Ý nghĩa và tình cảm trong ngôn từ – Tamar Lê

Trong những bản nhạc của nhóm Bee Gees, tôi rất thích những lời sau đây trong bài ‘How Deep Is Your Love?’

I know your eyes in the morning sun
I feel you touch me in the pouring rain
And the moment that you wander far from me
I wanna feel you in my arms again…

Ngôn từ không những có ý nghĩa chỉ định (referential  meaning) như thường thấy trong tự điển, mà còn có ý nghĩa tình cảm (sentimental meaning). Khi người ngoại quốc học tiếng Việt mình, hay khi mình dùng Google translation, thì thường chăm chú vào ý nghĩa chỉ định của ngôn từ mà thôi, vì những ánh mắt tình cảm nhạy bén của ngôn ngôn từ thì dù computer có mạnh đến đâu cũng chỉ lướt qua như làn gió thoảng trên mặt hồ ngôn ngữ.

Nhưng con người, đặc biệt là người Việt Nam mình, với tình cảm dồi dào, sống động, nên từ ngữ thường bao chứa những khía cạnh tình cảm gắn liền với thể vật. Từ ngữ như mái trường, quê nhà, làng mạc, lòng mẹ, con phố, dòng sông, v.v… gợi lên trong tâm tư biết bao tình thương nỗi nhớ trong một vòm trời ký ức mến thương.

Đối với tôi, có lẽ vì dạy học đã lâu, nên hai chữ ‘học trò’ (hay ‘thầy cô’), thay vì học sinh hay sinh viên, có một chổ đứng đặc biệt trong ký ức và tâm hồn của mình. Chữ ‘student’ hay ‘pupil’ trong tiếng Anh không thể nào so sánh được.

Ta mơ về những năm tháng xa xôi,
Lật ký ức tìm trang đời mơ mộng,
Muốn thắp lại tháng năm tràn nhựa sống,
Những ước mơ, khát vọng buổi đầu đời. (HMT)

Nhiều ‘học trò’ của QH và tôi nay cũng đã con cháu đầy đàn, ông nọ bà kia trong xã hội, nhưng đối với QH và tôi thì hình ảnh và tình cảm ngày xưa vẫn còn đó, vẫn dễ thương và quý mến không bao giờ phai. Thật vậy, mỗi lần về lại Tas thì được học trò bỏ làm gần cả tuần để dẫn cô thầy đi chụp hình. Khi qua thăm những nước có học trò như Đài Loan, Thái Lan, Nhật, Đại Hàn, Việt Nam,  học trò tha hồ chăm sóc thầy cô…  

Tình thầy trò cũng như con tàu và sân ga. Sân ga thì ở lại cho con tàu đi xa đến chân trời mới. Nhưng mỗi lần thầy trò gặp nhau, thì thao thao bất tuyệt, cố tìm vui để “thắp lại tháng năm tràn nhựa sống.”

Related posts