Vì sao bất ổn chính trị ở Kazakhstan khiến ĐCSTQ lo lắng?

Đặng Trần

Người dân biểu tình ở Kazakhstan (ảnh: Từ video của The Telegraph)

Kazakhstan đã xảy ra các cuộc biểu tình lớn nhất trong 30 năm qua. Nguyên nhân của cuộc biểu tình được cho là do giá nhiên liệu tăng cao, nhưng phía sau là rất nhiều vấn đề xuất phát từ nạn tham nhũng trong chính quyền Kazakhstan và mối quan hệ mật thiết giữa chính phủ của quốc gia này với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Theo chuyên gia Yokogawa, Kazakhstan là một quốc gia có vị trí đặc biệt ở Trung Á, vì nước này nằm giữa hai cường quốc là Trung Quốc và Nga.

Từ góc độ địa chính trị, Kazakhstan đóng một vai trò rất quan trọng đối với ĐCSTQ vì nhiều lý do, trong đó bao gồm việc quốc gia này có ảnh hưởng lớn tới sáng kiến “Vành đai và Con đường” của thế lực cầm quyền ở Trung Quốc.

“Vành đai và Con đường” được ĐCSTQ vạch ra lộ trình khởi phát hướng về phía Tây Bắc, và Kazakhstan là điểm đến đầu tiên của sáng kiến này. ĐCSTQ đã đầu tư rất nhiều vào cơ sở hạ tầng của Kazakhstan, bên cạnh các dự án đầu tư vào đường ống dẫn dầu và khí đốt.

Đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Trung Quốc -Trung Á nguyên ban đầu là đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Trung Quốc-Kazakhstan, sau đó được mở rộng sang các nước khác. Một số chuyên gia phương Tây gọi là Kazakhstan là khóa thắt lưng trên “Vành đai và Con đường”. Vì thế, tình hình bất ổn ở Kazakhstan là mối đe dọa lớn đối với các dự án đầu tư của ĐCSTQ tại quốc gia này.

Trong vài năm trở lại đây, ở Kazakhstan thường xuyên nổ ra các cuộc biểu tình chống ĐCSTQ. Các cuộc biểu tình bao gồm phản đối việc tiếp nhận nguồn vốn từ Trung Quốc, phản đối việc cho Trung Quốc thuê đất dài hạn, phản đối việc Trung Quốc chuyển hơn 50 công ty đến Kazakhstan gây ô nhiễm môi trường, và phản đối nạn tham nhũng do ĐCSTQ gây ra sau khi thế lực này làm hư hỏng quan chức Kazakhstan. Ngoài ra, người dân Kazakhstan còn phản đối sự bành trướng của ĐCSTQ và người nhập cư Trung Quốc, cùng nhiều vấn đề khác liên quan tới ĐCSTQ.

Chuyên gia Yokogawa đánh giá rằng, việc Bắc Kinh tha hóa các quan chức tại các nước mà họ đầu tư xâm phạm nhiều đến lợi ích của người dân địa phương, do đó, chủ nghĩa thực dân mới của ĐCSTQ còn tồi tệ hơn chủ nghĩa thực dân cũ của phương Tây.

Chuyên gia Yokogawa cho biết, người Kazakhstan phản đối ĐCSTQ còn bởi một bộ phận không nhỏ người dân của quốc gia này là người Duy Ngô Nhĩ, sắc dân đã bị lực lượng cầm quyền ở Trung Quốc đàn áp trong suốt nhiều năm qua.

Yokogawa nhận định, mặc dù các cuộc biểu tình ở Kazakhstan không liên quan trực tiếp đến vấn đề nhân quyền ở Tân Cương, nhưng cho dù tình hình diễn biến như thế nào thì cục diện này cũng sẽ chỉ phát triển theo chiều hướng bất lợi cho ĐCSTQ.

Tham khảo Epoch Times

Related posts