Càng bị phương Tây cô lập, Belarus càng lệ thuộc vào Nga

Thanh Hà

image.png
Tổng thống Belarus Alexandre Loukachenko (T) và đồng nhiệm Nga Vladimir Putin trong một cuộc gặp tại Matxcơva, Nga, ngày 22/04/2021. AP – Mikhail Klimentyev

Việc Minsk khuấy động một cuộc khủng hoảng ngoại giao với Hoa Kỳ và châu Âu vài tuần trước thượng đỉnh Nga – Mỹ liệu có vượt ngoài những tính toán của điện Kremlin hay không ?

Hiếm khi nào Liên Hiệp Châu Âu nhanh chóng có cùng một tiếng nói như trong khủng hoảng ngoại giao với Belarus sau vụ một chuyến bay dân dụng phải đáp xuống phi trường Minsk. Trên chuyến bay có nhà báo đối lập Roman Protasssevitch, kẻ thù chính trị của tổng thống Alexandre Loukachenko.

Chỉ vài giờ sau vụ chuyến bay FR4978 của hãng hàng không dân dụng RyanAir trên đường từ Athens đến Vilnius phải đáp xuống phi trường Minsk, Liên Hiệp Châu Âu đồng thanh lên án hành động của Belarus, chuẩn bị ban hành các biện pháp trừng phạt chế độ Loukachenko và đóng cửa không phận với các hãng hàng không của nước này, đồng thời kêu gọi các tập đoàn hàng không châu Âu tránh bay ngang bầu trời Belarus. Hậu quả kèm theo, gần hết 2.500 chuyến bay hàng tuần sử dụng không phận của một quốc gia chỉ bằng 20% diện tích của Pháp đã phải tìm ra những lộ trình khác, đặc biệt là bay qua không phận của Ba Lan hay Nga. Hiện tại chỉ còn các hãng hàng không của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc sử dụng các hành lang không phận của Belarus.

Thay đổi lộ trình của các chuyến bay, tránh né một vùng nguy hiểm là điều từng xảy ra trong lịch sử hàng không dân sự quốc tế, nhưng riêng trong trường hợp của Belarus, thiệt hại về kinh tế đối với chính quyền Loukachenko không nhỏ vì theo giải thích của Xavier Tytelman, chuyên gia về giao thông hàng không quốc tế thuộc hãng Starburst, trụ sở tại Paris, Belarus được quyền thu lệ phí đối với mỗi chuyến bay sử dụng không phận của mình. Số tiền này ước tính lên tới « hàng trăm triệu đô la một năm ».

Vài trăm triệu đô la một năm không là một số tiền quá lớn, tuy nhiên theo giới phân tích, quyết định tẩy chay không phận Belarus khiến bài toán của tổng thống Alexandre Loukachenko càng thêm nan giải trong lúc Minks đã hai lần cầu viện Nga trợ giúp kinh tế trong chưa đầy một năm qua. Đợt gần đây nhất là vào hồi tháng 2/2021 khi Belarus thuyết phục Nga cấp cho một khoản tín dụng hơn 3 tỷ đô la.

Câu hỏi đặt ra là Belarus có thể trông cậy vào Nga tới mức độ nào ? Phản ứng chậm trễ của Matxcơva về hành động của chính quyền Minsk trong vụ máy bay RyanAir đã khiến phương Tây chỉ trích Nga « bao che » cho Belarus, thậm chí là Minsk đã « tiến hành một vụ không tặc » như vừa qua nhờ có sự can thiệp của Nga, của nhân viên tình báo Nga.

Artyom Shraibman, thuộc trung tâm nghiên cứu Carnegie tại Matxcơva được báo Libération trích dẫn, không hoàn toàn loại trừ giả thuyết này, đồng thời lưu ý : « Matxcơva luôn hài lòng mỗi lần quan hệ giữa Loukachenko với phương Tây xấu đi thêm ». Nhưng bối cảnh lần này hơi đặc biệt vì hai lý do.Thứ nhất, nếu như Liên Âu nhanh chóng ban hành lệnh trừng phạt kinh tế nhắm vào chính quyền Minsk thì « Belarus lại càng trở nên một gánh nặng » đối với Nga. Nhà phân tích Shraibman cho rằng, điện Kremlin có thể sẽ bực mình vì đồng minh bướng bỉnh như Loukachenko, thế nhưng nếu như Minsk duy trì được một chế độ « tương đối ổn định » thì thế nào Matxcơva cũng sẽ hậu thuẫn.

Lý do thứ nhì khiến tổng thống Vladimir Putin có thể bực mình vì bất đắc dĩ Matxcơva bị Minsk lôi kéo vào một cuộc đọ sức với phương Tây ba tuần trước cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa tổng thống Nga và tân lãnh đạo Mỹ, Joe Biden.

Từ tháng 8/2020 sau cuộc bầu cử tổng thống, chế độ Loukachenko còn tồn tại được là nhờ vào điểm tựa quý giá là Nga. Vận mệnh của tổng thống Belarus trong tay Vladimir Putin. Thế nhưng Kremlin đang chuẩn bị cho thượng đỉnh Biden – Putin vào giữa tháng 6/2021 tại Genève và theo giới quan sát, ông Putin trông đợi nhiều vào thượng đỉnh đầu tiên với tổng thống Biden để khởi động lại quan hệ với Washington, để phác họa ra quan hệ giữa hai khối « Đông – Tây » cho giai đoạn bốn năm sắp tới. Bằng chứng cụ thể nhất là trong cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa lãnh đạo ngoại giao Nga Mỹ bên lề hội nghị về Bắc Cực vừa qua ở Iceland, đôi bên đã tỏ thiện chí hòa hoãn chuẩn bị cho thượng đỉnh Genève diễn ra tốt đẹp.

Vậy câu hỏi đặt ra là liệu rằng trong buổi làm việc ngày 28/05 tại Sotchi, nguyên thủ Nga có gây áp lực để « nhà độc tài cuối cùng của châu Âu », như cựu ngoại trưởng Mỹ Condoleeza Rice năm 2005 từng mệnh danh ông Loukachenko để tổng thống Belarus nới lỏng gọng kềm đàn áp nhắm vào các tiếng nói đối lập trong nước ? Nếu thành công, Belarus có thể là một lá bài làm tăng thêm uy tín của tổng thống Nga, Vladimir Putin trong mắt phương Tây.

Related posts