Tin VN sáng thứ Tư: 305 người gặp nạn trên biển được đưa vào Vũng Tàu

305 người gặp nạn trên biển được đưa vào Vũng Tàu

Những người Sri Lanka phản đối việc đưa họ về bờ. (Ảnh: Đông Hà/Tuổi Trẻ).

Sau 4 ngày lênh đênh trên biển do sự cố hỏng tàu, tối 8/11, 305 người mang quốc tịch Sri Lanka đã được lực lượng chức năng Việt Nam hỗ trợ đưa vào đất liền.

Theo ghi nhận của Zing, 20h ngày 8/11, tàu của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 và Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 3 (TP. Vũng Tàu) đã cập bến, đưa 305 công dân Sri Lanka gặp nạn trên biển vào đất liền an toàn.

Sức khỏe các nạn nhân ổn định, được lực lượng chức năng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tiếp nhận. Họ được đưa đến các điểm lưu trú của quân đội tại TP. Vũng Tàu, huyện Đất Đỏ và huyện Xuyên Mộc.

Tin cũng cho biết các nạn nhân được chăm sóc sức khỏe, ăn uống, nghỉ ngơi đến khi hoàn tất thủ tục xuất cảnh về nước.

Trước đó, chiều 6/11, tàu “LADY R3” (quốc tịch Myanmar) chở 305 công dân người Sri Lanka đến Canada thì bị phá nước và chìm dần ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. 

Ngay khi nhận được tín hiệu cấp cứu và yêu cầu, ngành chức năng Việt Nam đã phát yêu cầu đề nghị các tàu đi ngang qua quần đảo Trường Sa cứu người.

Chiều 7/11, tàu chuyên chở ô tô Helios Leader (quốc tịch Nhật Bản) trên đường từ Nhật Bản đi Singapore phát hiện và cứu toàn bộ 305 công dân Sri Lanka. 

Sau đó, tàu Helios Leader đưa họ về vùng biển Vũng Tàu để bàn giao cho cơ quan chức năng Việt Nam.

Hội An

Buôn lậu 200 triệu lít xăng dầu: Đại gia nói ân hận vì không tìm hiểu nguồn gốc hàng hóa

Bị cáo Lê Thanh Trung (ảnh: Thanh Niên).

Tại phiên tòa xét xử ‘vụ án buôn lậu 200 triệu lít xăng dầu’ sáng 8/11, bị cáo Lê Thanh Trung (39 tuổi), đại gia xăng dầu ở TP. Cần Thơ nói ân hận vì tham lam, ham lợi nhuận mà không tìm hiểu kỹ nguồn gốc hàng hóa.

Theo cáo trạng, trong khoảng thời gian từ năm 2017 – 2018, Lê Thanh Trung cùng Lương Đình Tiến (nguyên Phó giám đốc Công ty xăng dầu Long An, cũng bị truy tố trong vụ án này) góp vốn thành lập 4 công ty để hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực xăng dầu.

Từ năm 2020, bị cáo Nguyễn Hữu Tứ (người tiêu thụ 161 triệu lít xăng do “ông trùm” Phan Thanh Hữu nhập lậu từ Singapore về Việt Nam) liên hệ và đặt vấn đề bán xăng cho Lê Thanh Trung với giá thấp hơn giá xăng bán lẻ của Petrolimex, thì Trung đồng ý. Ngoài ra, Tứ còn thuê kho Nam Phong (tại Long An) của bị cáo Trung để chứa xăng lậu.

Cáo trạng cáo buộc từ tháng 3/2020 – 2/2021, Lê Thanh Trung giúp Nguyễn Hữu Tứ quản lý, mua bán 101 triệu lít xăng lậu, thu lợi gần 56 tỉ đồng. Sau khi trừ chi phí vận chuyển, nhân công, thuê kho… số tiền còn lại là 44 tỉ đồng.

Tại phiên tòa, bị cáo Lê Thanh Trung cơ bản đồng ý với cáo trạng truy tố, chỉ còn thắc mắc một số điểm nhỏ.

Cụ thể, bị cáo cho rằng giữa Trung và Tứ là mối quan hệ khách hàng. Một bên có kho cho thuê, một bên thuê kho trả tiền, chứ giữa 2 người không có thỏa thuận gì; số tiền chiết khấu mỗi lít xăng mà khách hàng tới nhận là Trung thu của Tứ, không phải thu từ khách hàng của Tứ. Do đó, Trung không đáng bị tình tiết tăng nặng như cáo trạng truy tố.

Đối với việc tham gia buôn lậu xăng, bị cáo Trung khai: “Bị cáo thừa nhận hành vi của mình là sai phạm. Do lúc đó bị cáo nghĩ việc mua hàng không có hóa đơn chứng từ chỗ Tứ và việc mua bán diễn ra trong nội địa chỉ là sai phạm hành chính. Khi làm việc với CQĐT, được giải thích bị cáo mới biết hàng nhập lậu”.

“Bây giờ bị cáo rất ân hận. Vì tham lam, ham lợi nhuận, mà bị cáo đã không tìm rõ kỹ nguồn gốc hàng hóa”, bị cáo Trung trình bày.

Theo cáo trạng, tháng 5/2019, bị cáo Phan Thanh Hữu cùng nhóm của Đào Ngọc Viễn thỏa thuận góp vốn để nhập lậu xăng dầu với tổng số vốn hai đợt 53,4 tỉ đồng. Trong số đó, Hữu góp 40%, nhóm của Viễn góp 60% (Viễn góp 10%, 3 người khác góp 50%), ăn chia theo tỉ lệ 4-6.

Viễn là người giới thiệu và đưa danh thiếp chủ hàng ở Singapore cho Hữu liên hệ mua hàng. Hữu có nhiệm vụ tìm kiếm khách hàng để bán xăng nhập lậu và quan hệ với các lực lượng chức năng để đưa hối lộ.

Từ tháng 3/2020 đến tháng 2/2021, Hữu cùng đồng phạm đã vận chuyển 48 chuyến với hơn 197 triệu lít xăng, tổng trị giá hơn 2.596 tỉ đồng. Riêng bị cáo Hữu hưởng lợi hơn 156,2 tỉ đồng.

Hội An

Gia Lai: Điều tra vụ chi hàng tỷ đồng tiếp khách của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh

Trụ sở Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Gia Lai. (Ảnh: phapluatplus.vn)

Công an tỉnh Gia Lai đang tiếp tục điều tra, làm rõ việc Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh này dùng hàng tỷ đồng để tiếp khách ngoài tỉnh không đúng quy định.

“Ngoài chuyển hồ sơ Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh chi trùng 7 biên chế (số tiền 2,3 tỷ đồng) sang VKS và tòa án, việc tiếp khách ngoài tỉnh với số tiền nhiều tỷ đồng, công an đang cho kiểm tra vấn đề này”, báo Tiền Phong dẫn lời một lãnh đạo công an tỉnh nói.

Quá trình điều tra sai phạm, công an Gia Lai đã kiểm tra hơn 1.000 bộ hóa đơn; điều tra tại 61 tỉnh thành để xác minh hóa đơn chi tiêu tiếp khách từ năm 2013-2016.

Theo báo Công Thương, số tiền mà các cán bộ Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Gia Lai tiếp khách ngoài tỉnh sai quy định là hơn 3 tỷ đồng.

Theo hồ sơ tài liệu, giai đoạn 2013-2016, 3 cán bộ gồm bà Nguyễn Thị Lựu, ông Nguyễn Thế Quang và ông Vũ Tiến Anh (hiện là Chánh văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Gia Lai) đã có nhiều vi phạm, khuyết điểm trong việc tiếp khách không đúng tiêu chuẩn, đối tượng, nguồn kinh phí; hợp thức hóa việc mua quà tết trái quy định; sử dụng bừa bãi kinh phí phục vụ hoạt động đối ngoại… với tổng số tiền sai phạm hơn 11,2 tỷ đồng.

Trong đó, phần sai phạm của ông Quang và bà Lựu lên tới 10,7 tỷ đồng. Sau đó, ông Quang, bà Lựu nộp lại 8 tỷ đồng (mỗi người 4 tỷ đồng), ông Vũ Tiến Anh nộp lại 400 triệu đồng để khắc phục hậu quả.

Vào ngày 2/11, TAND tỉnh Gia Lai đưa vụ án “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Gia Lai ra xét xử về việc cơ quan này chi trùng 7 biên chế, gây thiệt hại 2,3 tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, đến thời gian diễn ra phiên tòa xét xử, bất ngờ luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Tôn Nữ Huyền Vi có đơn xin hoãn phiên tòa.

Ông Võ Văn Bình, Thẩm phán TAND tỉnh Gia Lai sau đó đã ký thông báo hoãn phiên tòa.

Phạm Toàn (Trí Thức VN)

Dự đám tang của người bị ngộ độc rượu, 14 người phải cấp cứu nghi cũng do rượu

Đoàn công tác của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Kiên Giang phối hợp với Trung tâm Y tế huyện An Biên tới lấy thông tin để điều tra vụ ngộ độc thực phẩm. (Ảnh: baokiengiang.vn)

Sau khi dự đám tang của một người mất vì ngộ độc rượu, 14 người tại Kiên Giang phải nhập viện cấp cứu, nghi ngờ cũng bị ngộ độc rượu.

Sáng ngày 8/11, tiếp nhận bệnh nhân từ Trung tâm Y tế huyện An Biên, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang cho biết các bác sĩ đang điều trị cho 14 người nhập viện cấp cứu trong tình trạng có biểu hiện ngộ độc methanol – cồn công nghiệp. Trong đó, 3 người đang rất nguy kịch, phải hỗ trợ tim phổi nhân tạo.

UBND xã Nam Yên (huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang) cho biết ngày 1/11, tại địa phương có xảy ra vụ tử vong do ngộ độc rượu. Người bị nạn là ông N.V.T. (quê Cà Mau), cùng vợ ở trọ tại ấp Ba Biển, xã Nam Yên, tỉnh Kiên Giang.

Khoảng 4h ngày 2/11, ông T. thấy hơi mệt, nặng ngực, mắt mờ nên đến trạm y tế khám, sau đó được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau, tử vong trên đường chuyển viện. Bệnh viện chẩn đoán ông T. tử vong nghi do ngộ độc rượu.

Theo điều tra của Trung tâm Y tế huyện An Biên, trước đó ông T. có nhậu cùng với 7 người tại nơi tạm trú, sử dụng rượu mua ở địa phương nhưng chưa xác định được rượu mua của ai do các ông này đã nhập viện điều trị.

Đám tang ông T. kéo dài trong 4 ngày, từ ngày 2 đến ngày 5/11, có khoảng 150 lượt khách đến viếng và gia đình có đãi các món ăn cùng khoảng 100 lít rượu trắng. Qua sáng ngày 6/11, nhiều người có biểu hiện ngộ độc với các triệu chứng chóng mặt, co giật, mờ mắt, đau ngực, khó thở, được đưa đến Trung tâm y tế huyện An Biên cấp cứu.

Sau 2 ngày điều trị, một số người hồi phục ổn định được cho về, có 14 trường hợp phải nhập viện điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang, trong đó có 3 trường hợp nguy kịch, 2 trường hợp nặng.

Số rượu sử dụng trong đám tang được mua tại 2 điểm bán trong xã. Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Kiên Giang hiện phối hợp với Trung tâm y tế huyện An Biên và các cơ quan chức năng huyện điều tra vụ ngộ độc tập thể nói trên.

Thạch Lam (Trí Thức VN)

UBND TP. Kon Tum ‘nắn’ quy hoạch cho biệt phủ của vợ bí thư thành ủy có 4 mặt tiền

Lô đất bốn mặt tiền của bà Nguyễn Thị Ánh (vợ ông Lê Đình Quang – Bí thư Thành ủy TP. Kon Tum thời điểm năm 2011). (Ảnh: Chụp từ Google maps).

UBND TP. Kon Tum tiếp tục bị Thanh tra Chính phủ kết luận có dấu hiệu cố ý làm đường sai vị trí, tạo điều kiện để thửa đất của vợ cựu bí thư thành ủy có 4 mặt tiền với vị trí, lợi thế đặc biệt. Trên khuôn viên hơn 3.700 m2, một căn biệt phủ lớn đã được hoàn thành với tường rào, cây cối che phủ.

Ngày 7/11, ông Trần Văn Minh – Phó tổng Thanh tra Chính phủ đã ký thông báo công khai Kết luận thanh tra số 1595/KL-TTCP về việc thực hiện pháp luật quản lý, sử dụng đất đai và quản lý, đầu tư xây dựng tại tỉnh Kon Tum.

Trong đó, đáng chú ý nhất là việc cơ quan thanh tra tiếp tục khẳng định UBND TP. Kon Tum có dấu hiệu cố ý làm trái quy định, làm đường sai vị trí để thửa đất của bà Nguyễn Thị Ánh (vợ ông Lê Đình Quang – Bí thư Thành ủy TP. Kon Tum thời điểm năm 2011) có bốn mặt tiền với vị trí đặc biệt thuận lợi.

Năm 2011, TP. Kon Tum có chủ trương xây dựng tuyến đường theo quy hoạch phường Ngô Mây để tạo quỹ đất đấu giá nhưng UBND TP. đã không thu hồi lô đất của bà Ánh theo chủ trương đã được duyệt. Thực tế, bà Ánh được sử dụng đất và hưởng lợi từ việc đầu tư tuyến đường (số 2 và số 3) hình thành lên thửa đất có hai mặt tiền.

Sau đó, cũng trong năm 2011, UBND thành phố ban hành Quyết định số 2661 phê duyệt Báo cáo kinh tế – kỹ thuật xây dựng công trình đường phường Ngô Mây. Trong đó, vị trí đường số 11, 12 sai vị trí so với đồ án quy hoạch xây dựng khu vực phía Tây suối Đắk Tod Rech. Song UBND TP. Kon Tum vẫn ban hành các quyết định thu hồi diện tích 280,5 m2 của bà Nguyễn Thị Ánh để làm đường giao thông. Điều này thể hiện sự tùy tiện, tạo điều kiện để thửa đất của bà Ánh có 4 mặt tiền như hiện nay với vị trí, lợi thế đặc biệt.

Theo cơ quan thanh tra, hành động trên đã “thể hiện sự tùy tiện, tạo điều kiện để thửa đất của bà Ánh có 4 mặt tiền như hiện nay với vị trí, lợi thế đặc biệt“.

“UBND TP. Kon Tum có dấu hiệu cố ý làm trái quy định, làm đường sai vị trí để thửa đất của bà Nguyễn Thị Ánh có bốn mặt tiền. UBND TP. Kon Tum ban hành phương án 12 để hợp thức hóa (chuyển mục đích sử dụng đất, cấp phép xây dựng) cho việc xây dựng không phép trên đất nông nghiệp” – thông báo kết luận thanh tra nêu rõ.

Ngoài ra, khi tính tiền sử dụng đất để chuyển đổi mục đích sử dụng đất ở, theo quy định tổng số tiền phải nộp khi chuyển mục đích 500m2 là 159 triệu đồng. Nhưng trên thực tế, cơ quan thuế địa phương này chỉ tính tiền sử dụng đất là 35 triệu đồng là sai. Vì vậy, cần phải yêu cầu bà Ánh nộp bổ sung 124 triệu đồng về tài khoản tạm giữ của Thanh tra Chính phủ.

Cũng theo kết luận thanh tra, việc phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị tại TP. Kon Tum còn tùy tiện, vi phạm quy định pháp luật. Việc cấp giấy phép xây dựng còn vi phạm luật xây dựng, buông lỏng quản lý đất đai và quản lý trật tự xây dựng, để xảy ra tình trạng phân lô bán nền trái pháp luật; công dân sử dụng đất sai mục đích…

Liên quan đến kết luận của Thanh tra Chính phủ, ngày 7/3/2022, ông Lê Đình Quang trả lời trên báo Tiền Phong khẳng định ông không tác động và có văn bản chỉ đạo nào liên quan đến quy hoạch để gia đình có lô đất 4 mặt tiền nằm ở vị trí đắc địa như hiện nay.

Đến nay, thửa đất bốn mặt tiền của bà Ánh đã xây dựng biệt phủ khang trang, khuôn viên rộng rãi, thoáng đãng, xung quanh được xây tường rào cao bịt kín.

Công trình biệt phủ trên từng bị Thanh tra Chính Phủ kết luận sai phạm về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị thuộc tỉnh Kon Tum tại Kết luận thanh tra số 222/KL-TTCP công bố hồi tháng 3/2022.

Ông Quang trước khi được bổ nhiệm làm Bí thư Thành ủy Kon Tum từng giữ các chức Chánh Văn phòng Công an tỉnh Kon Tum, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Kon Tum.

Khánh Vy (Trí Thức VN)

Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai: ‘Thiếu thốn tài chính trầm trọng’

Hà NộiGiám đốc Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ, sau hai năm tự chủ toàn diện, tác động từ các vụ án… bệnh viện lâm vào tình trạng kiệt quệ tài chính, ảnh hưởng điều trị bệnh nhân.

Trưa 8/11, một ngày sau khi Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho phép Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K dừng tự chủ toàn diện theo Nghị quyết 33, thực hiện tự chủ theo Nghị định 60, PGS.TS Đào Xuân Cơ – Giám đốc Bạch Mai, cho rằng đây là quyết định rất hợp lý bởi đơn vị đang thiếu thốn trầm trọng sau hai năm thí điểm tự chủ toàn diện.

Bạch Mai là bệnh viện tuyến cuối tại miền Bắc và là một trong 4 bệnh viện cả nước thí điểm tự chủ toàn diện theo Nghị quyết 33 (nhóm một). Ba bệnh viện còn lại là Chợ Rẫy, Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện K.

Nghị quyết 33 giao các bệnh viện tự chủ toàn diện, tức được quyết định giá dịch vụ y tế, dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu theo khung giá được Bộ Y tế ban hành; kê khai, công khai giá theo quy định pháp luật. Bên cạnh đó, các bệnh viện quyết định quy mô, lựa chọn phát triển các chuyên ngành mũi nhọn, thực hiện mô hình như doanh nghiệp, có hội đồng quản lý gồm 7 đến 11 người… mà không cần thông qua Bộ Y tế.

Bệnh viện Bạch Mai thực hiện tự chủ tài chính toàn diện từ đầu năm 2020, song dịch Covid-19 bùng phát khiến bệnh viện bị phong tỏa từ cuối tháng 3 cùng năm. Trong suốt hai năm đại dịch vừa qua, bệnh viện hỗ trợ chống dịch trên khắp cả nước. Số lượng người bệnh đến khám giảm mạnh do dịch bệnh, nguồn thu sụt giảm 50%.

Bệnh viện còn liên quan đến một số vụ án, đặc biệt là quá trình liên doanh, liên kết lắp đặt 11 máy (gồm hệ thống chụp cắt lớp, robot phẫu thuật, máy nội soi…) bị xác định có dấu hiệu phạm tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; vụ án cựu giám đốc nâng khống giá thiết bị y tế. Do đó nhiều máy móc thiết bị hiện đại, đắt tiền bị niêm phong phục vụ điều tra.

Hồi tháng 8, Bạch Mai xin dừng thí điểm tự chủ toàn diện theo Nghị quyết 33 của Chính phủ, chuyển sang thực hiện tự chủ theo Nghị định 60, tức chỉ tự chủ chi thường xuyên.

Nghị định 60 chia các bệnh viện thành 4 nhóm tự chủ, gồm: nhóm một tự chủ toàn diện; nhóm hai tự chủ chi thường xuyên; nhóm ba tự chủ một phần chi thường xuyên; nhóm bốn nhà nước đảm bảo 100% chi thường xuyên. Ông Cơ cho rằng Nghị định 60 rất linh hoạt, cho phép đơn vị sự nghiệp công lập xem xét thực hiện theo nhóm nào và Bạch Mai đang trình xin hoạt động theo nhóm hai “tự chủ chi thường xuyên thôi”.

Giải thích rõ hơn, ông nói rằng tự chủ theo nhóm hai, bệnh viện chỉ chi thường xuyên (như lương) và vẫn được ngân sách hỗ trợ xây dựng cơ bản, sửa chữa, mua sắm các thiết bị, điều mà Bạch Mai trong giai đoạn này khó lòng thực hiện được do tài chính ít.

Theo ông Cơ, 10 năm trước Bạch Mai tự hào về trang thiết bị, máy móc phục vụ cho chẩn đoán hình ảnh, ung bướu và y học hạt nhân; là bệnh viện đầu tiên ở Đông Nam Á có máy chụp 256 dãy. Ngoài thu bảo hiểm y tế, đơn vị còn thu thêm thiết bị liên doanh liên kết, có nguồn tài chính tốt, đảm bảo chi thường xuyên, đời sống cán bộ nhân viên ổn định, an tâm công tác.Advertisement https://vnexpress.net/giam-doc-benh-vien-bach-mai-thieu-thon-tai-chinh-tram-trong-4533323.html

Hiện, bệnh viện thiếu trang thiết bị trầm trọng. Nhiều máy móc thiết bị, đặc biệt là máy phục vụ cho hệ thống chẩn đoán điều trị ung bướu và y học hạt nhân như máy Pet CT, cộng hưởng từ, xạ phẫu; máy hiện đại phục vụ phẫu thuật như thiết bị vi phẫu, robot… phải lưu kho hai năm nay vì được xem là tang vật của vụ án. Bệnh nhân đến khám không có thiết bị điều trị, bệnh viện phải chuyển một lượng lớn người bệnh đến bệnh viện khác để chụp Pet, xạ trị…

“Hồi xưa tự hào bao nhiêu, giờ về con số 0 tròn trĩnh. Còn các thiết bị đang đắp chiếu là một cỗ tiền rất lớn, các doanh nghiệp cũng thắc mắc về sự phí phạm vô lý này'”, ông Cơ nói. Bệnh viện được Cơ quan điều tra Bộ Công an hướng dẫn phối hợp các bộ ngành để đưa các máy này vào sử dụng. Tuy nhiên, đơn vị gửi văn bản gửi đến Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (BHXH)…, đến nay vẫn chưa được trả lời hoặc hướng dẫn đưa các thiết bị này vào sử dụng để tránh lãng phí.

Một ngày bệnh viện có 1.000 bệnh nhân được chỉ định nội soi tiêu hóa nhưng không thực hiện hết được mà chỉ được một nửa, do thiết bị xuống cấp. Lĩnh vực tim mạch, hệ thống phẫu thuật nội soi, robot trong phẫu thuật thần kinh, cột sống, máy robot Rosa… hiện tại cũng không hoạt động do liên quan đến vật tư kèm theo. Kính hiển vi, dàn máy nội soi không có để phục vụ cho phẫu thuật thần kinh.

Bạch Mai còn một ít thiết bị, hiện tích cực mua sắm nhưng nguồn tài chính không cho phép, cần hàng nghìn tỷ đồng song không có tiền để mua. 95% máy xét nghiệm trong bệnh viện là máy đặt, máy mượn, sau khi trúng thầu hóa chất, thời gian qua BHXH không cho phép dùng dịch vụ chẩn đoán trên loại máy này, gây khó khăn cho bệnh viện trong chẩn đoán điều trị bệnh nhân. Hai ngày trước, nghị quyết mới của Chính phủ ban hành đã tháo gỡ vướng mắc này, hiệu lực trong một năm.

“Bệnh viện đang nghiên cứu, hết một năm sẽ tính đến mua sắm tiếp hoặc cần cơ chế thuê khoán, nhưng phải có văn bản hướng dẫn không thì các bệnh viện lâm vào cảnh tắc. Nếu không có cơ chế, Chợ Rẫy và Bạch Mai sẽ là hai bệnh viện đầu tiên đóng cửa”, ông Cơ cho biết.

PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Ngọc Thành
PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, ngày 8/11. Ảnh: Ngọc Thành

Thời gian qua, 11 trong số 27 đề án tại Bạch Mai được thanh tra Chính phủ kiểm tra phát hiện có vi phạm. Một loạt dự án liên doanh liên kết không tiếp tục được nữa, chỉ còn một vài đề án thực hiện trong những tháng cuối cùng của hợp đồng.

Theo ông Cơ, việc dừng liên doanh liên kết là nguyên nhân hàng đầu khiến bệnh viện giảm thu chi, ảnh hưởng đến thu nhập người lao động. Trong khi đó, trang thiết bị thiếu, bệnh viện thay đổi ca kíp, sáng sớm phải chụp chiếu cho người bệnh ngoại trú, buổi chiều và đêm dành cho bệnh nhân nội trú. Bác sĩ đi sớm về khuya, kể cả cuối tuần, nhưng không có tiền tăng thêm, nhân viên không an tâm làm việc. Thu nhập tăng thêm chỉ bằng 1/3, 1/5 những năm trước. Ví dụ trước đó họ được 10 triệu đồng thu nhập tăng thêm, nay chỉ hai triệu.

“Nhân viên bệnh viện nhắn tin cho tôi: ‘Anh ơi, anh bắt em đi làm sáng sớm đến khuya mới về, giờ em không có tiền nộp cho con học tiếng Anh. Em xin làm đúng giờ, còn lại ở nhà dạy tiếng Anh. Trước đây làm tăng giờ, em có tiền thuê giáo viên đến nhà dạy, nay không có'”, ông Cơ chia sẻ.

Thu nhập giảm tạo nên làn sóng nhân viên y tế sang các nơi khác làm việc. Một bệnh viện tư nhân đón rất nhiều bác sĩ của Bạch Mai sang, lương có thể 200-300 triệu đồng một tháng, còn được sử dụng các trang thiết bị hiện đại nhất.

Từ đầu năm đến nay có hơn 100 cán bộ giỏi xin rời chuyển mặc dù ban lãnh đạo bệnh viện động viên ở lại. Bệnh viện có tuyển được các cán bộ trẻ về, nhưng để có cán bộ giỏi cần hàng chục năm đào tạo. Việc này tạo lỗ hổng về nhân lực.

“Sau này điều kiện, cơ sở hạ tầng tốt, có văn bản pháp quy rõ ràng thì sẽ nghĩ đến tự chủ toàn diện, phải có lộ trình”, ông Cơ nói và thêm rằng đang chờ đợi Luật Khám chữa bệnh mới để các bệnh viện hoạt động bám sát luật pháp. Có như vậy hệ thống y tế mới vững chắc, phát triển.

Như ở Singapore, bên cạnh hệ thống tư nhân rất phát triển vẫn có hệ thống y tế nhà nước làm công tác an sinh xã hội. Theo ông Cơ, các bệnh viện lớn như Việt Đức, Bạch Mai, Chợ Rẫy, K, là viện đầu ngành, dù tự chủ thế nào vẫn nên được nhà nước đầu tư một nguồn lực thích đáng để đảm bảo hoạt động.

Lê Nga

Related posts