Phải chăng Trung Quốc chỉ còn 10 năm nữa trước khi sụp đổ?

Tác giả John Mac Ghlionn

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay khi gặp mặt bên lề Hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Nusa Dua trên đảo nghỉ dưỡng Bali của Indonesia hôm 14/11/2022. (Ảnh: Saul Loeb/AFP/Getty Images)

Trong một cuộc phỏng vấn mới đây với ông Joe Rogan, nhà phân tích địa chính trị Peter Zeihan đã đưa ra một nhận định khá choáng váng. Ông nói, Trung Quốc chỉ còn 10 năm nữa. Một thập niên còn lại để làm gì, chính xác là gì? Nói tóm lại là để biến mất.

Do quả bom hẹn giờ về nhân khẩu học của đất nước này đang kêu tích tắc, bong bóng bất động sản đang phình to, các cuộc biểu tình phản đối phong tỏa, và tỷ lệ thất nghiệp cao trong giới trẻ Trung Quốc, nên Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có thể tạm biệt giấc mơ thống trị toàn cầu của mình. Hay là chỉ có ông Zeihan nghĩ như vậy.

Tuy nhiên, người ta không thể không cảm thấy rằng ông Zeihan, chúng ta có thể nói rằng, hơi quá lạc quan. Không hẳn là ông ấy đã sai. Nhưng ý kiến cho rằng Trung Quốc sẽ ít bị đe dọa vào năm 2033 có vẻ hơi quá lạc quan. Như mới đây Trung tâm Nghiên cứu Pew đã lưu ý, dân số Trung Quốc sẽ giảm từ mức hiện tại là 1.4 tỷ xuống còn 1.313 tỷ vào năm 2050. Đến năm 2100, con số đó sẽ giảm xuống còn 800 triệu. Sự suy giảm nhân khẩu học của Trung Quốc là không thể chối cãi. Tuy nhiên, như lịch sử đã cho chúng ta thấy, việc ăn mừng quá sớm thường bị trừng phạt theo các cách tàn nhẫn nhất. Năm 2100 còn lâu mới đến. Trung Quốc vẫn còn vài thập niên nữa để vẫy vùng trong mớ rắc rối.

Hơn nữa, trong một cuộc phỏng vấn với ông Chris Williamson được phát sóng hồi tháng Một, nhà khoa học dữ liệu Stephen J. Shaw đã đưa ra một vài sự thật phũ phàng và ảm đạm. Ông cho biết, khi nói đến sự suy giảm nhân khẩu học, tất cả chúng ta đều đang ở trên cùng một chiếc tàu lượn siêu tốc. Đúng vậy, các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, và Nam Hàn đang dẫn đầu hành trình đáng sợ này, tuy nhiên Ý, Đức, và Hoa Kỳ chỉ ở sau đó vài “bước chân” mà thôi. Tất cả chúng ta đều tiến về cùng một hướng, một số nước này tiến nhanh hơn một số nước khác.

Hiện tại, như sự kiện khinh khí cầu gián điệp mới đây đã chứng minh, Trung Quốc vẫn còn là một thế lực lớn cần được kể đến, và nếu có thì cũng có rất ít lý do để nghĩ rằng sức mạnh của họ sẽ suy giảm trong thập niên tới. Một số nhà bình luận cho rằng nền kinh tế Trung Quốc, chìm trong báo động đỏ trong hầu hết năm 2021 và năm 2022, đang tăng trưởng trở lại. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đồng nghĩa với tiến bộ khoa học của quốc gia này. Khi tôi viết điều này, có một sự thay đổi chấn động xảy ra trong thế giới nghiên cứu khoa học. Hoa Kỳ, từng là lực lượng thống trị, đang bị Trung Quốc thay thế. Sự phân nhánh của việc chuyển giao kiến thức này có thể được chứng minh là mãnh liệt.

Thay đổi người bảo vệ

Trong một bài báo mới đây viết cho Asia Times, bà Caroline Wagner, một chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Tiểu bang Ohio, đã thảo luận về sự trỗi dậy của Trung Quốc như một cường quốc khoa học. Nghiên cứu của bà cho thấy hiện các học giả Trung Quốc đang công bố phần lớn trong số 1% các bài báo khoa học được viện dẫn nhiều nhất. Trái ngược với niềm tin phổ biến, các viện dẫn này rất quan trọng. Nghiên cứu được viện dẫn nhiều nhất đại diện cho những phát hiện khoa học có ảnh hưởng nhất.

Như bà Wagner đã lưu ý, sự thay đổi gần đây về ưu thế khoa học đã khiến một số chuyên gia chính sách của Hoa Kỳ cảm thấy hết sức e ngại. Nếu xu hướng này vẫn tiếp diễn, xét đến việc Trung Quốc có số lượng khoa học gia cao hơn nhiều và đào tạo ra nhiều tiến sĩ STEM (viết tắt của “Science, Technology, Engineering, and Mathematics” – Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, và Toán học) hơn Hoa Kỳ, thì việc Hoa Kỳ bị bỏ lại phía sau trong lĩnh vực khoa học chỉ là vấn đề thời gian.

Các vấn đề này khá quan trọng vì một số lý do, phần lớn là do kiến thức và năng lực khoa học có mối liên hệ chặt chẽ với cả tăng trưởng kinh tế lẫn năng lực quân sự. Các quốc gia có hỏa tiễn xuất sắc nhất sẽ không thể giành chiến thắng trong các cuộc chiến sắp tới; các quốc gia sở hữu khối óc khoa học nhạy bén nhất sẽ giành chiến thắng trong những cuộc chiến này — những chuyên gia trí tuệ nhân tạo giỏi nhất, những chuyên gia tính toán lượng tử giỏi nhất và những chuyên gia xâm nhập (máy điện toán) giỏi nhất. Trung Quốc có dư cả ba yếu tố này. Trung Quốc đã dẫn trước Hoa Kỳ trong cuộc đua lượng tử; họ cũng vượt trội Hoa Kỳ trong nghiên cứu liên quan đến AI. Để làm phức tạp thêm vấn đề, hồi tháng Mười một năm ngoái (2022), một vị tướng hàng đầu của Lực lượng Không gian đã thừa nhận rằng công nghệ quân sự của Trung Quốc có thể sớm trở nên tân tiến hơn công nghệ của Hoa Kỳ.

Một phi cơ không người lái trinh sát tầm cao WZ-7 của Lực lượng Không quân của Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) được nhìn thấy một ngày trước Triển lãm Hàng không và Vũ trụ Quốc tế Trung Quốc lần thứ 13 ở Chu Hải, tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc, hôm 27/09/2021. (Ảnh: Noel Celis/AFP/Getty Images)

Nếu có thì điều gì có thể được thực hiện với đợt thủy triều STEM này? Hoa Kỳ có thể làm gì để duy trì tính cạnh tranh về khoa học với Trung Quốc? Bà Wagner tin rằng Hoa Kỳ nên ngừng các nỗ lực tách rời mà thay vào đó tìm cách hợp tác với chính quyền Trung Quốc — một quốc gia đã đánh cắp hàng ngàn tỷ dollar tài sản trí tuệ, phần lớn là từ Hoa Kỳ; một quốc gia đã đánh cắp dữ liệu cá nhân của 80% dân số Hoa Kỳ; một quốc gia đặt ra mối đe dọa đáng kể nhất đối với Hoa Kỳ.

Bà Wagner tin rằng những phản ứng về mặt chính sách từ chính phủ hiện tại “bắt nguồn từ quan điểm chủ nghĩa dân tộc, chứ không hoàn toàn phù hợp với nỗ lực toàn cầu về khoa học.” Đó là bởi vì nghiên cứu học thuật là một công việc hợp tác do sự trao đổi ý tưởng và thông tin thúc đẩy. Để Hoa Kỳ “được hưởng lợi từ sự trỗi dậy về khoa học của Trung Quốc,” thì sự hợp tác là cần thiết.

Tuy nhiên, các nhà khoa học Trung Quốc có một lịch sử làm tay sai cho ĐCSTQ. Chúng tôi được biết rằng ĐCSTQ thực sự đang tiến hành đánh cắp trong lĩnh vực khoa học. Tất nhiên, điều này không có nghĩa là tất cả các nhà khoa học Trung Quốc đang làm việc cho Bắc Kinh. Đơn giản là không phải vậy. Tuy nhiên, việc cho rằng một nỗ lực hợp tác quy mô lớn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là có thể đạt được hoặc là điều thực tế là một mớ ảo tưởng nguy hiểm. Các cuộc cộng tác có lợi được xây dựng trên sự tin tưởng. Làm thế nào để Hoa Kỳ có thể tin tưởng Trung Quốc cộng sản một lần nữa? Chuyện này là không thể. Chuyện này không nên xảy ra (hãy nhớ lại câu chuyện ngụ ngôn cổ xưa “Con bọ cạp và con ếch”).

Không, để cạnh tranh với Trung Quốc trên đấu trường khoa học, cần có một kế hoạch tốt hơn nhiều. Kế hoạch này phải do những người nắm quyền tạo ra, và phải được vạch ra ngay lập tức. Giáo dục STEM phải được cải thiện trong các trường học của Hoa Kỳ. Như chúng ta được nghe kể, toán học là phân biệt chủng tộc. Không phải vậy, mà toán học cần thiết cho tiến bộ khoa học. Đó là tin xấu cho Hoa Kỳ. Ngày càng có nhiều học sinh gặp khó khăn với môn toán căn bản (cũng như có thể hiểu tiếng Anh căn bản). Điều này cần phải thay đổi. Trong các trường học, chương trình giảng dạy phải được cải cách.

Tất cả các chương trình đàm luận về Trung Quốc chỉ còn 10 năm, thay vào đó, điều gì sẽ xảy ra nếu Hoa Kỳ chỉ còn 10 năm? Rốt cuộc, trên toàn quốc, số lượng sinh viên vào đại học tiếp tục giảm sút. Điều gì sẽ xảy ra nếu trong thập niên tới, Trung Quốc đạt được nhiều tiến bộ khoa học đến mức Hoa Kỳ thấy mình đang chơi một trò chơi đuổi bắt mệt mỏi và hoàn toàn vô vọng trong những năm tới?

John Mac Ghlionn là một nhà nghiên cứu và nhà viết luận. Tác phẩm của ông đã được những hãng thông tấn như New York Post, Sydney Morning Herald, Newsweek, National Review, The Spectator US cùng những tờ báo danh tiếng khác xuất bản. Ông cũng viết về tâm lý và các mối quan hệ xã hội, rất quan tâm đến vấn đề rối loạn chức năng xã hội và sự thao túng của truyền thông.

Doanh Doanh biên dịch

Related posts