành tựu to lớn trong công cuộc lãnh đạo chống dịch của chính ông ta. Vào giữa đêm ngày 23/7, ông Nhậm bị truy tố các tội danh về chính trị và kinh tế. Bạn bè ông Nhậm chỉ ra, đó là “cuộc đàn áp chính trị”.

Ngày 25/7, Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) đưa tin, nhà lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình đã phạm sai lầm rất lớn trong quan hệ quốc tế, nhưng chính quyền Trung Quốc không hề có động thái kiểm điểm và yêu cầu sửa đổi. Thay vào đó, gần đây, Trung tâm nghiên cứu tư tưởng ngoại giao Tập Cận Bình lại được ra mắt, mặc thêm bộ “hoàng bào mới” cho “hoàng đế” Tập, và tung hô Tập như một “chiến lược gia vĩ đại”.

Bản tin dẫn lời các nhà quan sát cho rằng, quan hệ quốc tế của Trung Quốc, đặc biệt là quan hệ Mỹ – Trung hiện đang phải đối mặt với những thách thức và khó khăn lớn chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ. Bản thân ông Tập Cận Bình đang phải đối mặt với sự khốn đốn bao vây từ mọi phía.

Đài VOA cho biết, “Trung tâm nghiên cứu tư tưởng ngoại giao Tập Cận Bình” được thành lập bởi Học viện nghiên cứu quốc tế Trung Quốc do Bộ Ngoại giao ủy thác. Ủy viên Quốc vụ viện kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Vương Nghị đã phát biểu ca ngợi ông Tập Cận Bình có “tầm nhìn xa của một chiến lược gia vĩ đại”, “nắm bắt chính xác quy luật phát triển của xã hội nhân loại, phán đoán toàn diện xu hướng của tình hình quốc tế và vị thế lịch sử của nước ta hiện nay”, đồng thời “đề xướng những chủ trương mới, những ý tưởng mới dẫn đầu trào lưu tiến bộ cho nhân loại”, giờ đây đã hình thành và xác lập nên “Tư tưởng ngoại giao Tập Cận Bình”.

Theo VOA, đây chính là điều mà các nhà phê bình gọi là “Hoàng đế Trung Quốc” Tập Cận Bình, người đã tự mình khoác “hoàng bào lên thân” bãi bỏ quy chế nhiệm kỳ (quy định Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước chỉ được giữ hai nhiệm kỳ liên tiếp), giờ lại tiếp tục diện “bộ đồ mới của hoàng đế” trước mặt “các thợ may ngoại giao tay nghề” của mình.

Bản tin dẫn lời các nhà phân tích cho biết, trên thực tế, cái gọi là lý luận và tư tưởng ngoại giao đặc sắc Trung Quốc của ông Tập Cận Bình đã không những “không chỉ ra phương hướng cho chính sách ngoại giao của Trung Quốc”, ngược lại còn mang tới cho nước này khó khăn và thách thức về các phương diện quan hệ đối ngoại quốc tế của Trung Quốc trong mười năm qua.

Theo đó, thách thức lớn nhất đối với Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình chính là căng thẳng đang ngày càng gia tăng trong quan hệ với Hoa Kỳ, trọng tâm chủ yếu về chính trị, quân sự, kinh tế & thương mại, an ninh & nhân quyền. Ví dụ, về cấp độ an ninh quốc gia, ngày 22/7, Hoa Kỳ đã sử dụng “bảo vệ tài sản trí tuệ của Mỹ và thông tin cá nhân của công dân Mỹ” như một lý do để đóng cửa Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston vỏn vẹn trong vòng 72 giờ. Hôm 23/7, tại Thư viện Nixon, ở Yorba Linda, bang California, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo trong bài phát biểu với tựa đề Họa Trung cộng và sứ mạng của chúng tađã nói, “Chúng tôi thông báo đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston bởi vì nó là cái ổ của tình báo và trộm cắp tài sản trí tuệ.” Mối quan hệ Mỹ – Trung đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1989 (sau sự kiện đàn áp Thiên An Môn), mà thậm chí là từ lúc thành lập ĐCSTQ vào năm 1949.

Quan hệ của Trung Quốc với Canada, Úc, Vương quốc Anh và các đồng minh Châu Âu thân cận khác của Hoa Kỳ cũng đang trở nên căng thẳng. Sau khi chính quyền ĐCSTQ tung ra “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông” và cưỡng ép thi hành ở đặc khu hành chính này, chính phủ Anh đã quyết định cho phép những người Hồng Kông sở hữu hộ chiếu hải ngoại (BNO) sẽ được phép đăng ký thị thực đặc biệt để sinh sống tại Anh và từ đó có thể nhập tịch tại nước này. Ngày 20/7, Chính phủ Anh công bố đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Hồng Kông. Ngày 16/7, chính phủ Anh tuyên bố Huawei sẽ hoàn toàn bị cấm tham gia xây dựng mạng 5G và tất cả các thiết bị Huawei hiện tại sẽ bị loại bỏ vào năm 2027.

Quan hệ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng châu Á và Ấn Độ cũng bắt đầu xấu đi. Mới đây, do các tranh cãi phức tạp về lãnh thổ trong một thời gian dài đã dẫn đến cuộc xung đột biên giới đẫm máu xảy ra ở Thung lũng Galwan.

Ngoài ra, tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông với Việt Nam, Philippines, cũng như các quốc gia gián tiếp can dự như Nhật Bản…đã khiến mối quan hệ của Trung Quốc với Châu Mỹ, Châu Âu, Úc, Châu Á đã tương đối ổn định trong quá khứ giờ bắt đầu trở nên căng thẳng trầm trọng.

Ông Hoành Hà, nhà bình luận chính trị tại Mỹ nói rằng, trong khi chính sách đối ngoại toàn cầu của Trung Quốc do ông Tập Cận Bình điều hướng đang phải đối mặt với ngày càng nhiều nghi ngờ và thách thức, Bộ Ngoại giao nước này lại thành lập “Trung tâm nghiên cứu tư tưởng ngoại giao Tập Cận Bình”, một hành động thật nực cười và ngu ngốc! Ông nói, từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung hơn một năm trước cho đến khi Úc bắt đầu cuộc chiến chống lại sự xâm nhập của ĐCSTQ, các nước phương Tây đã nhận ra mối đe dọa của ĐCSTQ trong tình huống Trung Quốc chỉ quan tâm lợi ích kinh tế trong các quan hệ đối tác, do đó, cần phải thực hiện các biện pháp đối phó tương ứng.

Ông Hoành Hà nói thêm: “Tình hình hiện tại chính là kết quả của tư duy ngoại giao Tập Cận Bình. Vậy thì, có nên chăng học hỏi tư duy ngoại giao này? Đặc điểm của ĐCSTQ là luôn đổ lỗi cho người khác về những sai lầm và khó khăn, họ luôn tìm đường trốn tránh, và sau đó tiếp tục đi xuống theo con đường này.”

Ông nhận xét, ĐCSTQ trong thực tiễn lịch sử chưa bao giờ điều chỉnh quyết định sai lầm, mà chỉ có thể dùng thủ đoạn điều hướng tuyên truyền, dư luận xã hội và các thủ đoạn đàn áp khác dựa trên nhu cầu của chính họ.

Ông Hoành Hà cho biết, Trung Quốc đã từng tuân thủ nguyên tắc ngoại giao che giấu năng lực “thao quang dưỡng hối” (nghĩa là “náu mình chờ thời”). Giờ đây nguyên tắc này đã bị thay thế bởi đường lối “hùng hổ dọa người” của ông Tập Cận Bình trong tranh chấp chủ quyền biển Đông, khuếch trương kế hoạch “một vành đai, một con đường” trên toàn cầu, xâm nhập chính trị ở Úc và thâm nhập kinh tế ở Mỹ. Nhưng ông Hoành Hà tin rằng, ngay cả khi Tập Cận Bình phải đối mặt với những thay đổi lớn trong chính sách đối với Trung Quốc của các nước phương Tây do Hoa Kỳ đứng đầu, ĐCSTQ sẽ không thay đổi tư tưởng và chính sách, cũng như sẽ không phản ứng tích cực trước áp lực từ cộng đồng quốc tế.

Ông nói: “ĐCSTQ chỉ có thể cải cách một cách khập khiễng, thay đổi nền kinh tế chứ không thay đổi chính trị. Mục đích của cải cách khập khiễng này là duy trì sự cai trị của ĐCSTQ. Nếu con đường này không thể tiếp tục, tình hình tuyệt vọng sẽ khiến thế giới thức tỉnh nhận ra điều này.”

Tư Đồ Ân

Related posts