Cập nhật tình hình chiến sự Nga-Ukraine

Volodomyr Zelensky was given a round of applause before he spoke in the House of Representatives.

NATO: Nga ‘không rút lui mà tái bố trí’ quân đội

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố Nga dường như không thu hẹp quy mô hoạt động quân sự ở Ukraine mà thay vào đó đang tái điều động lực lượng tới khu vực phía đông Donbas.

Nga đã hứa trong các cuộc đàm phán tại Istanbul hôm thứ Ba (29/03) rằng họ sẽ giảm leo thang các hoạt động gần Kyiv và Chernihiv để “tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau và tạo điều kiện cần thiết cho các cuộc đàm phán tiếp theo.” Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và phương Tây đã tỏ ra nghi ngờ.

Ông Stoltenberg nói với các phóng viên hôm thứ Năm (31/03) rằng “Nga đã nhiều lần nói dối về ý định của họ” và phải được đánh giá dựa trên hành động của họ chứ không phải lời của các nhà lãnh đạo.

“Theo thông tin tình báo của chúng tôi, thì các đơn vị Nga không rút lui mà tái bố trí. Nga đang cố gắng tái tập hợp, tiếp tế, và củng cố cuộc tấn công của họ ở khu vực Donbas,” ông nói.

Đồng thời, ông cho biết áp lực đang gia tăng đối với Kyiv và các thành phố khác và “chúng ta có thể liệu trước sẽ có các hành động tấn công bổ sung, mang lại nhiều đau thương hơn nữa.”

Hoa Kỳ tuyên bố Nga đã bắt đầu tái bố trí dưới 20% binh lực của họ vốn được bố trí xung quanh Kyiv. Ngũ Giác Đài nói rằng hầu hết các binh sĩ đã di chuyển về phía bắc, mặc dù một số đã băng qua Belarus, nơi họ có thể được tiếp tế và gửi trở lại Ukraine.


Moscow: ‘Không thể chấp nhận được’ các căn cứ của NATO ở Trung Á 

Hôm thứ Năm (31/03), Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết, bất kỳ sự hiện diện quân sự nào của NATO ở Trung Á sẽ làm suy yếu an ninh của khối do Nga dẫn đầu trong khu vực này.

“Chúng tôi cho rằng bất kỳ cơ sở hạ tầng quân sự nào của Hoa Kỳ và NATO, hoặc những người giúp đỡ Afghanistan của họ trên lãnh thổ của các quốc gia láng giềng, đặc biệt là ở Trung Á, là điều không thể chấp nhận được,” ông Lavrov nói trong một hội nghị thượng đỉnh về chủ đề Afghanistan ở Đồn Khê, Trung Quốc, nói thêm rằng “những kế hoạch như vậy đi ngược lại lợi ích an ninh của các quốc gia chúng ta.”


Ý kêu gọi Âu Châu sử dụng hết tất cả đất canh tác

Lãnh đạo của Ý đang thúc giục Âu Châu “canh tác tất cả đất đai sẵn có” như một biện pháp khắc phục để giảm một phần nhập cảng nông sản, đặc biệt là ngũ cốc của Nga, do cuộc chiến ở Ukraine.

Thủ tướng Mario Draghi nói với các phóng viên hôm thứ Năm (31/03) rằng trong khuôn khổ các hoạt động nông nghiệp hiện có ở Liên minh Âu Châu, 10% đất đai đang bị cố ý bỏ hoang, nhưng điều đó hiện phải thay đổi khi các nước Âu Châu tìm cách giảm sự phụ thuộc vào nhập cảng nông sản.

Không rõ liệu Ukraine — một trong những nước xuất cảng lúa mì, ngô và dầu hướng dương lớn nhất thế giới — có thể cứu vãn được mùa gieo trồng này hay không.

Trong thời gian chờ, ông Draghi lưu ý rằng Tây Âu sẽ tìm kiếm các nước sản xuất lương thực như Canada, Hoa Kỳ và Argentina để giúp bù đắp lượng nhập cảng thiếu hụt từ Ukraine và Nga.


20 người thiệt mạng trong cuộc tấn công vào tòa nhà chính phủ ở Mykolaiv

Bộ Tình huống Khẩn cấp Ukraine tuyên bố số người thiệt mạng sau cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga hôm thứ Ba (29/03) vào trụ sở chính quyền khu vực ở thành phố Mykolaiv, miền nam nước này đã tăng lên 20 người.

Theo bộ, lực lượng cứu hộ hiện đã phát hiện 19 thi thể trong đống đổ nát kể từ khi cuộc không kích tàn phá tòa nhà chính phủ này vào sáng thứ Ba. Một người khác đã tử vong tại bệnh viện.

Bộ cho biết các dịch vụ khẩn cấp vẫn đang làm việc tại hiện trường.


Âu Châu muốn có giới hạn mức giá khí đốt với Nga

Thủ tướng Ý Mario Draghi cho biết Âu Châu đang thúc đẩy giới hạn mức giá khí đốt với Nga vì các khoản thanh toán của khối này đang tài trợ cho cuộc chiến ở Ukraine.

Ông Draghi nói với các phóng viên ngoại quốc hôm thứ Năm (31/03) rằng mức giá mà Âu Châu đang chi trả không phù hợp với thị trường toàn cầu.

“Chúng tôi, Đức và Ý, cùng với các nước nhập cảng khí đốt, than, ngũ cốc, ngô khác… đang tài trợ cho chiến tranh. Điều này không có gì phải nghi ngờ,” ông Draghi nói. “Vì lý do này, Ý cùng với các nước khác đang thúc đẩy giới hạn mức giá khí đốt. Không có lý do chính đáng nào mà giá khí đốt đối với người Âu Châu lại cao như vậy.”

Ông Draghi lưu ý rằng Nga không có thị trường nào khác cho khí đốt của nước này, cho phép Âu Châu có năng lực thương thảo. Khi được hỏi về nguy cơ Nga sẽ phản ứng đơn giản bằng cách ngắt nguồn cung ứng, ông Draghi khẳng định, “không, không có nguy cơ đó.”


Anh áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các tổ chức, nhân vật truyền thông của Nga

Anh đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với hơn một chục nhân vật và tổ chức truyền thông Nga bị cáo buộc phổ biến tuyên truyền và thông tin sai lệch về cuộc chiến ở Ukraine.

Nhóm mới nhất bị phong tỏa tài sản và cấm đi lại bao gồm người dẫn chương trình truyền hình Rossiya Sergey Brilev, người trước đây từng sống ở Anh; giám đốc điều hành Gazprom-Media Aleksandr Zharov; và giám đốc điều hành của đài truyền hình RT do Điện Kremlin hậu thuẫn, ông Alexey Nikolov.

Các biện pháp trừng phạt cũng đã được áp dụng đối với các tổ chức truyền thông TV-Novosti, công ty sở hữu RT, và Rossiya Segodnya, công ty kiểm soát hãng thông tấn Sputnik.

Anh cũng cho biết họ đang áp lệnh trừng phạt đối với Thượng tướng Mikhail Mizintsev, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Chỉ huy Quốc phòng Quốc gia Nga, cáo buộc ông này ra lệnh các hành động tàn bạo bao gồm cả cuộc bao vây Mariupol.


Thủ tướng Draghi cho biết Tổng thống Putin đồng ý giữ thanh toán tiền khí đốt bằng đồng euro

Thủ tướng Ý Mario Draghi cho biết Tổng thống Nga đã nói với ông trong một cuộc điện đàm kéo dài 40 phút vào tối hôm thứ Tư (30/03) rằng, các công ty Âu Châu có thể tiếp tục thanh toán cho các hợp đồng năng lượng hiện có bằng đồng euro và đồng dollar.

Ông Draghi cũng chỉ ra rằng Nga vẫn mong muốn giữ cho các khoản thanh toán bằng đồng rúp, nhưng việc chuyển đổi tiền tệ có thể sẽ diễn ra ở Nga. Ông Draghi cho biết ông đang đưa cuộc thảo luận này ra tham vấn với các chuyên gia và quá trình phân tích đang được tiến hành về việc liệu “các công ty Âu Châu có thể tiếp tục trả tiền như dự tính hay không, điều này có ý nghĩa gì với các lệnh trừng phạt đang diễn ra.”

Ông nói: “Việc thay đổi đơn vị tiền tệ thanh toán mà không vi phạm hợp đồng là điều hoàn toàn không đơn giản.”


Tổng thống Ukraine kêu gọi Nghị viện Hà Lan ngừng mọi hoạt động giao thương với Nga

Hôm thứ Năm (31/03), Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đề nghị Nghị viện Hà Lan cung cấp vũ khí, viện trợ tái thiết và ngừng mọi hoạt động kinh doanh với Nga để đáp trả cho cuộc xâm lược đất nước của ông.

Ông nói với các nhà lập pháp qua liên kết video: “Cần phải có các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn để Nga không có cơ hội theo đuổi cuộc chiến này ở Âu Châu. Hãy ngừng mọi hoạt động giao thương với Nga.”

Ông Zelensky, nguyên thủ ngoại quốc đầu tiên trình bày tại một phiên họp toàn thể gồm 150 dân biểu Hạ viện Hà Lan, cho biết Hà Lan phải “sẵn sàng ngừng nhận năng lượng từ Nga để quý vị không chi trả hàng tỷ USD cho chiến tranh.”

Khoảng 20% ​​khí đốt tự nhiên của Hà Lan đến từ Nga, nước ngày càng trở thành đối tác thương mại quan trọng của Hà Lan trong những năm gần đây.

Hà Lan, cùng với các quốc gia EU khác, trong đó có Đức, đang tìm kiếm các nguồn năng lượng khác, nhưng các lựa chọn có thể thay thế ngay có rất ít và nguồn cung toàn cầu thì hạn chế.

Ông Zelensky đề nghị Hà Lan “nhận một thành phố” ở Ukraine để tập trung các nỗ lực tái thiết sau chiến tranh.

Hà Lan đã cung cấp cho quân đội Ukraine trang thiết bị quân sự, bao gồm hỏa tiễn chống tăng và hệ thống phòng không Patriot, đồng thời cũng đang hỗ trợ NATO tăng cường hiện diện dọc theo sườn phía đông của liên minh quân sự này.

Cho đến nay, Hà Lan đã không thể phong tỏa hoặc thu giữ hàng chục tỷ euro (dollar) tài sản của Nga được đăng ký tại Hà Lan một cách hiệu quả, do cấu trúc thuế phức tạp khiến việc xác định chủ sở hữu cuối cùng của các công ty và tài sản trở nên khó khăn.

Bộ Tài chính Hà Lan đã gửi một lá thư đến nghị viện hôm 22/03, cho biết 392 triệu euro (431.24 triệu USD) tài sản và giao dịch của Nga đã bị phong tỏa theo các lệnh trừng phạt của EU áp đặt kể từ khi cuộc xâm lược bắt đầu vào ngày 24/02.


Áo ban bố tình trạng khẩn cấp về khí đốt

Chính phủ Áo đã ban bố cảnh báo giai đoạn một liên quan đến việc cung cấp khí đốt tự nhiên, ngay sau khi Đức làm điều tương tự hôm thứ Tư (30/03). Vienna đã thực hiện hành động này vì lo sợ thiếu hụt nếu Nga đòi thanh toán bằng đồng rúp thay vì dollar hoặc euro do các lệnh trừng phạt của phương Tây.


Nga sẽ tuyển 134,500 lính nghĩa vụ

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một nghị định về đợt trưng binh mùa xuân, với 134,500 lính nghĩa vụ mới sẽ được bổ sung vào quân đội Nga trong bối cảnh đất nước đang giao tranh với Ukraine.

Cả ông Putin và Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đều nói rằng lính nghĩa vụ sẽ không tham gia chiến dịch ở Ukraine. Tuy nhiên, hồi đầu tháng, quân đội Nga thừa nhận rằng một số lính nghĩa vụ đã đến Ukraine và thậm chí bị bắt ở đó.

Nghị định được ký hôm thứ Năm (31/03) phác thảo đợt trưng binh sẽ bắt đầu vào ngày 01/04 và kéo dài đến hết ngày 15/07.


Moscow ra lệnh cấm nhu liệu ngoại quốc 

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thông qua một sắc lệnh cấm mua nhu liệu (software) ngoại quốc để sử dụng trong các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng của các cơ quan nhà nước cũng như các tổ chức bán chính phủ, một nỗ lực rõ ràng là nhằm khiến cho đất nước đỡ bị tổn thất hơn trước các lệnh trừng phạt của phương Tây và các cuộc tấn công mạng tiềm năng.

Có hiệu lực từ thứ Năm (31/03), sắc lệnh chỉ cho phép mua nhu liệu ngoại quốc cho các mục đích cơ sở hạ tầng quan trọng nếu được “một cơ quan hành pháp liên bang được Chính phủ Liên bang Nga ủy quyền hợp pháp” cho phép. Ngoài ra, bất kỳ cơ quan chính phủ hoặc khách hàng nào cũng phải loại bỏ dần việc sử dụng nhu liệu ngoại quốc trên các hệ thống nhạy cảm của họ trước năm 2025.


Tổng thống Zelensky trình bày trước Nghị viện Úc: Nga phải chịu trách nhiệm

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trình bày trước Nghị viện Úc hôm thứ Năm (31/03) rằng Nga phải chịu trách nhiệm về những sai trái trong quá khứ, đồng thời cảnh báo rằng thất bại trong việc trừng phạt Moscow có thể khuyến khích các nước khác tiến hành chiến tranh nhằm vào các nước láng giềng của họ.

Ông Zelensky kêu gọi các biện pháp trừng phạt mới và cứng rắn hơn để đáp trả việc Nga xâm lược Ukraine và cho rằng nhiều năm thất bại trong việc kiềm chế cường quốc thế giới này đã khuyến khích Moscow.

“Nếu chúng ta không ngăn chặn Nga ngay bây giờ, nếu chúng ta không quy trách nhiệm cho Nga, thì một số quốc gia khác trên thế giới đang mong chờ một cuộc chiến tương tự nhằm vào các nước láng giềng của họ sẽ quyết định rằng họ cũng có thể làm những điều như vậy,” ông Zelensky cho biết trong một video, theo một bản dịch chính thức. Ngồi tại bàn làm việc với chiếc áo phông kaki của mình, ông Zelensky không nói rõ quốc gia nào mà ông lo ngại sẽ lấy cảm hứng từ Nga.

Úc và các đồng minh ở phương Tây đã nêu lên lo ngại về việc Trung Quốc có những ngôn từ ngày càng gây hấn liên quan đến Đài Loan, quốc gia mà nước này tranh cãi về sự độc lập của họ.


Tình báo quân sự Anh tuyên bố Nga tiếp tục tấn công bằng pháo kích, hỏa tiễn ở Chernihiv

Các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và pháo kích của Nga đã tiếp tục diễn ra ở Chernihiv, bất chấp các tuyên bố của Nga cho thấy dự định cắt giảm các hoạt động quân sự xung quanh khu vực này, tình báo quân sự Anh tuyên bố hôm thứ Năm (31/03).

Bộ Quốc phòng Anh cho biết trong một tuyên bố: “Các lực lượng Nga tiếp tục giữ các vị trí ở phía đông và phía tây của Kyiv mặc dù một số lượng hạn chế các đơn vị đã rút lui. Giao tranh quyết liệt có thể sẽ diễn ra ở các vùng ngoại ô của thành phố trong những ngày tới.”

Bộ cho biết giao tranh dữ dội tiếp tục diễn ra ở Mariupol, một mục tiêu quan trọng của quân đội Nga, đồng thời tuyên bố rằng quân đội Ukraine vẫn kiểm soát trung tâm thành phố.


Google: Tin tặc Nga nhắm vào NATO, quân đội các nước Đông Âu 

Gần đây các tin tặc Nga đã cố gắng xâm nhập vào các mạng lưới của NATO và quân đội của một số nước Đông Âu, Nhóm Phân tích Mối đe dọa của Google tuyên bố trong một báo cáo được công bố hôm thứ Tư (30/03).

Báo cáo không cho biết quân đội của những nước nào đã bị nhắm đến trong những gì Google mô tả là “chiến dịch lừa đảo thông tin xác thực” do một nhóm có trụ sở tại Nga có tên là Coldriver, hoặc Callisto tiến hành.

Báo cáo cho biết: “Các chiến dịch này được gửi đi bằng tài khoản Gmail mới được tạo đến các tài khoản không phải của Google, vì vậy tỷ lệ thành công của các chiến dịch này là không xác định.”

Nga, hiện đang chịu các lệnh trừng phạt kinh tế nặng nề của phương Tây sau quyết định xâm lược Ukraine vào ngày 24/02, thường xuyên phủ nhận cáo buộc thực hiện các cuộc tấn công mạng nhằm vào các mục tiêu phương Tây.

Năm 2019, công ty an ninh mạng F-Secure Labs của Phần Lan đã mô tả Callisto là một tác nhân đe dọa tân tiến và không xác định “quan tâm đến việc thu thập thông tin tình báo liên quan đến chính sách ngoại giao và an ninh” ở Âu Châu.

Nhóm này cũng nhắm đến một Trung tâm Tư vấn (Centre of Excellence) của NATO, báo cáo hôm thứ Tư của Google cho biết mà không nêu rõ chi tiết.

Trong một tuyên bố, NATO không đề cập trực tiếp đến báo cáo của Google nhưng cho biết: “Chúng tôi chứng kiến hoạt động mạng độc hại hàng ngày.”

“Các Trung tâm Tư vấn của NATO làm việc cùng với Liên minh nhưng họ không phải là một phần của NATO. Chúng tôi đang liên lạc với họ về vấn đề này,” tuyên bố cho biết.


TASS: Georgia cho biết cuộc trưng cầu dân ý của khu vực ly khai của nước này về việc gia nhập Nga là ‘không thể chấp nhận được’ 

Hãng thông tấn TASS đưa tin hôm thứ Năm (31/03) cho biết, Ngoại trưởng Georgia David Zalkaliani cho biết cuộc trưng cầu dân ý về việc gia nhập Nga ở khu vực ly khai Nam Ossetia của Georgia là không thể chấp nhận được.

Hôm thứ Tư (30/03), tổng thống ly khai của Nam Ossetia cho biết lãnh thổ này sẽ thực hiện các bước trong tương lai gần để trở thành một phần của Nga — nước đã công nhận vùng này là độc lập, cung cấp cho họ sự trợ giúp tài chính rộng rãi, cung cấp cho người dân hộ chiếu Nga và đóng quân ở đó.


Giám đốc tình báo Anh cho biết lính Nga không tuân mệnh ở Ukraine

Giám đốc Trụ sở Truyền thông Chính phủ (GCHQ) Jeremy Fleming tham dự một sự kiện đánh dấu một trăm năm của GCHQ, Cơ quan Tình báo, An ninh và Mạng của Anh Quốc, tại Watergate House ở London hôm 14/02/2019. (Ảnh: Niklas Halle’n/AFP/Getty Images)

Những người lính Nga bị sa sút tinh thần ở Ukraine đã từ chối thực hiện mệnh lệnh, họ phá hoại thiết bị của họ và đã vô tình bắn rơi phi cơ của chính họ, một giám đốc tình báo Anh cho biết hôm thứ Năm (31/03).

Ông Jeremy Fleming, người đứng đầu cơ quan gián điệp điện tử GCHQ, đã đưa ra nhận xét này trong một bài diễn văn trình bày ở thủ đô Canberra của Úc.

Ông nói, Tổng thống Nga Vladimir Putin rõ ràng đã “đánh giá sai” về cuộc xâm lược này.

“Rõ ràng là ông ấy đã đánh giá sai về khả năng kháng cự của người dân Ukraine. Ông ấy đánh giá thấp sức mạnh của liên minh mà hành động của ông ấy sẽ kích phát. Ông ấy đã đánh giá thấp những hậu quả kinh tế của cơ chế trừng phạt, và ông ấy đã đánh giá quá cao khả năng của quân đội mình trong việc đạt được một chiến thắng nhanh chóng,” ông Fleming cho hay.

Ông Fleming cho biết thêm: “Chúng tôi đã thấy những người lính Nga thiếu vũ khí và nhuệ khí, từ chối thực hiện mệnh lệnh, phá hoại thiết bị của họ và thậm chí vô tình bắn hạ phi cơ của họ.”

Related posts