Làm việc bốn ngày

Huy Lâm

Tháng Ba vừa qua, chính phủ Tây Ban Nha bắt đầu một chương trình thử nghiệm làm việc bốn ngày một tuần. Nếu chương trình này thành công có nghĩa là trong tương lai người đi làm ở Tây Ban Nha sẽ có ba ngày nghỉ cuối tuần. Trước khi có đại dịch, một đề nghị như trên dường như là điều khó tin – nhưng cũng như ý tưởng làm việc tại nhà trong nhiều tháng liên tục hay trường học đóng cửa và học sinh phải học ở nhà trong suốt niên học là những điều trước đây không ai nghĩ tới và nay đã trở thành những sinh hoạt hết sức bình thường.

Thời xa xưa, ở mỗi nền văn hoá khác nhau, một tuần lễ cũng mang những ý nghĩa khác nhau. Người Ai Cập sử dụng tuần 10 ngày; không có ngày nghỉ chính thức ngoại trừ những thợ thủ công làm việc tại các lăng mộ và đền thờ của hoàng gia, thì cứ 10 ngày lại được phép nghỉ hai ngày. Người La Mã thì thử chu kỳ tám ngày, với ngày thứ tám là ngày để đi chợ mua sắm. Người Babylon thì coi số bảy như là con số mang tính chất thần thánh và áp dụng nó bất cứ khi nào họ có thể: Bảy thiên thể, bảy đêm của mỗi pha mặt trăng và bảy ngày trong tuần.

Người Do Thái cổ cũng sử dụng tuần bảy ngày và là dân tộc đầu tiên bắt buộc có một ngàySabbath để mọi người được nghỉ ngơi vào thứ Bảy, và luật này dành cho tất cả mọi người, không phân biệt cấp bậc hoặc nghề nghiệp. Năm 321 sau Công nguyên, hoàng đế La Mã Constantine đưa ngày Sabbath vào trong lịch Julian, nhưng tránh không muốn đụng chạm đến lòng tự ái của người ngoại giáo nên chọn ngày Chủ nhật, ngày của thần mặt trời, để nghỉ ngơi và thờ phượng.

Quyết định sửa lịch của Constantine là lần thay đổi cuối cùng trong một tuần làm việc của người phương Tây trong hơn một thiên niên kỷ. Các giới chức chính quyền cũng không thấy có lý do gì để cho người lao động có hơn một ngày nghỉ trong tuần, nhưng đến khi người dân tự động quyết định nghỉ thêm thì chính quyền cũng không làm gì hơn được. Thế nên vào đầu thế kỷ 18, với thói quen nghỉ thêm ngày thứ Hai – lấy lý do là để lấy lại sức sau một ngày Chủ nhật ăn chơi, nhậu nhẹt quá sức – trở thành một tập quán mới trong sinh hoạt của tầng lớp lao động ở Mỹ và Anh.

Lo ngại không sản xuất kịp cho đơn đặt hàng, các chủ nhà máy người Anh bắt đầu cho công nhân nghỉ nửa ngày vào thứ Bảy để đổi lại là họ phải đi làm vào ngày thứ Hai. Các công ty đường sắt ủng hộ chiến dịch này với việc tổ chức các chuyến du ngoạn giá rẻ vào thứ Bảy. Đến cuối thập niên 1870, danh từ “cuối tuần” trở nên thông dụng đến nỗi các tầng lớp quý tộc ở Anh cũng bắt đầu sử dụng nó. Tuy nhiên, đối với tầng lớp ăn chơi nhiều hơn làm việc này, cuối tuần của họ bắt đầu vào ngày thứ Bảy và kéo dài cho tới tối thứ Hai mới thật sự chấm dứt.

Người lao động ở Mỹ thì không được cái may mắn đó. Năm 1908, một số chủ nhà máy ở khu vực New England đã cho công nhân nghỉ hai ngày thứ Bảy và Chủ nhật vì một số lượng lớn nhân viên của họ là người Do Thái. Nhưng chỉ có một số ít doanh nghiệp khác bắt chước theo cho mãi tới năm 1922, khi Malcom Gray, chủ nhân công ty Rochester Can Company ở khu vực phía bắc tiểu bang New York, quyết định cho nhân viên làm việc năm ngày một tuần như là một món quà Giáng sinh của công ty. Kết quả là năng suất của công ty gia tăng đáng kể và đã tạo được sức thuyết phục đủ để Henry Ford cho thử nghiệm chương trình làm việc tương tự tại công ty xe hơi Ford vào năm 1926. Thành công của Ford đã gây được sự chú ý trên toàn quốc.

Trong khi đó thì chính quyền cộng sản Liên Sô lại làm điều ngược lại. Năm 1929, Joseph Stalin đưa ra phương pháp làm việc liên tục, bắt buộc 80% dân số toàn quốc phải làm việc vào bất kỳ ngày nào trong tuần. Phương pháp làm việc này đã không được người dân Liên Sô ủng hộ và bị dẹp bỏ vào năm 1940, cùng năm mà thời khoá biểu làm việc năm ngày một tuần trở thành luật tại Hoa Kỳ chiếu theo Đạo luật Tiêu chuẩn Lao động Công bằng. Cuộc tranh đấu để người lao động được nghỉ cuối tuần cuối cùng đã đạt được thắng lợi. Và nay một cuộc đấu tranh mới để đòi chỉ làm việc bốn ngày trong tuần, hay nói cách khác, được nghỉ ba ngày cuối tuần, cũng vừa bắt đầu. Đọc thêm

Năm ngoái, khi cả thế giới phải đóng cửa ở nhà vì đại dịch, 1,000 nhân viên của công ty kỹ thuật Awin tại Berlin đã làm như nhiều triệu người khác làm: Họ mở chiếc máy vi tính cá nhân ra và bắt đầu làm việc trong nhà bếp hoặc trong phòng ăn tại nhà của họ. Vào thời điểm đó, công việc kinh doanh của Awin bắt đầu hoạt động bết bát trong khi ngành kinh doanh của các công ty bán lẻ trên mạng lại làm ăn khấm khá và điều này đã gây áp lực lên đội ngũ nhân viên của họ.

Do đó, vào mùa xuân năm ngoái, công ty thông báo cho tất cả mọi nhân viên kể từ giờ ăn trưa mỗi thứ Sáu là bắt đầu cuối tuần của họ. Thử nghiệm này không ngờ thành công quá sức – doanh số bán hàng, tinh thần làm việc của nhân viên và sự hài lòng của khách hàng tăng cao – và vào tháng Giêng vừa qua, Awin quyết định tiến thêm một bước nữa, đưa ra thời khoá biểu làm việc bốn ngày một tuần cho toàn thể công ty mà nhân viên không bị cắt giảm lương hoặc phúc lợi.

Công ty Awinđi tiên phong theo xu hướng làm việc bốn ngày một tuần đang ngày càng được chú ý trên toàn thế giới. Trang mạng tìm việc làm ZipRecruiter cho biết tỷ lệ công việc đang được đăng tìm người làm đề cập đến tuần làm việc bốn ngày đã tăng gấp ba lần trong ba năm qua, lên đến 62 trên mỗi 10,000 việc làm. Công ty hàng tiêu dùng khổng lồ Unilever Plc hồi tháng 12 cuối năm cũng đã bắt đầu cuộc thử nghiệm kéo dài một năm về ý tưởng thời khoá biểu làm việc mới này cho nhân viên tại một cơ xưởng ở Tân Tây Lan. Bên cạnh chính phủ Tây Ban Nha còn có Nhật Bản, quốc gia nổi tiếng làm việc nhiều, cũng đang bàn thảo về đề nghị cho phép nhân viên được nghỉ thêm một ngày mỗi tuần để bảo vệ sức khoẻ của họ.

Trong hai thập niên qua, số giờ làm việc tại những quốc gia đã phát triển đã giảm dần, với nước Pháp dẫn đầu vào năm 2000 với việc áp dụng mỗi tuần làm việc 35 giờ. Trong khi nhiều nền kinh tế phát triển khác đang phải đối diện với tình trạng thiếu hụt người làm việc giỏi tay nghề và điều này cho người làm việc có tiếng nói mạnh hơn để yêu cầu bớt giờ làm việc đi.

Tuy nhiên, để được chấp nhận rộng rãi về đề nghị mỗi tuần làm việc bốn ngày có thể gặp khó khăn hơn trong tương lai. Ông Jack Ma, tỷ phú đồng sáng lập công ty thương mại điện tử khổng lồ Alibaba Group Holding Ltd. thường xuyên lên tiếng ca ngợi lối làm việc quần quật “996” tại Trung Quốc – nghĩa là làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, sáu ngày một tuần – như là yếu tố quan trọng cho sự thành công lâu dài tại quốc gia này. Tại Anh Quốc, đảng Lao động bị thua nặng trong cuộc tổng tuyển cử năm 2019 mặc dù đã ra sức vận động cam kết cắt giảm tuần làm việc tiêu chuẩn xuống còn 32 giờ trong vòng một thập niên. Và các ông chủ thì lại không muốn giảm giờ làm việc mà không cắt lương vì sợ sản lượng cũng như doanh thu của hãng sẽ bị giảm. 

Tuy nhiên, vì trận đại dịch đã làm chậm tốc độ tăng trưởng và gia tăng tình trạng bất bình đẳng trong xã hội, nên đã có một số nhà nghiên cứu lên tiếng kêu gọi tái cấu trúc nơi làm việc. Theo một nghiên cứu từ Đại học Reading, gần 2/3 số doanh nghiệp có thời khoá biểu làm việc bốn ngày trong tuần nói rằng năng suất nơi làm việc của họ thật sự có gia tăng. Trong khi đó, một nhóm tranh đấu ủng hộ làm việc ít giờ hơn trong tuần mới đây đã gửi thư tới các nhà lãnh đạo như Joe Biden, Boris Johnson và Angela Merkel kêu gọi họ nên áp dụng thời khoá biểu làm việc bốn ngày trong tuần để bảo tồn việc làm, thay đổi cách làm việc theo lối mới và giảm tiêu thụ năng lượng.

Mùa hè tới đây, công ty Awin sẽ đánh giá kết quả chương trình thử nghiệm của họ, nhưng theo nhận định của tổng giám đốc Adam Ross thì cho đến nay mọi việc đều tốt đẹp và ông không thấy có lý do gì để quay trở lại thời khoá biểu cũ.

Sau khi cân nhắc lợi và hại của việc rút ngắn số ngày làm việc trong tuần thì người ta thấy rõ ràng lợi vẫn nhiều hơn hại. Ai mà không muốn có nhiều thời gian rảnh hơn, nhiều kỳ nghỉ hơn, được ngủ nhiều hơn? Người đi làm khi được nghỉ ngơi đầy đủ hơn thì kết quả là năng suất làm việc cao hơn và tăng khả năng sáng tạo. Ngoài ra, giảm số ngày làm việc sẽ cho phép nhân viên cắt giảm chi phí đi lại, bớt phần chi tiêu cho xăng nhớt xe cộ, giảm bớt nạn kẹt xe và tình trạng ô nhiễm không khí.

Huy Lâm

Related posts