Trung Quốc thành lập lực lượng cảnh sát biển không giống ai, nhằm tìm kiếm sự thống trị các vùng biển châu Á

New York Times

Cù Tuấn, dịch

13-6-2023

Nhân viên Cảnh sát biển Philippines trên một chiếc thuyền bơm hơi đi ngang qua một tàu tuần duyên Trung Quốc gần một bãi cạn tranh chấp ở Biển Đông vào tháng Tư. Ảnh trên mạng

Tóm tắt: Tàu tuần tra trên biển của Bắc Kinh càng ngày càng giống tàu chiến hơn. Bây giờ các quốc gia khác đang cố gắng cạnh tranh với Bắc Kinh bằng các tàu hải giám lớn hơn của riêng họ.

Trong nỗ lực thống trị các tuyến đường thủy chiến lược của châu Á, Trung Quốc đã triển khai một đội tàu được trang bị pháo 76mm, có khả năng bổ sung tên lửa chống hạm và chúng lớn hơn cả tàu khu trục của Hải quân Mỹ. Nhưng chúng không phải là tàu của Hải quân Trung Quốc. Thân tàu của chúng được sơn màu trắng, với dòng chữ “Cảnh sát biển Trung Quốc” bằng chữ in khối ở hai bên mạn tàu.

Chỉ trong một thập kỷ, Trung Quốc đã tích lũy được hạm đội bảo vệ bờ biển lớn nhất thế giới và không giống bất kỳ quốc gia nào khác. Được quân sự hóa nhiều hơn, hung hăng hơn trong các tranh chấp quốc tế và ít quan tâm hơn đến các nhiệm vụ thông thường như kiểm soát những kẻ buôn lậu hoặc tìm kiếm và cứu hộ, lực lượng hải quân của Trung Quốc đã đi ngược lại truyền thống bảo vệ bờ biển toàn cầu 200 năm qua.

Việc này cũng đã khởi động một cuộc chạy đua vũ trang. Đẩy quyền lực vào một vùng xám nằm giữa thực thi pháp luật và sức mạnh hải quân, Bắc Kinh đã nhắm mục tiêu vào các đối thủ bằng những con tàu có thể dễ dàng đánh chìm hầu hết các tàu lực lượng bảo vệ bờ biển mà các quốc gia khác đã sử dụng trong nhiều thập kỷ. Và để đáp lại, các quốc gia lo sợ sự xâm lấn của Trung Quốc đang gấp rút triển khai các tàu tuần tra lớn hơn, được trang bị vũ khí mạnh hơn của riêng họ.

Vùng biển xung quanh Đài Loan, hòn đảo tự trị mà Trung Quốc tuyên bố là của mình, là một chiến trường tiềm tàng. Nhưng với sự đối đầu của lực lượng bảo vệ bờ biển đang âm thầm leo thang quanh khu vực, các quan chức và nhà phân tích ngày càng lo lắng về mối đe dọa đang gia tăng: một tai nạn hoặc một cuộc giao tranh bạo lực ở bất cứ đâu trong khu vực rộng lớn mà Lực lượng bảo vệ bờ biển của Trung Quốc hoạt động, có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột rộng lớn hơn, thậm chí là một cuộc chiến tranh giữa các cường quốc.

Từ ngày 30 tháng 3 đến ngày 2 tháng 4 năm 2023, một đội tàu Cảnh sát biển Trung Quốc đã đi vòng quanh quần đảo tranh chấp mà Nhật Bản gọi là Senkaku trong 80 giờ 36 phút — thời gian lưu trú lâu nhất từ trước đến nay của Trung Quốc, theo dữ liệu hàng hải.

Nhật Bản sau đó đã công bố kế hoạch nâng cấp lực lượng bảo vệ bờ biển và đưa lực lượng này vào Bộ Quốc phòng.

Hai sự cố gần đây cũng chỉ ra mức độ quyết đoán mới của Trung Quốc và rủi ro trong khu vực:

* Bắt đầu từ khoảng ngày 8 tháng 4 năm 2023, các tàu tuần tra của Trung Quốc đã tập trung đông đúc gần Đài Loan, lần đầu tiên đe dọa dừng và khám xét các tàu Đài Loan trong cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc do cuộc gặp giữa Tổng thống Thái Anh Văn và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy. Đài Loan hiện đang phát triển các kế hoạch để vượt qua bất kỳ sự phong tỏa nào trong tương lai đồng thời củng cố lực lượng bảo vệ bờ biển của chính họ.

* Vào ngày 23 tháng 4 năm 2023, gần một bãi cạn đang tranh chấp ở Biển Đông, một trong những tàu lớn của Trung Quốc đã di chuyển vào đường đi của một tàu tuần tra nhỏ hơn nhiều của Philippines, buộc thuyền trưởng của tàu này phải lùi lại để tránh va chạm. Vài ngày sau, Mỹ hứa sẽ cung cấp cho Philippines 6 tàu tuần tra nâng cấp mới.

Những xung đột này — cùng với các vụ xâm nhập khác của Trung Quốc gần Việt Nam và quốc đảo Palau ở Thái Bình Dương vào tháng 5 và tháng 6 — phù hợp với mô hình gia tăng căng thẳng, đánh dấu một sự thay đổi lớn trong cách thức các quốc gia tuyên bố chủ quyền lãnh thổ và bảo vệ lợi ích của họ ở các đại dương trên thế giới. Lực lượng bảo vệ bờ biển từng đóng vai trò là những con mắt cảnh giác và giúp đỡ giờ đã trở nên giống lực lượng hải quân hơn, bị lôi kéo vào địa chính trị của châu Á, và được triển khai như một lực lượng quân sự trên các tuyến đường thủy quan trọng đối với vận tải biển và tài nguyên thiên nhiên.

Từ các cảng ở miền nam Trung Quốc và Đài Loan đến các căn cứ của Mỹ ở đảo Guam, các tàu tuần duyên vỏ trắng ngày càng dài hơn và nặng hơn, hoặc nhỏ hơn và nhanh hơn. Súng của các tàu này cũng ngày càng lớn hơn, hoặc chúng đang được chế tạo để cho phép lắp đặt các hệ thống vũ khí phức tạp bất kỳ lúc nào. Và lực lượng bảo vệ bờ biển của khu vực đang hợp tác chặt chẽ hơn với các nhà hoạch định quốc phòng, đặt họ ở vị trí tiên phong trong các cuộc tranh chấp rộng lớn hơn ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương về sức mạnh kinh tế và quân sự.

John Bradford, một chỉ huy Hải quân Mỹ đã nghỉ hưu và là thành viên cấp cao của Chương trình An ninh Hàng hải tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, cho biết: “Hiện tại không phải là cách đây 10 năm. Nhiều quốc gia trong khu vực đã bắt đầu sử dụng lực lượng bảo vệ bờ biển của họ để khẳng định chủ quyền”.

Ông nói thêm: “Ý tưởng là nó hiệu quả hơn vì bạn ít có khả năng đẩy thang leo thang hơn vì họ được trang bị vũ khí nhẹ. Nhưng tàu cảnh sát biển mà có gắn tên lửa thì nó có khác gì tàu hải quân, ngoại trừ màu sơn trên thân tàu?

Cuộc cạnh tranh lực lượng bảo vệ bờ biển hiện đang nổi lên ở châu Á bắt đầu với nỗ lực của Trung Quốc để trở thành cái mà nước này gọi là “cường quốc hàng hải”.

Cụm từ đặt ra ưu tiên quốc gia này, xuất hiện trong các tài liệu của chính phủ Trung Quốc từ năm 2000, với định nghĩa bao gồm sức mạnh hải quân, năng lực đánh cá, bảo vệ môi trường và thúc đẩy các yêu sách lãnh thổ. Vai trò lãnh đạo của lực lượng bảo vệ bờ biển đã được củng cố vào năm 2013 dưới thời Tập Cận Bình, khi trong năm đầu tiên ông làm lãnh đạo Trung Quốc đã thành lập lực lượng cảnh sát biển bằng cách hợp nhất năm cơ quan.

Lực lượng bảo vệ bờ biển, trong mắt Trung Quốc, sẽ là một trụ cột giúp nước này năng động hóa thành một cường quốc thế giới vì lực lượng này sẽ giúp Bắc Kinh kiểm soát các tuyến đường thủy quan trọng (cùng nguồn tài nguyên đánh bắt và khai thác khoáng sản) mà không gây ra phản ứng quân sự từ các quốc gia đang bối rối trước khả năng không hoàn toàn của hạm đội quân sự.

Tiếp theo là hàng chục cuộc đối đầu xác nhận rằng lực lượng bảo vệ bờ biển của Trung Quốc – thường làm việc với lực lượng dân quân đánh cá và các loại tàu khác – có thể tuần tra, tấn công và đe dọa các đối thủ mà gần như không bị trừng phạt.

Vào năm 2013, đã xảy ra một số cuộc đối đầu căng thẳng ở Biển Đông giữa các tàu Cảnh sát biển Trung Quốc và quân đội Philippines đang chiếm đóng một con tàu thời Thế chiến II có tên là Sierra Madre.

Năm 2014, cũng tại vùng biển ngoài khơi Việt Nam, một tàu Cảnh sát biển Trung Quốc đã đâm một tàu Cảnh sát biển Việt Nam sau khi Việt Nam cố gắng ngăn chặn Trung Quốc xây dựng giàn khoan dầu trong vùng biển tranh chấp.

Năm 2016, lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc đã đâm chìm một tàu đánh cá mà đã bị chính quyền Indonesia bắt giữ.

Gần đây, Trung Quốc đã mở rộng cả nhiệm vụ và khả năng chiến đấu của hạm đội. Một đạo luật năm 2021 trao cho lực lượng bảo vệ bờ biển của họ – vốn nằm dưới sự kiểm soát của quân đội – quyền sử dụng vũ lực sát thương đối với các tàu nước ngoài ở vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền, bao gồm cả Biển Đông, nơi họ đã xây dựng các căn cứ hoạt động tiền tiêu trên các đảo nhân tạo.

Các chuyên gia khu vực cho rằng các điều khoản vi phạm luật pháp quốc tế khi cho phép lực lượng bảo vệ bờ biển của Trung Quốc, mà không tuyên chiến, tham gia vào các hành vi hiếu chiến vượt ra ngoài quyền tài phán quốc gia.

Và tàu của Trung Quốc ngày càng có sức mạnh để làm như vậy. Trung Quốc hiện có khoảng 150 tàu tuần tra bờ biển lớn ít nhất 1.000 tấn, so với khoảng 70 chiếc của Nhật Bản, 60 chiếc của Mỹ và chỉ một số ít đối với hầu hết các quốc gia ở châu Á. Philippines có 25 tàu tuần tra triển khai ở Biển Đông. Lực lượng bảo vệ bờ biển của Đài Loan chỉ có 23 tàu, theo các quan chức Mỹ.

Nhiều tàu bảo vệ bờ biển của Trung Quốc trước đây là tàu hộ tống hải quân, có khả năng hoạt động lâu dài và được trang bị bãi đáp trực thăng, vòi rồng mạnh mẽ và súng cùng cỡ nòng như trên xe tăng M1 Abrams. Tên lửa hành trình chống hạm mà nhiều tàu từng chở theo có thể nhanh chóng được lắp vào vị trí.

Hạm đội tàu chiến mới cải trang thành tàu thực thi pháp luật này là điều mà nhiều quốc gia ở châu Á buộc phải đối mặt gần như hàng ngày khi Trung Quốc tiến sâu hơn vào lãnh thổ tranh chấp trong thời gian dài hơn. Và các tranh chấp không chỉ ở Biển Đông.

Ngày 11/5, tại biển Hoa Đông, hai tàu Cảnh sát biển Trung Quốc đã vi phạm giới hạn lãnh thổ 12 hải lý xung quanh quần đảo Senkaku lần thứ 13 trong năm nay. Theo dữ liệu theo dõi của Nhật Bản, vào năm 2022, các đội luân phiên gồm các tàu Cảnh sát biển 1.500 tấn của Trung Quốc đã dành 336 ngày đi vòng quanh các đảo tranh chấp, tăng từ 171 ngày vào năm 2017.

Hiromune Kikuchi, phát ngôn viên của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản, cho biết trong một cuộc phỏng vấn: “Chúng tôi đã xác nhận một số tàu đã triển khai súng. “Chúng tôi lo ngại rằng họ đã tăng số lượng tàu lớn với năng lực quân sự”.

Lực lượng bảo vệ bờ biển của các quốc gia khác cũng vậy.

Việt Nam đã đặt mua 6 tàu tuần duyên cỡ lớn từ Nhật Bản và chúng sẽ được chuyển giao vào năm 2025

Hàn Quốc năm ngoái tuyên bố sẽ đóng mới 9 tàu tuần tra 3.000 tấn cho các vùng biển ngoài khơi bờ biển phía tây nước này, nơi ranh giới trên biển với Trung Quốc không rõ ràng.

Nhật Bản đã thông qua một đạo luật vào tháng 12 sẽ tăng ngân sách cho lực lượng bảo vệ bờ biển lên gần 1 tỷ đô la – tăng 40% – và đưa hạm đội vào Lực lượng phòng vệ quốc gia.

Mỹ và Úc cũng đã trở nên tích cực hơn ở Thái Bình Dương với quà tặng là các tàu tuần tra, các trung tâm giám sát hàng hải mới và, đối với người Mỹ, một thế hệ tàu tuần duyên mới lớn hơn và các thỏa thuận tuần tra với một số quốc gia — thêm Papua New Guinea vào danh sách những tuần gần đây.

Mỹ hiện cũng đang hợp tác chặt chẽ hơn với Nhật Bản và Philippines ở Biển Đông, tiến hành các cuộc tập trận huấn luyện bảo vệ bờ biển chung ở Philippines vào năm ngoái và một lần nữa vào tháng 6 này, khiến Bắc Kinh phàn nàn.

Lực lượng bảo vệ bờ biển và các quốc gia khác nhau trong khu vực đang trưởng thành”, Phó Đô đốc Andrew J. Tiongson, Chỉ huy Khu vực Thái Bình Dương của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ cho biết. “Tôi nghĩ rằng họ đang trưởng thành do họ được cần đến“.

Không nơi nào thể hiện sự năng động đó rõ ràng hơn ở eo biển Đài Loan và các nhà máy đóng tàu ở miền nam Đài Loan. Trên một hòn đảo ở trung tâm của những lo lắng trong khu vực, lực lượng bảo vệ bờ biển của Đài Loan đang phát triển nhanh hơn nhiều so với Hải quân của họ trong khi đối mặt với những thách thức gần như hàng ngày từ Trung Quốc.

Trong một chuyến thăm gần đây tới một khu công nghiệp ngay bên ngoài cảng Cao Hùng, các công nhân đã hoàn tất những bước sửa chữa cuối cùng cho một chiếc tàu tuần tra của Lực lượng bảo vệ bờ biển bị đứt mũi trên biển.

Hu Yenlu, cựu sĩ quan Hải quân Đài Loan, người điều hành Karmin International, một công ty đóng và sửa chữa tàu Cảnh sát biển Đài Loan, cho biết: “Một tàu Trung Quốc đã đâm vào chiếc thuyền này và xuyên thủng nó“.

Ông nói, vài tuần trước đó, chiếc tàu tuần tra trên – một loại thuyền bơm hơi cứng dài 36 foot, tương tự như tàu tấn công được Lực lượng Đặc nhiệm Hải quân Mỹ sử dụng – đã giúp tạo thành một hàng rào cùng với một số chiếc khác xung quanh một chiếc tàu cao tốc trông có vẻ khả nghi gần các đảo bên ngoài của Đài Loan. Chiếc thuyền đó có sáu động cơ, một thiết kế phổ biến của lực lượng dân quân biển Trung Quốc, và khi Cảnh sát biển Đài Loan hỏi nhiệm vụ của nó là gì, lái tàu đã nhấn ga và vọt qua hàng rào.

Không có tên trên con tàu đó, nhưng chúng tôi biết đó là tàu Trung Quốc”, Hu Yenlu kể lại câu chuyện mà các quan chức đã kể cho ông. “Khi bạn không nhìn thấy tên quốc gia trên tàu, bạn biết nó đáng ngờ”.

Theo các quan chức hàng hải và các công ty đóng tàu, đó là một trong nhiều vụ va chạm và suýt va chạm do chiến thuật gây hấn của Trung Quốc gần Đài Loan.

Vào ngày 3 tháng 6, quân đội Mỹ cho biết một tàu khu trục của hải quân Mỹ, U.S.S. Chung-Hoon, đã giảm tốc độ để tránh va chạm có thể xảy ra với một tàu Hải quân Trung Quốc đi ngang phía trước Chung-Hoon khi nó đi qua eo biển giữa Trung Quốc và Đài Loan.

Việc Trung Quốc đe dọa kiểm tra các tàu Đài Loan vào tháng 4 thể hiện một kiểu leo thang xung đột khác. Phản ứng đối với nó cho thấy ranh giới của việc xâm lược là khá mờ nhạt trên biển.

Hội đồng các vấn đề đại dương của Đài Loan cho biết họ đã phản ứng lại mối đe dọa của Trung Quốc bằng cách sử dụng một tàu bảo vệ bờ biển của riêng mình như một lực lượng ngầm để “ngăn chặn Trung Quốc đại lục gây nguy hiểm cho tự do hàng hải và an toàn của công dân chúng tôi”. Người phát ngôn của văn phòng Đài Loan giám sát quan hệ với Bắc Kinh cho biết: “Nếu Trung Quốc can thiệp, chúng tôi sẽ đánh trả”.

Một xưởng đóng tàu thứ hai gần cảng ở Cao Hùng đưa ra những gợi ý về ý nghĩa của điều đó.

Một chiếc tàu tuần tra 100 tấn mới dập dềnh trong nước với thân tàu bằng thép chắc chắn thay vì vật liệu nhẹ hơn của các phiên bản trước đó, để bảo vệ trong trường hợp đâm hay va chạm. Trên một trong các cầu tàu, một tàu bảo vệ bờ biển nặng 600 tấn với lớp sơn trắng mới đang đợi các kỹ sư lắp thêm đài phát thanh và radar giống như loại mà Hải quân Đài Loan sử dụng.

Ở bên cạnh, có một khoảng trống rộng trên thân tàu – dành chỗ để lắp đặt các bệ phóng tên lửa nếu cần.

Related posts