Vài bài học từ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020

Việt Luận

Chính trị không buồn chán, không xa xôi, không trừu tượng mà chính trị rất hấp dẫn, gần gủi và sờ sờ ngay bên trong đời sống của chúng ta. Bài học đầu tiên rút ra mấy tháng vận động bầu cử tổng thống Mỹ là thế này: chính trị không phải là chuyện cao siêu của một dúm quan lớn. Phải dùng chữ của cô Phạm Đoan Trang đang ngồi tù ở Việt Nam, chính trị hôm nay là ‘chính trị bình dân’. Không chỉ ông bà đeo kính ‘đít chai’, ngay đến bà bán cá, chú bé hỉ mũi chưa sạch cũng có thể tham gia vào chính chị chính em. Mà không không phải chính trị ở nước mình, à nghe! Rất đông người Việt Nam cầm cờ, mặc áo dài, đội nón, lái xe, lái tàu tham gia vào sinh hoạt chính trị ở Mỹ. Ở Úc và ở Việt Nam cũng thế. Trong mùa vận động tranh cử, nhiều nơi có người Việt Nam đã thành bãi chiến trường. Đã có những lúc “Cuồng tRrump” và “Dâm Chủ” dàn trận ở … Little Sài-gòn. Cũng thế, trong những ngày này ra đường ở Cabramatta, St Albans, Inala… cần phải giữ mồm giữ miệng, à nghe.

Giá mà cũng hào hứng như thế khi người mình dấn thân vào chuyện đang xảy ra ở Việt Nam nhỉ?

Bên cạnh đó, không biết bao nhiêu chiến sỹ kiệt xuất trên bàn phím ngày đêm săn tin còn hơn ký giả ký thiệt chuyên nghiệp. Tin tức bất kỳ từ đâu xì ra là lập tức ‘được dịch bởi Google (!)’ và tung lên mạng lưới thông tin toàn cầu. Ấy là chưa kể nhiều người khác miệt mài sưu tầm bài vở, hình ảnh chung quanh cuộc bầu cử và thể chế dân chủ của nước Mỹ. Bên tay phải là những FoxNews, Gnews, Breitbart; bên tay trái là những CNN, The New York Times, … Tất cả được đọc từng chấm từng phết.

Tiện tay, người ta cũng học hỏi thêm lịch sử và lối sống Mỹ. Cuộc bầu cử này sinh ra cho Việt Nam chúng ta rất nhiều người rành nước Mỹ. Cũng hy vọng khi rành về nước Mỹ, cũng còn đông hơn người Việt Nam giỏi sử nước nhà. Rõ ràng, chúng ta có nhiều người rành rọt ngày mấy thì cử tri đoàn họp, ai là người công bố kết quả chính thức thì cũng hy vọng không ít người Việt Nam biết như đinh đóng cột: ai ăn cắp nỏ thần của Mỵ Nương; khi cô dâu chứ rể làm lễ gia tiên thì lạy cha mẹ mấy lạy; lúc rước ông bà về ăn tết thì cúng thức nào cho phải đạo. Đừng như trong lớp học kia, cô giáo hỏi ‘Ai ăn cắp nỏ thần của Mỵ Nương?’ Từng học sinh đứng lên chối leo lẻo: ‘Thưa cô, không phải em áh!’.

Nhờ tham gia vào sinh hoạt chính trị nơi mình định cư, có lẽ không lâu nữa sẽ có những Đinh, Lê, Lý, Trần, Nguyễn chạy đua vào Bạch Ốc. Xin nhớ cho cả hai ứng viên hàng đầu giành ghế tổng thống đều có gốc gác gia đình di dân từ Ái Nhĩ Lan hay Đức. Ông Donald Trump là người Mỹ gốc Đức thế hệ thứ ba. Ông Joe Biden cũng là người Mỹ gốc Ái Nhĩ Lan thế hệ thứ tư. Còn bà Kamala Harris chung liên danh với ông Joe Biden là con của hai người di dân từ Jamaica và Ấn Độ tới Mỹ. Thế hệ 1.5 người Mỹ gốc Việt đã vào tới điện Capitol thì không khó gì cho thế hệ thứ nhì, thứ ba sờ vào chìa khoá Bạch Cung. Nào ta cùng hào hứng thêm nữa!

Nổi bật trong mấy tháng qua là người mình mạnh mẽ biện hộ cho lựa chọn của mình. Khi tranh luận với nhau — bây giờ ở trong nước người ta không ‘tranh luận’ nữa mà chỉ còn ‘tranh cãi’ – bên này bắt bẻ bên kia đến tận cái chấm cái phết. Người này chê người kia viết ‘tiếng (?)’ Việt sai chánh tả. Người nọ xỉa người khác ‘có vấn đề khi đọc tiếng Việt!’ Thế là nhờ có bầu cử tổng thống Mỹ chúng ta được thêm dịp bằng vàng để cùng nhau học nói tiếng Việt và viết chữ Việt. Đừng để cho tới ngày nào đó hai người Việt Nam nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt Nam mà chỉ hiểu lõm bỏm, bèn hè nhau nói tiếng Anh, tiếng Pháp cho … dễ hiểu.

Và trên hết, nghe lời qua tiếng lại giữa người Việt Nam với nhau trong mấy tháng vận động tranh cử của hai liên danh đảng Cộng Hoà và đảng Dân Chủ ở Mỹ — dù cho có người dùng chữ thô tục và tỏ thái độ thô lỗ nhất – chúng ta vẫn thấy người mình luôn luôn đề cao lòng ngay thẳng và tính chính trực, quý trọng lương tâm và tinh thần mã thượng.

Nói cho cùng, trong cuộc đua này, người mình có nặng lời với nhau thì cũng vì nặng lòng với quê hương đất nước đó thôi. Áo xanh hay mũ đỏ gì gì thì chỉ lo cho hoạ xâm lăng từ phương Bắc tràn xuống Việt Nam ấy mà. Có người lo tân tổng thống nhu nhược với Tàu mà nước ta một lần nữa bị Bắc thuộc, hay có người khoái đương kim tổng thống mạnh tay với Tàu nên bọn phương Bắc phải chùng tay — vậy là người mình xông vào ăn tươi nuốt sống nhau.

Dường như đến lúc cần nghĩ lại: một đất nước chỉ ỷ lại vào sức mạnh từ nước khác thì khó thoát vòng lệ thuộc. Nếu không lệ thuộc nước này thì cũng lệ thuộc nước kia.

Việt Luận

Related posts