Trung Quốc: Nhiều nơi đặt nhiệm vụ chống việc dạy thêm như ‘chống khiêu dâm và tệ nạn xã hội’

Vũ Dương

Gần đây, nhiều nơi ở Trung Quốc đã bắt đầu cấm nghiêm ngặt các lớp học thêm ngoại khóa. Thành phố Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc coi việc cấm dạy thêm ngoại khoá ngang hàng cùng với việc “chống khiêu dâm và hành vi phạm pháp”, tờ Vision Times cho hay.

Sở Giáo dục tỉnh Quảng Đông đã đưa việc quản lý các cơ sở đào tạo ngoài trường học vào công tác đánh giá đặc biệt về phòng chống tội phạm và xã hội đen. Tin tức này đã làm dấy lên những cuộc thảo luận sôi nổi trong người dân Trung Quốc: “Thực không ngờ cấm dạy thêm lại được xếp ngang hàng với việc diệt trừ xã hội đen. Những chế độ xấu xa ngày xưa cũng không làm vậy”.

Ngày 30/7, “Sing Tao Daily”, kênh truyền thông Hồng Kông, đã dẫn lời kênh truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết ông Tập Cận Bình đã nhiều lần nhấn mạnh đến tình trạng hỗn loạn trong việc đào tạo ngoài trường học. Ông nói rằng một số cơ sở giáo dục đang chạy theo lợi ích, làm gia tăng gánh nặng tài chính cho các gia đình, gây rối trật tự giảng dạy bình thường của trường học, nên phải “quản lý theo quy định của pháp luật”.

Ngày 24/7, Văn phòng Quốc vụ viện Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã ban hành “Ý kiến ​​về việc cắt giảm hơn nữa gánh nặng bài vở bắt buộc và gánh nặng đào tạo ngoài trường học cho học sinh”. Rõ ràng là theo bản ý kiến này, sẽ cắt giảm hơn nữa gánh nặng bài vở và gánh nặng đào tạo ngoài trường học cho học sinh trong giai đoạn giáo dục bắt buộc.

Các biện pháp chính bao gồm việc đình chỉ phê duyệt cho các cơ sở mới đào tạo ngoài trường học theo các khoa, không yêu cầu sinh viên tự phê và tự sửa bài tập về nhà. Những sinh viên cá biệt không thể hoàn thành bài tập viết sau khi đã nỗ lực, cũng nên đi ngủ đúng giờ. Đồng thời điều tra, xử lý nghiêm các trường hợp giáo viên dạy thêm ngoài giờ nhận thù lao theo quy định của pháp luật.

Ngành giáo dục và đào tạo đột nhiên gặp phải một trận cuồng phong. Theo báo cáo, ngày 29/7, “Nhóm nghiên cứu”, một tài khoản WeChat công khai của giới chức, đã đăng một bài viết. Bài viết này nói rằng: “Tổng Bí thư Tập Cận Bình rất quan tâm đến việc cải cách và phát triển giáo dục”. Trước kia, ông Tập đã nhiều lần đưa ra những bình luận quan trọng về vấn đề này. “Nhóm nghiên cứu” đã tóm lược lại và tuyên bố rằng từ đầu năm đến nay, ông Tập Cận Bình ít nhất đã 3 lần đề cập đến việc chấn chỉnh lại việc đào tạo ngoài trường học.

Ví dụ vào tháng Ba, trong cuộc họp của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, ông Tập Cận Bình nói rằng sự hỗn loạn trong đào tạo là một “căn bệnh cứng đầu” và “sẽ tiếp tục được xử lý”.

Vào tháng Năm, tại cuộc họp của Ủy ban Cải cách sâu Trung ương, ông Tập đã ra chỉ thị: “Tăng cường quản lý tiêu chuẩn hóa các cơ sở đào tạo trực tuyến và trong trường ngoài giờ học”.

Trong chuyến thăm Thanh Hải vào tháng Sáu, ông Tập cũng nói rằng: “Các trường học không thể đẩy toàn bộ thời gian sau giờ học của học sinh ra ngoài xã hội” và rằng “như vậy là đảo ngược trật tự”.

Theo báo cáo, gần đây nhiều tỉnh ở Trung Quốc đã bắt đầu triển khai mạnh mẽ các nhiệm vụ liên quan, gồm Hà Bắc, Quý Châu, Quảng Đông, Cát Lâm, Liêu Ninh.

Trong số đó, tỉnh Liêu Ninh yêu cầu giáo viên tiểu học và trung học cơ sở phải bị xử lý, nếu vi phạm quy định dạy thêm nhận thù lao. Tỉnh Cát Lâm yêu cầu phải loại bỏ hiện tượng thực dụng như “văn hóa chộp giật” và “giáo dục quá sớm”.

Thành phố Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang, có 7 cơ sở đào tạo ngoài trường học. Họ thu thập thông tin cá nhân nhằm “thúc đẩy kinh doanh” mà không được sự đồng ý phụ huynh và học sinh nên đã bị điều tra và trừng phạt.

Thành phố Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc cũng bổ sung việc giám sát và chấn chỉnh hoạt động đào tạo ngoài trường học vào nội dung công việc của văn phòng “chống khiêu dâm và chống tệ nạn phi pháp.

Ngoài ra, Sở Giáo dục tỉnh Quảng Đông đã đưa việc quản lý các cơ sở đào tạo ngoài trường học vào các dự án đánh giá và xem xét có tên “Tỉnh Quảng Đông an toàn xây dựng dự án đặc biệt đánh giá quản lý xung đột xã hội, xóa bỏ cái xấu và cái ác, kiến tạo một thành phố văn minh”.

Dự án này nói rằng cần thúc đẩy đồng bộ và xây dựng cơ chế truy cứu trách nhiệm, quy trách nhiệm nghiêm túc đối với những nơi không thực hiện, hay không có biện pháp xử lý đến nơi đến chốn. Đồng thời nghiêm túc truy cứu trách nhiệm của những người có trách nhiệm liên quan.

Tin tức trên đã làm dấy lên những cuộc thảo luận sôi nổi giữa các cư dân mạng Trung Quốc: “Hồ Bắc cấm các lớp học bổ túc như chống khiêu dâm và các hoạt động bất hợp pháp. Trong khi Quảng Đông coi việc cấm đào tạo là chống xã hội đen và tệ nạn. Hôm qua chỉ là các hoạt động chống khiêu dâm và chống bất hợp pháp. Hôm nay đã thành chống xã hội đen và tệ nạn. Trong chốc lát, giáo viên trong ngành giáo dục và đào tạo đã được xếp vào hạng tú bà, đại ca xã hội đen. Còn sở giáo dục quản lý hệ thống công an chính trị pháp luật thì sao? Thể chế hiện nay sao lại chọn những kẻ nhố nhăng lên làm quan? Bản thân giám đốc sở giáo dục cũng cần phải cắp sách đi học thêm trước”.

Hay có người bình luận: “Các nhà giáo dục được đối xử giống như những kẻ khiêu dâm, cờ bạc, hút hít ma túy và thế giới ngầm. Quả là ngàn năm có một, hãy tránh xa nội dung khiêu dâm, cờ bạc, ma túy, thế giới ngầm và đào tạo ngoài trường học. Ban đầu họ được gọi là những nhà giáo dục giỏi, bây giờ họ lại bị coi như những kẻ đóng cửa chuồng bò. Quả thực là ‘chữa lợn lành thành lợn què’. Tiếp đến nếu không sinh con thứ 3, sẽ bị đạp đổ nhà ở, và cưỡng chế phối giống. Quyết tâm sinh con thứ 3 của nước nhà lại kiên định đến vậy mà?”.

Cư dân mạng còn chế giễu: “Hóa ra cái ác và cái xấu là như thế này. Phòng giáo dục tại các địa phương có thể thành lập một lữ đoàn thực thi pháp luật toàn diện, càng ngày càng trở nên ma quái, để phù hợp với tình hình và đặc sắc của quốc gia. Quả thực họ đã sử dụng sức mạnh kế hoạch hóa gia đình năm xưa. Các giáo viên và nhà đào tạo không thể nào ngờ được rằng, một ngày nào đó mình sẽ phải vào trại giam vì dạy kèm bài tập về nhà. Thời đại phần tử tri thức bị coi khinh sắp đến. Quả không hổ danh bộ máy chính trị pháp luật đặc sắc của đất nước chúng ta”.

Related posts