Trước sức mạnh của Trung Quốc, Nhật Bản củng cố vị thế ở Đông Nam Á

Tú Anh

image.png
Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga (G) và phu nhân vẫy tay chào trước khi lên đường công du Việt Nam và Indonesia, Tokyo, ngày 18/10/2020. AFP – JIJI PRESS

Trong tuần này, Tokyo có một số động thái về ngoại giao và quân sự mở rộng hợp tác và quan hệ với một số nước trong khu vực Thái Bình Dương : Tokyo và Canberra thỏa thuận hợp tác quân sự ngay vào lúc tàu chiến Nhật, Úc tập trận với Mỹ tại Biển Đông.

Trong lúc đó, tân thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide thăm Việt Nam và Indonesia, hai quốc gia then chốt trong chiến lược từng bước xây dựng thế liên hoàn đối phó với tham vọng bá quyền của  Trung Quốc. Biết người biết ta, Tokyo tính toán gì ?

Bộ tứ Kim cương

Động thái thứ nhất, thứ Hai vừa qua, bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Nobuo Kishi và đồng nhiệm Úc Linda Reynolds đã thỏa thuận với nhau là hai bên sẽ phối hợp nỗ lực để Nhật Bản có thể tiếp viện cho tàu chiến của Úc mà thuật ngữ văn bia gọi là « bảo vệ trong tình huống không chiến đấu ». Nói rõ ra là từ nay, lực lượng quân sự Nhật Bản có quyền tiếp ứng cho hải thuyền Úc, nước thứ hai sau Hoa Kỳ được hưởng sự bảo vệ này và không xác định để chống ai.

Động thái thứ hai, là một khu trục hạm của Nhật, một của Úc cùng tham gia tập trận chung với hạm đội 7 của Mỹ tại Biển Đông. Đây là lần thứ năm trong năm nay tại Ấn Độ – Thái Bình Dương, vùng trách nhiệm của hạm đội 7 Mỹ với mục đích bảo đảm một vùng ổn định và tự do. (Không kể trước đó vài hôm, một đoàn hải thuyền Nhật Bản, gồm khu trục hạm và tầu ngầm, ghé Cam Ranh nhận tiếp tế, trước khi ra Biển Đông tập trận, cũng với Mỹ).

Chiến lược Đông nam Á từ 2013

Cùng ngày, thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide, vừa nhậm chức, đi thăm Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam và Indonesia. Qua động thái thứ ba này, thủ tướng Nhật Bản khẳng định quyết tâm vai kề vai với Hiệp hội các nước Đông Nam Á – ASEAN mà Hà Nội hiện là chủ tịch luân phiên đối mặt với Bắc Kinh và tham vọng biển đảo từ lâu nay gây lo âu cho cả khu vực. Bản thân Nhật Bản cũng có hai mối lo âu : con đường huyết mạch đi ngang Biển Đông và quần đảo Điếu Ngư/ Senakaku ở Hoa Đông đều bị Trung Quốc đe dọa.

Ba sự kiện trên đây, cùng với lời khẳng định của thủ tướng Nhật tại Hà Nội về chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương bên cạnh đồng nhiệm Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cũng như thỏa thuận bán « máy bay tuần tra và ra-đa quân sự » cho Việt Nam cho thấy rõ ai là đồng minh với Đông Nam Á. Thủ tướng Việt Nam khen ngợi « vai trò chủ động » của Nhật Bản vì hòa bình ổn định cấp vùng và quốc tế.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, trong cuộc họp với bộ tứ Kim cương Mỹ, Nhật, Ấn, Úc hồi đầu tháng 10 tại Tokyo, kêu gọi phải thành lập một liên minh « bảo vệ nhân dân và các đối tác chống lại chính sách bốc lột, tham ô và áp bức của đảng Cộng sản Trung Quốc ». Bốn nước kể trên đã bị Bắc Kinh gọi là « chiến tuyến chống Trung Quốc » đang củng cố liên minh.

Vấn đề của  Việt Nam là không dễ công khai chọn phe chống Trung Quốc.

Theo giới phân tích (l’Opinon, 21/10/2020), chiến lược tiệm tiến của Nhật Bản, khác với Mỹ xem Trung Quốc là đối tượng phải bao vây, dễ cho Việt Nam và Đông Nam Á chấp nhận hơn.

Thủ tướng Nhật đi đến đâu, Hà Nội và Djakarta sau đó, cũng khẳng định là ông chống lại mọi hành động làm căng thẳng ở Biển Đông, một cách để lên án Trung Quốc. Nhưng qua đó cũng cho thấy rõ Nhật Bản không đi gây hấn với Trung Quốc một cách vô ích, vừa tránh làm cho các đối tác Đông Nam Á ngại ngần.

Thật ra, thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đang từng bước tiếp nối chiến lược Đông Nam Á và bộ tứ Kim cương của người tiền nhiệm Shinzo Abe, từ 2013. Shinzo Abe khi trở lại chính quyền vào năm 2013 đã chọn Việt Nam và Indonesia công du đầu tiên. Tokyo chia Asean ra làm ba nhóm, mà nhóm cột trụ là Việt Nam, Indonesia và Philippines và đã ký các hiệp ước đối tác chiến lược.

Tính kế lâu dài

Theo phân tích của  giáo sư Aizawa Nobuhiro, đại học Kyushu, chiến lược của Shinzo Abe gồm ba bước :

Thứ nhất, nỗ lực củng cố một không gian sinh tồn, giúp Đông Nam Á hùng mạnh để duy trì nguyên trạng tại Biển Đông, ngăn chận tham vọng Trung Quốc. Thứ hai, tạo được hình ảnh một người bạn tốt, đáng tin cậy. Thứ ba, trong bối cảnh dân số lão hóa, Nhật Bản nỗ lực tìm kiếm nhân tài trong khu vực để có đường tiến thủ về lâu về dài. (Japan’s New ASEAN Diplomacy, January 2016)

Thế nhưng, lực bất tòng tâm. Nguyên trạng Biển Đông đang bị Bắc Kinh làm thay đổi dần trong lúc ở Hoa Đông, Trung Quốc ngày càng táo bạo : lần đầu tiên cho tuần cảnh áp sát Senkaku/Điếu Ngư trong ba ngày.

Củng cố liên minh với Đông Nam Á, và nối kết với bộ tứ Kim cương là nhu cầu cấp bách hơn bao giờ hết đối với Tokyo.

Related posts