Tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu
Thoại bất đầu cơ bán cú đa
Rượu gặp trí âm ngàn chén ít
Lời không hợp ý nửa câu nhiều
Quán cà phê chiều nay vắng khách chỉ có anh, nàng và hai sinh viên mắt gắn vào máy tính. Nàng thì thầm: “Em hỏi cái này nhưng anh đừng cười!”
Anh hiền lành: “Nếu anh biết sẽ trả lời cho em!”
Nàng thành thật: “Anh hãy nhìn qua bên kia đường có hai cặp vợ chồng đang đi bộ vui vẻ nói chuyện với nhau kìa”
Anh gật đầu, không nói gì lặng lẽ để nàng nói tiếp: “Đó là vợ chồng ông A bà B sống gần nhà em và ông C bà D ở xóm ông Chánh. Họ vừa là bạn hàng buôn bán, cũng là bạn thân thiết với nhau. Ngày nào sau giờ làm việc họ đều hẹn gặp đi bộ, xem ca nhạc, phim ảnh hay ăn tối cùng nhau.
Em bữa trước nghe ông chú Tám nói giọng ngưỡng mộ: “Họ là những người bạn thân tri kỷ khó kiếm trên đời này!”
Nàng ngừng lại hạ giọng: “Tri kỷ nghĩa là gì vậy anh? Chữ này từ đâu ra mà em chưa từng nghe qua.”
Anh nhìn nàng nhưng không ngạc nhiên bởi thế hệ trẻ như nàng sau này học theo lối giáo dục cưỡng chế. Anh nhớ một lần tình cờ xem TV lúc uống bia với người bạn trong; chương trình “Ai là triệu phú” hỏi một giáo sư đại học về nhóm Tự Lực Văn Đoàn là gì? Cô trả lời là một gánh hát! Anh lúc đó cùng bạn ngồi sững sờ, tủi hổ cho kiến thức hạn chế của thế hệ hiện tại.
Anh nhẹ nhàng với nàng: “Để anh kể em nghe một trong những câu chuyện xa xưa bên Trung Quốc thời Xuân Thu khoảng bảy trăm năm trước Công Nguyên.”
Nàng cầm tay anh cắt ngang: “Xin lỗi, Công Nguyên là gì vậy anh?”
Anh từ tốn: “Người làm lịch, viết sách dùng mốc thời gian năm Đức Chúa Jesus sanh ra. Bên Tây phương hay dùng BC nghĩa là Before Christ.”
Nàng ồ lên: “Hoá ra là vậy! Anh kể tiếp đi, em hứa không hớt lời nữa đâu!”
Anh cười: “Có sao đâu! Cái gì không biết cứ hỏi! Anh biết sẽ trả lời nếu không về Mỹ anh đi tìm sách đọc (thời lúc đó chưa có Google).
Anh tiếp tục: “Có người làm quan bên nước Tấn tên Bá Nha thích đánh đàn. Ông tình cờ làm quen với một người tiều phu nước Sở tên Tử Kỳ biết nghe đàn hiểu thấu đáo tâm sự. Sau này Tử Kỳ mất sớm Bá Nha đập gãy cây đàn quyết lòng không đánh nữa vì ‘Đời không có tri kỷ giữ đàn có ý nghĩa gì!’ Từ đó tạo nên huyền thoại Bá Nha Tử Kỳ cùng câu thơ vượt thời gian. Nếu có tri kỷ uống ngàn ly rượu cũng không say. Nếu nói chuyện với người không hợp, nữa lời cũng quá nhiều.”
Nàng ngạc nhiên: “Sao anh biết nhiều dù chỉ hơn em sáu tuổi!”
Anh giọng trầm: “Hồi nhỏ anh ham đọc sách lắm. Vớ cuốn nào là đọc không nghĩ! Sau năm 1975, nhà nước cấm đoán sách cũ ngày xưa nhưng anh vẫn đọc lén. Qua bên kia tự do hơn nên anh thường mượn sách thư viện về đọc.”
Tình cảm giữa anh và nàng bắt đầu như vậy! Giòng đời tiếp tục trôi không ngừng lại. Con người già đi theo ngày tháng không có sự chọn lựa! Tuổi trẻ lớn lên thành chồng vợ, thành cha mẹ có con cháu như đấng sanh thành đi trước.
Rồi một mùa xuân nhiều tuyết phủ nằm bên nhau trong khách sạn ở Boston nàng kể chuyện: “Anh nhớ câu chuyện ông bà A B và C D?”
Anh bao nhiêu năm qua vẫn vậy! Chỉ im lặng chờ nàng kể tiếp: “Bà B mười năm trước được nhận visa một mình đi qua Pháp để giúp con gái là bạn thân của em một tay lo cho hai cháu ngoại. Đủ lời đồn đoán ông A không được cấp visa hay ông không thích rời quê hương! Bạn em nói ông không thích đi, muốn ở lại. Nhưng từ đó ông buồn lủi thủi một mình, mỗi buổi chiều đi dọc những căn phố dĩ vãng.”
Anh cắt ngang: “Vậy vợ chồng ông bà C D đâu rồi?”
Nàng giọng buồn: “Bà D mất một năm trước đó. Một tuần sau ông C cũng đi theo trong giấc ngủ không mộng mị.”
Anh khen: “Wow đúng là một cặp bạn đời tri kỷ!”
Nàng gật đầu: “Bạn đời tri kỷ nhưng đến lúc gần đất xa trời mới biết phải không anh?”
Anh trả lời nàng đọc câu thơ:
Nghĩ chuyện đời xưa, ngẫm chuyện nay
Ai người tri kỷ ai là ai?
Nàng ôm anh: “Ai trong chúng ta đều mong lớn lên lấy người phối ngẫu là người bạn đời tri kỷ phải không anh?”
Anh nhẹ nhàng: “Với anh, hai trái tim từ hai con người, nếu chịu chia sẻ buồn vui sang hèn là đủ. Tri kỷ cùng một tấm lòng lo lắng, cầm tay nhau đi đến cuối cuộc đời. Vài giọt nước mắt thành tâm không thẹn với lòng cho người không may ‘đi’ trước là đủ rồi!”
Nàng khuôn mặt vui lên tiếp tục kể: “Nhưng chuyện của ông bà A B chuyển sang phức tạp hơn!”
Anh mắt mở to ngạc nhiên khi nghe nàng giải thích: “Ông A buồn cô đơn nên uống rượu say sưa. Một buổi chiều ông đang đi bộ bị tai nạn do một người say rượu khác lái xe máy tông chết.”
Anh sững sốt: “Tội nghiệp ông!”
Nàng tiếp: “Bà B bay về làm tang ma cho ông cùng con cháu rồi bay qua bên Pháp. Từ đó không còn về thăm quê hương nữa. Sáu năm sau đó bà mất ở xứ người. Di chúc bà ghi lại là mong muốn thân xác hỏa táng rải xuống biển một năm sau để dòng thủy lưu đem bà về quê nhà.”
Anh gật đầu: “Đúng là câu chuyện tình yêu thật đẹp.”
Nàng cầm tay anh lắc đầu: “Nhưng không hiểu sao nhiều lời đồn thất thiệt về tình cảm bà B đối với ông A nên em hỏi bạn! Bạn thành thật kể cho em nghe ngày xưa gia đình bà B mẹ bạn nghèo nên phải lấy ông A. Bà B giấu kín mối tình đầu với người con trai nơi quê cũ lớn lên cùng bao lời hứa hẹn. Người đó bỏ quê vào Nam làm đồn điền cao su khi bà làm đám cưới. Ông bị rừng thiêng, nước độc cướp đi sinh mạng, ăn sâu vào tâm tư nên bà B không quên! Tuy vậy bà vẫn làm trọn vẹn bổn phận người vợ người mẹ bà ngoại cho chồng con cháu. Nhưng đến ngày bà xuôi tay, điều mong ước cuối đời là xác thân được trôi về quê hương. Trở về với ngôi làng xưa, về sum họp bên người tình mà bà ghi đậm trên di chúc “Người bạn đời tri kỷ không ai thay thế được.”
Thơ thay phần cuối
Đối ẩm đôi vần khảm bút trao
Đàm thơ mượn gió ngữ tuôn trào
Dương cầm mộng nhớ người tri kỷ
Dệt áng tơ lòng nghẹn ý trao (G. H.)
Đặng Duy Hưng