Nhà sáng chế vaccine COVID-19: ‘Chúng ta không thể chích ngừa cho hành tinh này cứ mỗi sáu tháng’

Một y tá chuẩn bị liều vaccine COVID-19 Oxford-AstraZeneca ở Thành phố Mexico hôm 07/12/2021. (Ảnh: Pedro Pardo/AFP/Getty Images) Tây Dương

  • Jack Phillips

Hôm thứ Ba (04/01), nhà sáng chế của một trong những loại vaccine COVID-19 được sử dụng nhiều nhất trên thế giới thừa nhận rằng việc liên tục cung cấp liều bổ sung cho mọi người hai lần mỗi năm là “không bền vững”.

Trả lời The Telegraph trong một cuộc phỏng vấn vào hôm thứ Ba, ông Andrew Pollard, một trong những người tạo ra vaccine COVID-19 Oxford AstraZeneca, nhận xét: “Chúng ta không thể chích ngừa cho hành tinh này cứ mỗi sáu tháng.”

Thay vào đó, các nhà hoạch định chính sách nên cố gắng “nhắm đến những người dễ bị tổn thương” hơn là chích vaccine cho bất kỳ ai từ 12 tuổi trở lên, ông Pollard, người cũng phụ trách Liên Ủy ban về Chích ngừa và Miễn dịch Anh Quốc (JCVI), cho biết. Theo ông, cần thu thập thêm dữ liệu về việc “liệu ​​những người dễ bị tổn thương có cần liều bổ sung hay không, khi nào, và tần suất ra sao.”

Nhận xét của ông được đưa ra khi một số quốc gia, bao gồm cả Israel, đang bắt đầu hoặc đang cân nhắc việc khai triển liều vaccine thứ tư. Hôm thứ Hai, các quan chức Israel bắt đầu cung cấp liều này cho tất cả các nhân viên y tế và cá nhân từ 60 tuổi trở lên.

Ở Israel, các liều bổ sung được kết nối với giấy thông hành vaccine COVID-19 của các cá nhân, hay còn gọi là “thẻ xanh”, được sử dụng để vào cửa một số cơ sở kinh doanh nhất định. Năm ngoái (2020), các nhà chức trách đã thông báo rằng thẻ xanh sẽ hết hạn nếu cá nhân đó không chích mũi bổ sung trong vòng sáu tháng kể từ khi họ chích liều vaccine thứ hai.

Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach hồi cuối tháng 12 đã nói với đài truyền hình công cộng ZDF rằng người Đức “sẽ cần chích liều vaccine thứ tư” cho COVID-19 trong những tháng tới, trong khi giới chức ở Hà Lan tuần trước cho biết họ đã mua đủ liều vaccine để cung cấp thêm ba mũi bổ sung đến hết năm 2023.

“Đến một thời điểm nào đó, xã hội sẽ phải mở cửa. Khi chúng ta mở cửa, sẽ có một khoảng thời gian mà các ca nhiễm tăng lên, đó là lý do tại sao mùa đông có lẽ không phải là thời điểm tốt nhất,” ông Pollard nói trong cuộc phỏng vấn hôm thứ Ba. “Nhưng đó là quyết định của các nhà hoạch định chính sách, không phải quyết định của các khoa học gia. Cách tiếp cận của chúng ta phải thay đổi, dựa vào vaccine và các mũi bổ sung. Rủi ro lớn nhất vẫn là những người chưa chích ngừa.”

Ông nói thêm, Anh Quốc không nên làm theo một cách mù quáng các chính sách về mũi bổ sung đã được thực hiện hoặc hiện đang được đề xướng ở Đức và Israel.

Kể từ khi biến thể có nhiều đột biến này được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 11/2021, dữ liệu của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy nó đã lây lan nhanh chóng và xuất hiện ở ít nhất 128 quốc gia, gây ra tình thế khó xử cho nhiều quốc gia và những người đang tìm cách khởi động lại nền kinh tế và cuộc sống của họ sau gần hai năm gián đoạn do COVID.

Nhưng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy biến thể Omicron đang ảnh hưởng đến đường hô hấp trên, gây ra các triệu chứng nhẹ hơn so với các biến thể trước đó và dẫn đến “sự chênh lệch” ở một số nơi giữa số ca nhiễm tăng cao và tỷ lệ tử vong thấp, một quan chức của WHO cho biết hôm thứ Ba.

Ông Jack Phillips là một phóng viên tin tức thời sự của The Epoch Times tại New York.

An Nhiên biên dịch

Related posts