Trân Văn
3-3-2022
Thiên hạ bắt đầu cảm thấy ân hận khi từng để Ukraine loay hoay với tham vọng và sự hung hãn của Nga trong một thời gian dài.
Cuối cùng, ông Putin – Tổng thống Nga cũng đã lên tiếng. Putin đã ngậm tăm sau khi ra lệnh tấn công Ukraine hôm 24/2/2022 để… “tự vệ trước nguy cơ xảy ra những điều tồi tệ hơn tình trạng hiện nay đối với lợi ích và chủ quyền của nước Nga”. Tại cuộc họp báo được tổ chức ngày 2/3/2022 ở Moscow, Putin chỉ trích Mỹ và các đồng minh đã chủ động soạn kịch bản, dùng Ukraine như công cụ, dụ Nga tấn công Ukraine và Putin không thể làm khác cho dù ông ta không hề muốn xua quân vào Ukraine (1)!
Trong cùng ngày, tại New York, 141 trong số 193 quốc gia là thành viên Liên Hiệp Quốc nhất trí lên án Nga tấn công Ukraine, yêu cầu Nga rút khỏi Ukraine ngay lập tức và vô điều kiện… Chỉ có 5/193 quốc gia tán thành hành động của Nga (ngoài Nga tự bảo vệ mình như lẽ tất nhiên, ủng hộ Nga chỉ có Belarus, Bắc Hàn, Eritrea, Syria). 35/193 quốc gia bỏ phiếu trắng (không lên án cũng không ủng hộ), trong số này có Việt Nam, xưa nay vẫn thường song hành với Trung Quốc (2).
Tin mới nhất: Nga cho biết sẽ tiếp tục ngồi xuống với Ukraine trong ngày 3/3/2022 để bàn về việc ngưng bắn… Chưa biết kết quả thế nào nhưng rõ ràng, chưa bao giờ Nga thiệt hại nặng nề cả trong bang giao quốc tế lẫn kinh tế và nội trị bất ổn, hỗn loạn như vậy…
***
Nếu Ukraine xác lập chính sách quốc phòng “ba không”: “Không tham gia liên minh quân sự”. “Không liên kết với nước này để chống nước kia”. “Không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác” và đến năm 2019, long trọng bổ sung thêm một “không” nữa vào “Bạch thư Quốc phòng” (3): “Không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế” như Việt Nam, vị thế chính trị của Ukraine sẽ không như mọi người đã thấy suốt tuần vừa qua.
Không may cho Putin là dân Ukraine thuộc loại bất khuất. Bởi họ đã từng đứng dậy giành lấy và cương quyết giữ cho bằng được quyền lựa chọn những cá nhân đại diện cho chính họ trong các cơ quan dân cử, qua đó kiểm soát các cơ quan công quyền nên mới có Tổng thống Volodymyr Zelenskyy. Nếu Volodymyr Zelenskyy không như mọi người đã biết và đang thấy, chắc chắn dân Ukraine đã không chọn để đặt ông vào vị trí Tổng thống và không cùng ông đối đầu với Nga để bảo vệ quyền tự quyết của Ukraine.
Xưa cũng thế và giờ cũng vậy, thiên hạ chỉ dành thiện cảm cho những người dám sống và chết vì những giá trị mà nhân loại cùng cho là cao đẹp. Bởi dân Ukraine sẵn sàng vứt bỏ tất cả để bảo vệ từ thể diện tới chủ quyền quốc gia của họ, bảo vệ phẩm giá của những người được gọi là Ukrainian, cộng đồng quốc tế mới ủng hộ Ukraine và sử dụng nhiều cách thức khác nhau, trừng phạt Nga, tiếp sức cho Ukraine. Không phải tự nhiên mà cộng đồng châu Âu xem Ukraine như đại diện cho căn tính, giá trị châu Âu.
Tại sao dân Ukraine sẵn sàng đối đầu với Nga, bất kể hậu quả để giữ quyền quyết định vận mệnh của họ? Chắc chắn do họ hiểu thế nào là giá trị của độc lập, tự do sau nhiều thế kỷ hết thuộc Mông Cổ, đến thuộc Ba Lan, Thổ, Nga…
Dân Ukraine từng thực hiện “Cách mạng Cam” năm 2004, phế truất Viktor Yanukovych – cựu Thủ tướng muốn dán tương lai của Ukraine vào Nga – đắc cử Tổng thống vì gian lận bầu cử. Dân Ukraine từng tiến hành “phong trào EuroMaidan” (cuối 2013 đầu 2014), phản đối chính phủ thân Nga trì hoãn ký kết thỏa thuận hợp tác và thương mại tự do với Liên minh châu Âu, lật đổ chính phủ này. Đó cũng là lý do Nga cưỡng chiếm Crimea, khuấy động các cuộc bạo động đòi tự trị ở Donetsk và Lugansk thuộc khu vực Donbass.
Khi phải làm hàng xóm với một quốc gia vừa nuôi tham vọng chi phối, dẫn dắt các lân bang, vừa hết sức hung hãn như Nga, một dân tộc quật cường như dân Ukraine chắc chắn sẽ không bao giờ chấp nhận bất cứ đảng nào, chính phủ nào định ra và đeo đuổi “chính sách ba không”, thậm chí tạo thêm một… “không” chỉ để duy trì… “sự toàn vẹn của đặc quyền, đặc lợi” cho đảng của mình, chính phủ của mình, chứ không phải giữ gìn sự toàn vẹn lãnh thổ, duy trì và phát triển các lợi ích của quốc gia, dân tộc.
Là nguyên thủ của một xứ sở như thế, Tổng thống Ukraine phải như đã biết và đang thấy. Volodymyr Zelenskyy không thể vứt bỏ nhân tâm, dân ý, vặn hỏi những người dân Ukraine bày tỏ sự âu lo về tương lai quốc gia, số phận dân tộc, kiểu như ông Nguyễn Phú Trọng từng vặn hỏi đồng chí, đồng bào hồi 2015, lúc họ nêu thắc mắc, rằng hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam sẽ làm gì khi Trung Quốc càng ngày càng hung hăng trong việc xác lập chủ quyền đối với 80% diện tích biển Đông: Nếu để xảy ra đụng độ gì thì tình hình bây giờ bất ổn thế nào, chúng ta có ngồi đây mà bàn việc tổ chức đại hội đảng được không (4)?
***
Sự kháng cự mãnh liệt của Ukraine đối với tham vọng biến xứ sở này thành chư hầu của Nga thêm một lần nữa, phản ứng dữ dội của cộng đồng quốc tế đối với cuộc xâm lăng do Nga tiến hành hồi cuối tháng vừa qua, giá mà cả Putin lẫn Nga cùng phải trả… chắc chắn sẽ khiến cả Tập Cận Bình lẫn Trung Quốc phải cân nhắc đến hậu quả của việc tấn công, sáp nhập Đài Loan – lãnh thổ mà mức độ cương cường từ trên xuống dưới dường như chẳng kém Ukraine – vào Trung Quốc.
Còn biển Đông, rộng hơn là Việt Nam thì sao? Có lẽ Tập Cận Bình và Trung Quốc không thèm bận tâm vì trước đã có… “chính sách ba không”, giờ có thêm… “chính sách bốn không” và cam kết tự nguyện tuân thủ những chính sách này một cách nghiêm cẩn.
Suốt tuần vừa qua, rất nhiều người Việt bày tỏ sự phẫn nộ khi nhiều cơ quan truyền thông chính thức tại Việt Nam và nhiều sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam ủng hộ Putin, ủng hộ Nga. Lên án sự ủng hộ bất kể đạo lý, bất chấp luật pháp quốc tế, lội ngược dòng chảy chung của thế giới văn minh ấy là… “cuồng Nga”, “cuồng Putin” dường như chưa thật đúng và đủ. Cứ ngẫm kỹ hơn sẽ thấy, chỉ trích cả Ukraine lẫn Tổng thống Zelenskyy là chuyện phải làm bởi nếu không, “ba không”, nay là “bốn không” tự nhiên sẽ… lung lay!
Phiếu trắng mà Việt Nam vừa chọn hôm 2/3/2022 là tất yếu. Đã có… “ba không” rồi… “bốn không” thì phải như vậy! Không có… “không” nào nên Ukraine dứt khoát không từ bỏ bán đảo Crimea, khu vực Donbass. Với… “ba không”, rồi… “bốn không”, toàn bộ Hoàng Sa, một phần Trường Sa đã mất là… vô vọng. Thậm chí, tùy… bối cảnh, nhắc để nhớ lấy còn trở thành… “kẻ thù của nhân dân”. Vì sao ký ức về tội ác, dã tâm của Trung Quốc lại trở thành thứ mà không có chủ trương thì không được nhớ, được nhắc?
Thiên hạ bắt đầu cảm thấy ân hận khi từng để Ukraine loay hoay với tham vọng và sự hung hãn của Nga trong một thời gian dài. Sự ân hận đó khiến Nghị viện châu Âu vừa đẩy mạnh xem xét tiếp nhận Ukraine làm thành viên. Còn với… “ba không”, rồi… “bốn không”, thiên hạ có cơ hội để ân hận với dã tâm và sự hung hăng mà Trung Quốc đã, đang cũng như sẽ còn bày ra với Việt Nam chăng? Khi đó là lựa chọn của riêng Việt Nam, thiên hạ làm gì có… cửa!
Chú thích