Tin thế giới trưa Chủ Nhật: Bi hài “khan hiếm muối” tại Trung Quốc vì nước thải hạt nhân của Nhật Bản

Bi hài “khan hiếm muối” tại Trung Quốc vì nước thải hạt nhân của Nhật Bản

Khẩu hiệu chống Nhật xuất hiện ở thành cổ Lệ Giang, tỉnh Vân Nam – Trung Quốc vào năm 2013. (Nguồn: Wikipedia)

Người dân Trung Quốc gần đây đổ xô tranh giành mua muối, khiến nhiều nơi cung không đủ cầu, nguyên nhân là do xuất phát từ tâm lý lo ngại nước thải từ Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi của Nhật Bản sẽ làm ô nhiễm nguồn nước, từ đó thiếu muối sạch, trong khi thực tế 87% muối ăn của Trung Quốc lại là muối giếng.

Cường điệu vấn đề ô nhiễm hạt nhân của Nhật Bản

Nhiều hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc gần đây đồng loạt đưa tin, nước này xuất hiện tình trạng thiếu muối ví như ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Phúc Châu… Muối trong siêu thị dù liên tục được bổ sung nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu, thậm chí trên các nền tảng thương mại điện tử cũng hiển thị “hết hàng” hoặc “đang bổ sung”.

Đồng thời, các tìm kiếm hàng đầu trên Sina và Baidu đều là về chủ đề xả thải ô nhiễm từ Nhật Bản, cộng đồng mạng Trung Quốc thì la ó “bài Nhật” “tẩy chay sản phẩm Nhật Bản”…

Tại Bắc Kinh, Thượng Hải, Phúc Châu và nhiều nơi khác tại Trung Quốc đã xảy ra hiện tượng người dân tranh giành tích trữ muối. (Ảnh: MXH)

Theo trang web chính thức của Đại sứ quán Trung Quốc tại Nhật Bản, Đại sứ Ngô Giang Hạo (Wu Jianghao) của phía Trung Quốc hôm 24/8 đã lên tiếng phản đối với Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản Masaki Okano, cho hay Trung Quốc đã đình chỉ hoàn toàn việc nhập khẩu thủy sản có nguồn gốc từ Nhật Bản.

Những nguồn tin cũng cho hay nhân viên nhiều cửa hàng thực phẩm Nhật Bản ở Bắc Kinh cho biết họ gần như không còn bán nguyên liệu Nhật Bản trong cửa hàng nữa, nhiều nhà hàng Nhật Bản nổi tiếng ở Quảng Châu và Thượng Hải cũng đưa ra tuyên bố rằng họ không sử dụng nguyên liệu Nhật Bản, kiểm soát viên thị trường nhiều nơi ở Thượng Hải đã thường xuyên kiểm tra đột xuất việc kinh doanh thực phẩm Nhật Bản.

Bên cạnh đó còn có làn sóng chống Nhật trên các nền tảng xã hội trực tuyến của Trung Quốc. Tờ Tin tức Bắc Kinh (Bjnews) đã thực hiện khảo sát thăm dò về việc người Trung Quốc có nên tiếp tục ăn đồ Nhật hay không, trong số 92.000 người tham gia thì có 81.000 người trả lời “Không ăn, rất lo lắng về an toàn”.

Nhưng hơn 80% muối ăn ở Trung Quốc không liên quan đến muối biển

Việc truyền thông nhà nước Trung Quốc định hướng người dân về vấn đề nước thải hạt nhân của Nhật Bản, khiến bùng nổ cảnh nhiều người tranh nhau đi mua muối, là chuyện bi hài, vì thực tế hơn 80% nguồn muối ăn tại thị trường Đại Lục đến từ việc khai thác muối giếng, không có nhiều liên quan đến muối biển.

Theo dữ liệu công khai của Tập đoàn Công nghiệp Muối Quốc gia Trung Quốc, phần lớn muối ở Đại Lục hiện được khai thác từ muối mỏ dưới lòng đất hoặc nước muối tự nhiên dưới lòng đất, cơ cấu tỷ lệ chiếm 87% muối mỏ giếng, 10% muối biển, và 3% muối hồ.

Tập đoàn Công nghiệp Muối Quốc gia Trung Quốc là nhà sản xuất muối lớn nhất thế giới, với công suất sản xuất muối hàng năm hơn 10 triệu tấn, trong đó muối mỏ chiếm 95%, muối hồ chiếm 4%, và muối biển chỉ chiếm 1%.

Ngoài ra, thực tế nước thải hạt nhân của Nhật Bản không chỉ đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, lượng xả thải còn nhỏ hơn nhiều của Trung Quốc.

Theo thông tin của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), thiết kế xả nước thải chứa triti tại Fukushima – Nhật Bản đã vượt qua quá trình kiểm tra của Ủy ban Điều tiết Hạt nhân Nhật Bản (NRA), đáp ứng quy định an toàn về xả nước thải trong quá trình vận hành bình thường của nhà máy điện hạt nhân quốc tế.

Mặc dù vậy, hôm 25/8 người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân vẫn công khai chỉ trích rằng Chính phủ Nhật Bản phớt lờ sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế và coi thường các quyền về sức khỏe… là vô trách nhiệm. Nhưng ông Uông Văn Bân không đề cập đến lượng nước thải hạt nhân của Nhật Bản chỉ bằng 1/10 lượng nước thải hạt nhân của Trung Quốc.

Được biết, tính đến cuối năm 2020, Trung Quốc có 16 nhà máy điện hạt nhân và 49 tổ máy điện hạt nhân đang hoạt động.

Tố Nghĩa, Vision Times

NASA phát triển loại máy bay siêu thanh tốc độ 4.900 km/h

Mô phỏng máy bay X-59. (Ảnh: NASA)

NASA (Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ) hợp tác với Boeing và Northrop Grumman để chuẩn bị phát triển máy bay siêu thanh mới có thể bay giữa London và New York trong chưa đầy 1,5 giờ, theo tờ Business Insider.

NASA đạt cột mốc mới trong kế hoạch phát triển máy bay siêu thanh có thể chở hành khách từ London tới New York dưới 1,5 giờ. Cơ quan này thông báo ký hợp đồng với Boeing và Northrop Grumman nhằm xây dựng lộ trình biến di chuyển ở tốc độ trên Mach 2 (2.470 km/h) thành hiện thực.

Cùng với những đối tác công nghiệp khác, hai công ty sẽ tạo ra thiết kế cho máy bay có thể đạt tốc độ 4.900 km/h, theo NASA. Để so sánh, máy bay ngày nay di chuyển ở tốc độ 965 km/h. Concorde, máy bay phản lực siêu thanh đã ngừng hoạt động, có tốc độ tối đa khoảng 2.156 km/h.

NASA xác định có một thị trường hành khách cho máy bay siêu thanh trong khoảng 50 tuyến bay thương mại hiện nay. Thiết kế máy bay siêu thanh rất quan trọng đối với chiến lược di chuyển tốc độ cao tiên tiến của NASA, theo Mary Jo Long-Davis, quản lý Dự án công nghệ siêu thanh tại NASA.

Hiện nay, NASA đang thử nghiệm mẫu máy bay siêu thanh riêng. Máy bay X-59, dự án hợp tác giữa NASA và Lockheed Martin, được thiết kế để vượt qua rào cản âm thanh, đồng thời giảm tiếng nổ siêu thanh ầm ỹ xuống mức nhỏ như tiếng sập cửa xe. Đây là thí nghiệm quan trọng bởi bay siêu thanh phi quân sự trên đất liền bị cấm bởi chính quyền liên bang Mỹ trong hơn 50 năm qua. Lệnh cấm áp dụng từ năm 1973 chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi các cuộc khảo sát cộng đồng cho biết người dân thường bị giật mình bởi tiếng động lớn và lo sợ nó có thể phá hủy nhà cửa của họ.

Tiếng nổ siêu thanh có thể tạo ra độ ồn khoảng 110 decibel, tương đương một vụ nổ hoặc tiếng sấm. Với X-59, NASA muốn đặt ra tiêu chuẩn độ ồn mới cho ngành công nghiệp bay siêu thanh, theo John Wolter, trưởng nhóm nghiên cứu thí nghiệm đường hầm gió tiếng nổ siêu thanh X-59.

Phan Anh

Nhận định của các chuyên gia thăm dò ý kiến về cuộc tranh luận của 8 ứng cử viên GOP hôm 23/08

Mark Gilman

PHÂN TÍCH: Nhận định của các chuyên gia thăm dò ý kiến về cuộc tranh luận của 8 ứng cử viên GOP hôm 23/08
Các ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng Hòa, cựu Thống đốc Arkansas Asa Hutchinson (trái), cựu Thống đốc New Jersey Chris Christie (thứ 2 từ trái), cựu Phó Tổng thống Mike Pence (thứ 3 từ trái), Thống đốc Florida Ron DeSantis (thứ 4 từ trái), doanh nhân Vivek Ramaswamy (thứ 4 từ phải), cựu Đại sứ Liên Hiệp Quốc Nikki Haley (thứ 3 từ phải), Thượng nghị sĩ Tim Scott (Cộng Hòa-South Carolina) (thứ 2 từ phải), và Thống đốc North Dakota Doug Burgum (phải), được giới thiệu trong cuộc tranh luận đầu tiên của mùa bầu cử sơ bộ của Đảng Cộng Hòa ở Milwaukee, Wisconsin, hôm 23/08/2023. (Ảnh: Scott Olson/Getty Images)

Trong lịch sử, các cuộc tranh luận tổng thống được phát hình, giống như cuộc tranh luận của Đảng Cộng Hòa mà không có sự tham dự của ông Trump hôm thứ Tư (23/08) vừa qua, được xem là một màn trình diễn cho các cử tri muốn xem phản ứng của các ứng cử viên như thế nào trước các vấn đề chính sách, đôi khi là các cuộc tấn công thẳng thắn. Thế nhưng, hình thức này không thay đổi nhiều sau gần 63 năm kể từ cuộc tranh luận Nixon-Kennedy đầu tiên được phát hình hồi năm 1960, ngoại trừ một ngoại lệ. Hiện nay số ứng cử viên tham gia cuộc tranh luận nhiều hơn bao giờ hết. Nhưng trong thời đại truyền thông xã hội và phân tích tức thời này, thì hình thức tranh luận chính trị trên truyền hình có cần phải khởi động lại không?

Về cuộc tổng tuyển cử, trong một cuộc tranh luận giữa [các ứng cử viên] Đảng Dân Chủ và Đảng Cộng Hòa, hoặc Đảng Dân Chủ, Đảng Cộng Hòa và ứng cử viên Độc lập, thì chính sách thường là vấn đề tiêu điểm. Nhưng trong các cuộc tranh luận sơ bộ quy mô lớn, chủ đề có xu hướng ít đề cập đến chính sách mà tập trung nhiều hơn vào tính cách và cá tính. Điều này dẫn đến câu hỏi: Khi cùng một lúc đưa 8 người lên sân khấu, quý vị vẫn có thể gọi đó là một cuộc tranh luận chứ? Ông Ryan Munce, chủ tịch và là đối tác của công ty thăm dò dư luận, nói với Epoch Times rằng câu trả lời là “không.” Ông Munce cũng đã có mặt trong số khán giả tại cuộc tranh luận ở Milwaukee hôm thứ Tư vừa qua.

“Tôi thấy rất khó chịu khi chúng ta vẫn gọi đó là những cuộc tranh luận. Đó không phải là những cuộc tranh luận. Đó là những cuộc phỏng vấn tập thể và tôi thực sự nghĩ mọi người thích xem một cuộc tranh luận hơn,” ông nói. “Một cuộc tranh luận với 8 hoặc 12 người là không thể chấp nhận được, và khi quý vị chỉ cần có 1% ủng hộ trong vài cuộc thăm dò, thì đó là một mức ngớ ngẩn để đưa quý vị lên sân khấu quốc gia. Tôi muốn thấy một nhóm nhỏ hơn và một hình thức theo kiểu tranh luận thiết thực.”

Gần 12.8 triệu người đã xem cuộc tranh luận sơ bộ của Đảng Cộng Hòa trên Fox News hôm tối thứ Tư, một con số đáng kể đối với một chương trình truyền hình cáp nhưng thấp hơn nhiều so với con số 24 triệu người đã xem cuộc tranh luận sơ bộ đầu tiên của Đảng Cộng Hòa cách đây tám năm.

Bà Leonie Huddy là Giáo sư Khoa học Chính trị tại Đại học Tiểu bang New York ở Stony Brook, chuyên nghiên cứu hành vi chính trị. Bà nói với The Epoch Times rằng bà tin rằng hình thức này, bất kể quy mô người xem, đã từng tồn tại, và xếp hạng truyền hình không còn có thể đo lường tổng lượng khán giả nữa.

“Có một số biểu hiện cho thấy cuộc tranh luận vừa qua của Đảng Cộng Hòa đã bất ngờ thu hút được một lượng lớn khán giả,” bà nói. “Giờ đây truyền thông xã hội làm cho người ta có thể xem một cuộc tranh luận trên truyền hình dễ dàng hơn trước đây rất nhiều. Người ta có thể xem ở nhiều định dạng khác nhau, cài đặt đa dạng, và thông qua vô số tài nguyên trên mạng. Tất nhiên, chính trị không dành cho tất cả mọi người. Điều quan trọng cần nhớ là ít nhất 2/3 số người Mỹ đủ điều kiện lại không bỏ phiếu trong một cuộc bầu cử tổng thống và nhận thấy chính trị là vô cùng nhàm chán.”

Vào thời kỳ đầu của những chương trình tranh luận chính trị được phát hình như thế này, với số kênh truyền hình hạn chế và không có truyền thông xã hội, những cuộc tranh luận trực tiếp này đôi khi là cơ hội đầu tiên để cử tri gặp gỡ một ứng cử viên. Nhưng bây giờ, khi các ứng cử viên có mặt trên khắp Facebook, Instagram, YouTube, và TikTok, thì liệu tâm trí của cử tri đã sẵn sàng trước các cuộc tranh luận chưa?

Các cuộc khảo sát sau bầu cử do Trung tâm Nghiên cứu Pew thực hiện từ năm 1988 đến năm 2020 cho thấy trong hầu hết các trường hợp, 3/5 cử tri trở lên cho biết các cuộc tranh luận rất hoặc phần nào hữu ích trong việc quyết định bỏ phiếu cho ứng cử viên nào. Pew cho thấy năm 1992 là trường hợp ngoại lệ, khi 70% cử tri cho biết các cuộc tranh luận tay ba năm đó giữa ông Bill Clinton, ông George H.W. Bush, và ông Ross Perot “ít nhất cũng hữu ích phần nào.” So với cuộc đua năm 2016, các cuộc thăm dò của Pew chỉ cho thấy 10% cử tri cho biết họ đã đưa ra quyết định dứt khoát “trong hoặc ngay sau” các cuộc tranh luận tổng thống.

Bà Huddy nói rằng mặc dù có nhiều kênh truyền hình để cử tri tìm hiểu về các ứng cử viên, nhưng các cuộc tranh luận trên truyền hình vẫn thu hút sự chú ý của họ. “Có rất nhiều thông tin liên tục về các ứng cử viên chính trị, nhưng nhiều người không theo dõi cuộc bầu cử cho đến cuộc tranh luận đầu tiên. Các cuộc tranh luận có thể sẽ quan trọng nhất trong các cuộc bầu cử tổng thống sơ bộ, trong đó cử tri không bỏ phiếu cho đảng chính trị của họ mà bỏ phiếu cho ai đó đại diện cho đảng của họ. Thông thường, cử tri có nhiều ưu tiên linh hoạt hơn trong bối cảnh này và cởi mở hơn với thông tin họ thu thập được trong một cuộc tranh luận.”

Cựu Tổng thống Donald Trump, ứng cử viên Đảng Cộng Hòa đang vượt trội hơn hầu hết các ứng cử viên với khoảng cách ít nhất là hai phần ba, rõ ràng đã vắng mặt trong cuộc tranh luận hôm thứ Tư. Trước đó, ông đã quyết định bỏ qua buổi tranh luận ở Milwaukee này. Ông Munce cho biết chương trình đã thiếu đi sự hiện diện của ông nhưng cũng hiểu được quyết định đó của ông.

“Thật ích kỷ khi tôi nghĩ rằng chương trình sẽ hay hơn nếu ông ấy có mặt ở đó, và chắc chắn sẽ thú vị hơn cho khán giả nếu ông ấy có mặt. Nhưng rốt cuộc, từ quan điểm chiến lược, tôi nghĩ rằng ông ấy đã có lựa chọn đúng đắn,” ông nói. “Khi tôi còn ở trong nhóm tranh luận của mình tại Đại học Creighton, Harvard và Yale không bao giờ tranh luận với chúng tôi vì họ có mọi thứ để mất,” ông Munce cười nói. “Tôi nghĩ, thật kỳ lạ, điều đó cũng là tình huống dành cho ông Trump.”

Ấn Độ chia sẻ thước phim robot lăn bánh trên Mặt Trăng

Robot Pragyan rời khỏi trạm đổ bộ và di chuyển trên Mặt Trăng, bắt đầu hành trình thám hiểm kéo dài hai tuần trước khi cạn kiệt nhiên liệu, theo tờ NDTV.

Tổ chức nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ (ISRO) chia sẻ video ghi lại khoảnh khắc robot tự hành Pragyan của tàu Chandrayaan-3 đặt bánh lên bề mặt Mặt Trăng lần đầu tiên, cũng như hình ảnh của robot và trạm đổ bộ chụp từ quỹ đạo. Dù robot Pragyan rời khỏi bệ hạ cánh vào 10 giờ ngày 24/8 theo giờ Hà Nội, khoảng một ngày sau ISRO mới công bố thước phim về khoảnh khắc lịch sử.

Video quay bằng camera trên trạm đổ bộ Vikram của nhiệm vụ Chandrayaan-3 quay Pragyan trang bị pin quang năng dựng thẳng đứng giống cánh buồm lăn bánh khỏi cầu dẫn và để lại vệt bánh xe trên lớp bụi của Mặt Trăng lần đầu tiên. Một clip khác ghi lại chuỗi sự kiện trước đó, gồm cửa dẫn của trạm đổ bộ mở ra, hé lộ robot tự hành bên trong và robot triển khai tấm pin quang năng. Cầu dẫn hai đoạn giúp robot dễ dàng lăn cánh xuống bề mặt Mặt Trăng, theo ISRO. Tấm pin quang năng cho phép robot sản xuất điện.

ISRO chia sẻ cần 26 bộ phận cơ khí để giải phóng robot từ trạm đổ bộ một cách trơn tru, tất cả đều được phát triển tại Trung tâm vệ tinh Rao ở Bangalore, thủ phủ bang Karnataka. Cuối ngày 24/8, ISRO thông báo Pragyan đã đi được 8 m, mọi hệ thống trên trạm đổ bộ và robot tự hành đều hoạt động tốt.

ISRO đăng bức ảnh chụp Pragyan và trạm đổ bộ đứng cạnh nhau trên bề mặt Mặt Trăng, chụp từ quỹ đạo bởi nhiệm vụ khác của Ấn Độ là tàu Chandrayaan-2. Camera độ phân giải cao (OHRC) của tàu bay quanh quỹ đạo Chandrayaan-2, phát hiện trạm đổ bộ của Chandrayaan-3 sau khi phương tiện hạ cánh xuống cực nam.

Nhiệm vụ Chandrayaan-2 là tiền thân của Chandrayaan-3 và nỗ lực hạ cánh trên Mặt Trăng đầu tiên của Ấn Độ. Tuy nhiên, nỗ lực đó thất bại vào tháng 9/2019 do trục trặc phần mềm. Hạ cánh trên Mặt Trăng là việc cực kỳ khó khăn. Với Chandrayaan-3, Ấn Độ gia nhập số ít quốc gia từng đạt thành tựu này, bao gồm Mỹ, Liên Xô và Trung Quốc. Chandrayaan-3 tiếp đất vào 19h33 ngày 23/8 theo giờ Hà Nội. Từ sau đó, ISRO chia sẻ một số ảnh chụp, bao gồm 4 bức ảnh khi hạ cánh và ảnh chụp cận cảnh đầu tiên bề mặt đầy miệng hố của Mặt Trăng.

Nhiệm vụ Chandrayaan-3 của Ấn Độ hứa hẹn mở đường cho các nhiệm vụ Mặt Trăng tương lai. Tuy nhiên, theo dự kiến, trạm đổ bộ và robot tự hành sẽ không thể sống sót qua đêm Mặt Trăng tiếp theo. Bộ pin của cả hai phương tiện nhiều khả năng sẽ cạn kiệt không lâu sau khi Mặt Trời lặn, không cung cấp đủ năng lượng để các hệ thống hoạt động qua hai tuần lạnh cóng trong bóng tối. (Chu kỳ ngày – đêm trên Mặt Trăng tương đương 28 ngày trên Trái Đất).

Vikram và Pragyan sẽ dành hai tuần nghiên cứu khu vực xung quanh địa điểm hạ cánh gần cực nam Mặt Trăng. Không chỉ là nhiệm vụ hạ cánh trên Mặt Trăng thành công đầu tiên của Ấn Độ, Chandrayaan-3 cũng là nhiệm vụ đầu tiên khám phá vùng cực nam từ mặt đất thay vì quỹ đạo. Các nhà khoa học cho rằng những miệng hố bị che khuất quanh vùng cực của Mặt Trăng chứa lượng nước đóng băng lớn, có thể khai thác và sử dụng bởi phi hành gia trong tương lai, giúp giảm chi phí khám phá vũ trụ do con người không cần đem theo nước.

Phan Anh

Related posts