Các nhà máy lọc dầu Trung Quốc lặng lẽ nhập khẩu dầu của Nga với giá rẻ

Thuý Anh

Sau khi chiến tranh Nga -Ukraina bùng nổ, với các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga, việc mua dầu của Nga đã trở thành tâm điểm của cuộc tranh luận và sự chú ý. Gần đây, nhiều thông tin cho rằng dầu của Nga đang chảy sang Trung Quốc bằng đường biển và đường sắt.

Giám đốc điều hành Petro-Logistics, ông Daniel Gerber nói với Reuters trong những ngày gần đây rằng công ty đã tìm thấy một số hàng hóa không có điểm đến, nhưng đã thấy nhiều dầu của Nga đến Trung Quốc. Họ cũng phát hiện một số hàng hóa đã được đổi chủ, trong đó người mua một tàu chở dầu đã chuyển từ một công ty dầu khí phương Tây sang một công ty Trung Quốc.

Thông tin chi tiết về hàng hóa toàn cầu của S&P Global Platts (S&P Global Commodity Insights) ngày 22/3 cho thấy người mua Trung Quốc đang tích cực mua dầu thô giá rẻ của Nga.

Bị thu hút bởi mức chiết khấu kỷ lục, người mua Trung Quốc đã quay trở lại thị trường giao ngay của Nga để mua các lô hàng dầu thô Urals trong tháng 5, báo cáo cho biết.

Dầu thô Urals là sự pha trộn giữa dầu từ vùng Urals-Volga của Nga và dầu nhẹ, ít lưu huỳnh từ Tây Siberia, chủ yếu cung cấp cho châu Âu, với giá thị trường thấp hơn dầu Brent ở Biển Bắc của Anh.

Nhà cung cấp thông tin về năng lượng và hàng hóa S&P Global Platts cho biết trong báo cáo rằng một nguồn tin tại một nhà máy lọc dầu thuộc sở hữu nhà nước ở miền nam Trung Quốc cho biết nhà máy này có một lô hàng dầu Urals của Nga sẽ được giao vào tháng 6 với giá khá thấp. Nguồn tin cho biết, giá hàng CFR Trung Quốc được chiết khấu khoảng 17 USD/thùng. CFR có nghĩa là người bán chịu chi phí và cước phí cần thiết để đưa hàng hóa đến cảng được chỉ định.

S&P Global Platts cũng cho biết các nguồn tin từ các nhà máy lọc dầu khác của Tập đoàn Hóa chất và Dầu khí Trung Quốc (Sinopec) và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (Petro China) ở miền trung, đông, đông bắc và nam Trung Quốc cho biết giá dầu thô Urals rất hấp dẫn nên các công ty của họ đang tìm tàu ​​để vận chuyển dầu thô Urals, vì nhiều tàu không muốn chấp nhận rủi ro. Một số nhà máy lọc dầu độc lập ở Trung Quốc cũng đã bắt đầu mua dầu thô Urals, mặc dù các giao dịch được thực hiện một cách âm thầm để tránh sự chú ý của công chúng.

S&P Global Platts cũng tiết lộ rằng các nhà máy lọc dầu độc lập của Trung Quốc cũng đã bắt đầu quay trở lại thị trường giao ngay Viễn Đông đối với dầu thô hỗn hợp ESPO của Nga khi kỳ vọng của thị trường trở nên rõ ràng hơn.

Dầu thô ESPO được sản xuất ở Đông Siberia và chủ yếu được xuất khẩu sang Đại Khánh, Hắc Long Giang, Trung Quốc thông qua đường ống dẫn dầu, ngoài ra nó còn được xuất khẩu sang các nước Châu Á – Thái Bình Dương khác bằng đường biển thông qua cảng Kozmino trên bờ biển Thái Bình Dương ở phía đông nước Nga.

Các phóng viên của The Epoch Times đã nhiều lần gọi điện đến Tập đoàn Hóa chất và Dầu khí Trung Quốc để xác minh thông tin trên nhưng không ai trả lời. Cho đến thời điểm đăng bài viết này, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc chưa trả lời email của phóng viên The Epoch Times.

Theo phân tích của Hellenic Shipping News vào cuối tháng 2, nếu được chiết khấu tốt, Trung Quốc sẽ chấp nhận nhiều dầu của Nga hơn vì hầu hết các nhà máy lọc dầu ở Trung Quốc có thể khai thác dầu thô ESPO, dầu Urals, dầu Sokol của Nga và các loại dầu thô khác. Dầu thô của Nga có thể được thay thế cả nguồn cung từ Trung Đông và Hoa Kỳ.

Ngoài vận chuyển bằng đường biển, nhiều khí hoá lỏng (LPG) của Nga cũng được chuyển đến Trung Quốc bằng đường sắt. Dữ liệu của Refinitiv Eikon cho thấy nguồn cung cấp khí hóa lỏng trong tháng 3 của Nga cho Trung Quốc dự kiến tăng gấp 3 lần so với tháng 2 từ 24.000 tấn lên 72.000 tấn, do xuất khẩu sang các điểm đến phương Tây bị chặn. Khí hóa lỏng của Nga được vận chuyển đến Trung Quốc thông qua trạm khí đốt Viễn Đông gần biên giới Trung-Nga, với khối lượng hàng năm là 1,8 triệu tấn.

Ông Mike Sun, một nhà tư vấn đầu tư ở Bắc Mỹ, nói với The Epoch Times rằng các công ty Trung Quốc đang nhập khẩu rất nhiều dầu từ Nga vào thời điểm này.

Kể từ khi cuộc xung đột Nga-Ukraina bắt đầu, ĐCSTQ đã nhiều lần bày tỏ quan điểm phản đối các biện pháp trừng phạt chống lại Nga và từ chối lên án sự xâm lược của Nga. Vào ngày 23/3 năm nay, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, “Trung Quốc đã hỗ trợ Nga về mặt chính trị, bao gồm cả việc truyền bá những lời nói dối trắng trợn và thông tin sai lệch, và các đồng minh lo ngại rằng Trung Quốc có thể cung cấp hỗ trợ vật chất cho sự xâm lược của Nga”.

Phương Tây lo lắng là có lý do. Sau khi Nga chịu các lệnh trừng phạt quốc tế vì sáp nhập Crimea vào năm 2014, ĐCSTQ đã hợp tác để tiếp cận nguồn năng lượng của Nga, đồng thời tiếp máu cho Nga.

Đã có tiền lệ về việc làm mất tác dụng các biện pháp trừng phạt

Sau cuộc khủng hoảng Crimea, Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga. Ngày 20/5/2014, Tổng Bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình đã hội đàm với Tổng thống Nga Putin, hai bên đã ký Thỏa thuận Đối tác chiến lược, bày tỏ sẽ thiết lập mối quan hệ hợp tác năng lượng toàn diện. Ngày hôm sau, Tập đoàn Gazprom và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc đã ký hợp đồng cung cấp khí đốt tự nhiên trên tuyến phía đông Trung-Nga.

Theo thỏa thuận, bắt đầu từ năm 2018, Nga sẽ cung cấp khí đốt tự nhiên cho Trung Quốc thông qua tuyến phía đông của đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Trung – Nga (tuyến này ở Nga được gọi là Power of Siberia), và sản lượng cung cấp sẽ tăng lên 38 tỷ mét khối mỗi năm, với thời hạn hợp đồng cộng dồn là 30 năm. Tổng giá trị là 400 tỷ USD, số tiền lớn hơn bất kỳ hợp đồng mua bán khí đốt nào giữa Nga và các quốc gia Châu Âu.

Đường ống dẫn khí đốt tự nhiên tuyến phía Đông Trung-Nga bắt đầu được xây dựng vào tháng 9 năm đó, kết nối mỏ khí đốt Đông Siberia với cảng Vladivostok ở miền đông nước Nga (gọi là Đầm lầy hải sâm ở Trung Quốc). Ngoài ra, đường ống đi qua 9 tỉnh, khu tự trị và thành phố trực thuộc Trung Quốc, từ Hắc Hà ở Hắc Long Giang, qua Trường Lĩnh ở Cát Lâm, Vĩnh Thanh ở Hà Bắc, và cuối cùng đến Thượng Hải.

Sau đó, hai công ty đã ký thỏa thuận cung cấp khí đốt cho Trung Quốc vào tháng 5/2015 bằng Đường ống dẫn khí phương Tây Trung-Nga (còn gọi là Đường ống dẫn khí đốt Power of Siberia 2). Tuyến phía Tây được thiết kế để kết nối từ Novokuznetsk ở Tây Siberia đến Tân Cương, Trung Quốc và kết nối với Đường ống dẫn khí Tây-Đông của Trung Quốc, với công suất hàng năm là 30 tỷ mét khối. Tuy nhiên, đường ống này vẫn chưa được thi công.

Hoa Kỳ, Châu Âu tẩy chay Nga, ĐCSTQ có thể hưởng lợi

Nga là nước sản xuất và xuất khẩu dầu khí lớn trên thế giới, sản lượng dầu của nước này đứng thứ 3 thế giới. Tính đến năm 2020, xuất khẩu dầu thô và dầu tinh chế của nước này đã chiếm khoảng 12% và 10% tổng sản lượng của thế giới; đứng thứ hai về sản xuất khí tự nhiên, chiếm 1/4 lượng xuất khẩu khí đường ống và khí hoá lỏng toàn cầu vào năm 2020.

Ông Marco Giuli, một chuyên gia năng lượng địa chính trị tại Trường Quản lý Brussels của Bỉ, cho biết trong một phân tích về Chỉ số giá khí đốt tự nhiên (NGI) vào ngày 9 tháng 3 năm nay rằng ĐCSTQ khó có thể đi theo phương Tây và cắt đứt quan hệ với Nga.

Một khi các mối quan hệ thương mại của Nga với phương Tây bị cắt đứt, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng, Nga có thể bị đẩy về phía Trung Quốc, ông nói.

Sau khi xung đột Nga-Ukraina nổ ra, Đức đã dừng đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream 2. Hoa Kỳ đã tăng cường cung cấp khí hoá lỏng cho châu Âu và thúc đẩy các nước EU loại bỏ dần dầu, khí đốt và than đá của Nga, điều này có thể thúc đẩy ông Putin đẩy nhanh việc mở rộng xuất khẩu khí đốt sang Trung Quốc.

Trước thềm cuộc tấn công Ukraina, ông Putin đã đến thăm Bắc Kinh vào tháng 2 năm nay, trong đó hai nước đã tiến thêm một bước nữa theo hướng mở rộng hợp tác năng lượng với thỏa thuận dầu khí kéo dài 10 năm trị giá lên tới 117,5 tỷ USD, cũng như thỏa thuận xuất khẩu than trị giá 20 tỷ USD của Nga sang Trung Quốc.

Theo tin tức trên trang web chính thức của Rosneft ngày 4/2, Công ty dầu Rosneft và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc đã ký thỏa thuận cung cấp 100 triệu tấn dầu cho Trung Quốc thông qua Kazakhstan trong thời hạn 10 năm. Các nhà máy ở tây bắc Trung Quốc sẽ chế biến dầu thô.

Cùng ngày, Tập đoàn Gazprom cũng đạt được thỏa thuận với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc về việc xây dựng một đường ống cung cấp khí đốt mới 10 tỷ mét khối để vận chuyển khí đốt tự nhiên từ vùng Viễn Đông của Nga đến Trung Quốc. Nguồn tin của Reuters cho biết, Tập đoàn Gazprom có ​​thể sẽ sử dụng các mỏ dầu gần đảo Sakhalin ở Thái Bình Dương (ở Trung Quốc là quần đảo Kuril) để cung cấp thêm khí đốt tự nhiên cho Trung Quốc.

Tuy nhiên, sản lượng truyền tải khí của tuyến phía đông Trung-Nga chỉ là cung cấp 10 tỷ mét khối vào năm 2021 và dự kiến ​​sẽ đạt sản lượng truyền tải khí hết công suất là 38 tỷ mét khối vào năm 2025. Đường ống truyền dẫn khí đốt Trung-Nga theo kế hoạch (với sản lượng hàng năm là 30 tỷ mét khối) và tuyến khí đốt tự nhiên Viễn Đông mới nhất là 10 tỷ mét khối, vẫn cần thời gian để xây dựng và Trung Quốc khó có thể tăng đáng kể lượng dầu khí nhập khẩu từ Nga trong ngắn hạn.

Theo The Epoch Times

Related posts