Twitter đình chỉ các tài khoản của nhà xuất bản Canada chỉ trích Trung Quốc

Văn Thiện

Logo của Twitter trên một bảng hiệu tại trụ sở chính của công ty ở San Francisco ngày 4/11/2016. (Josh Edelson / AFP qua Getty Images)

Twitter đã đình chỉ trong vòng 5 ngày một số tài khoản do một nhà xuất bản Canada điều hành chỉ trích các hoạt động gây ảnh hưởng nước ngoài của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trên khắp thế giới, theo National Review.

Dean Baxendale, chủ tịch của Optimum Publishing International, nói với National Review rằng hôm thứ Tư tuần trước (ngày 5/10), Twitter đã đình chỉ sáu tài khoản liên kết với doanh nghiệp của ông, bao gồm tài khoản chính của Optimum và những tài khoản quảng bá năm cuốn sách của nhà xuất bản.

Bất chấp những yêu cầu lặp đi lặp lại của Baxendale, gã khổng lồ truyền thông xã hội vẫn chưa đưa ra lời giải thích cho việc đình chỉ.

Mặc dù các tài khoản Twitter của Baxendale và các tác giả mà ông làm việc cùng vẫn còn hoạt động, những tài khoản quảng bá sách của họ không còn có thể truy cập được nữa; các trang trống trơn và hiển thị thông báo “tài khoản bị tạm ngưng” từ Twitter.

Đáng chú ý trong số các tài khoản bị đình chỉ là tài khoản quảng bá cho Hidden Hand (Giấu tay), tên cuốn sách làm nên tên tuổi của Optimum. Cuốn sách một cuộc khảo sát quốc tế về sự hợp tác của Bắc Kinh với giới tinh hoa chính trị trên toàn cầu. Tài khoản Hidden Hand đã tích lũy được một lượng theo dõi, và nó được sử dụng để tiếp thị và quảng bá sách, theo Baxendale.

Khi cuốn sách Hidden Hand được phát hành lần đầu tiên vào năm ngoái, ban đầu nó phải đối mặt với một chiến dịch pháp lý từ 48 Group Club, một tổ chức có trụ sở tại London bị các tác giả của Hidden Hand cáo buộc là đã “đánh lừa” giới tinh hoa Anh để hành động vì lợi ích của Trung Quốc. Cuốn sách phải trì hoãn ngày phát hành, nhưng cuối cùng nó vẫn được bán mà không gặp khó khăn.

Dù cuốn sách đã ra mắt được một năm, động thái đình chỉ tài khoản Optimum của Twitter sẽ ảnh hưởng đến khả năng tiếp thị bốn cuốn sách sắp phát hành của Baxendale về gián điệp Trung Quốc, chiến lược lớn của liên minh chống Trung Quốc, vi phạm nhân quyền của Bắc Kinh ở Hồng Kông, và các trại tập trung của người Duy Ngô Nhĩ.

Baxendale nói: “Bây giờ tôi không thể đưa ra phát biểu nào về những cuốn sách đó, và rõ ràng là tôi đã có một lượng người theo dõi đáng kể từ các nhà phân tích tình báo quân sự, học giả đến các nhà xuất bản và cả truyền thông nữa”.

Twitter và vấn đề Trung Quốc

Sự việc xảy ra với các tài khoản của nhà xuất bản Canada diễn ra theo một mô hình đáng lo ngại của Twitter khi công ty này từng có hành động đình chỉ tương tự đối với một chuyên gia phân tích nổi tiếng về các hoạt động gây ảnh hưởng nước ngoài của Trung Quốc.

Vào tháng 7, Twitter đã đình chỉ tài khoản Anne-Marie Brady, một học giả đến từ New Zealand, người có công trình được coi là tốt nhất trong lĩnh vực này về mạng lưới ảnh hưởng chính trị của Mặt trận Thống nhất Trung Quốc.

Bắt đầu từ ngày 4/7, Twitter đã tạm ngưng tài khoản của Brady trong khoảng 18 giờ mà không có lời giải thích. Bà cho biết: “Tất cả những gì tôi nhận được từ Twitter là một thông báo ‘Chào mừng trở lại’ vào sáng nay khi tôi mở máy tính xách tay của mình, như thể chính tôi là người đã rời bỏ nó”.

Bà viết trong một email: “Dòng tweet khiến tôi bị đình chỉ là một cách chơi chữ về Tập Cận Bình và kỷ niệm 100 năm ngày thành lập ĐCSTQ và dòng tweet tiếp theo đó, liên kết với bài hát đã truyền cảm hứng cho cách chơi chữ này”.

Người phát ngôn của Twitter vào thời điểm đó tuyên bố rằng: “Twitter không thực hiện bất kỳ hành động nào chống lại bất kỳ Tweet nào được thực hiện bởi tài khoản được tham chiếu” và việc phát hiện “hoạt động bất thường” từ các tài khoản đôi khi khiến Twitter phải thêm thông báo tạm thời “cho đến khi chúng tôi có xác nhận từ chủ sở hữu tài khoản. Trong trường hợp này, tài khoản được đề cập đã được khôi phục”.

Baxendale đã không gặp may mắn như Brady, vì việc đình chỉ toàn bộ tài khoản của ông đã có hiệu lực trong khoảng 5 ngày. Ông nghi ngờ việc đình chỉ là do các dòng tweet tố cáo những nỗ lực của thượng nghị sĩ Canada Yuen Pau Woo nhằm xóa bỏ nghị quyết của quốc hội nước này về nạn diệt chủng người Uyghur, mặc dù Twitter đã từ chối đưa ra lời giải thích cho hành động của mình.

Charles Burton, một thành viên cấp cao tại Viện Macdonald Laurier của Canada, người đã viết lời tựa cho Hidden Hand và cho một ấn phẩm khác của Optimum, Willful Blindness (Cố ý mù lòa) cho biết: “Tôi không biết liệu cơ sở của việc tạm ngưng là do các phần tử đã viết cho Twitter yêu cầu đóng tài khoản này vì nó đang làm điều gì đó bất hợp pháp hay liệu thuật toán của họ đã được lập trình bằng cách nào đó để tạm ngưng một tài khoản có các đặc điểm như hai tài khoản kia”.

Burton cho biết ông cảm thấy “bối rối” trước việc đình chỉ, vì Twitter không có sự hiện diện ở Trung Quốc. Ông nói: “Tất nhiên, rất nhiều tổ chức của Trung Quốc sử dụng Twitter, đặc biệt là bộ ngoại giao và các đại sứ quán ở nước ngoài của Trung Quốc, mặc dù nội dung sẽ không thể truy cập được ở Trung Quốc”.

Vào tháng 3, Thượng nghị sĩ Ben Sasse và Dân biểu Mike Gallagher đã cảnh báo rằng các quan chức Trung Quốc đã lan truyền thông tin sai lệch về nguồn gốc của đại dịch viêm phổi Vũ Hán trên nền tảng này. Các nghị sĩ viết thêm: “Chúng tôi tin rằng hành vi này vượt quá mức cho phép loại bỏ họ [tài khoản của quan chức ĐCSTQ] khỏi nền tảng này”.

Twitter đã không chú ý đến những cảnh báo đó, mặc dù công ty đã gắn nhãn trên các bài đăng là chia sẻ thông tin sai lệch. Tuy cấm cựu tổng thống Donald Trump với cáo buộc sử kích động bạo lực, nhưng Twitter không cấm các tài khoản chính phủ Trung Quốc đăng tin giả về các tội ác hàng loạt do chính ĐCSTQ gây ra.

Anders Corr, một chuyên gia về chủ nghĩa độc tài và là tác giả của Concentration of Power (Tập trung quyền lực), một trong những cuốn sách sắp ra mắt của Optimum, đã gọi động thái của Twitter đã gây ra “một sự thất vọng cá nhân lớn” và cho biết sự việc này sẽ thúc đẩy sự thay đổi trong cách các chính phủ quản lý các công ty truyền thông xã hội.

Ông nói: “Twitter và các phương tiện truyền thông xã hội khác nên được coi là hàng hóa công cộng mà giá trị của nó được tạo ra bởi người dùng… chứ không phải là một tập đoàn có thể đơn phương quyết định kiểm duyệt người dùng và nhà xuất bản sách”.

Rõ ràng Twitter có vấn đề Trung Quốc. Và vấn đề đó sẽ còn tồn tại miễn là nền tảng này tiếp tục cho phép các chiến dịch thông tin sai lệch của ĐCSTQ.

Văn Thiện

Related posts