Michael Washburn
Hôm 01/03, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) cho biết Hoa Thịnh Đốn đang điều chỉnh lại cách tiếp cận thương mại đối với Trung Quốc, đồng thời cho biết họ đang xem xét tất cả các công cụ hiện có và những công cụ tiềm năng mới, để chống lại các hành vi thương mại có hại của Bắc Kinh. Nhưng họ đưa ra ít thông tin mới về cách làm sao có thể đạt được điều này.
Trong Nghị trình Chính sách Thương mại mới năm 2022 và Báo cáo Thường niên năm 2021, USTR cho biết chính phủ Hoa Kỳ đang áp dụng một “cách tiếp cận mới, toàn diện, và thực tiễn đối với mối bang giao của chúng ta [với Trung Quốc] dựa trên các nguyên tắc của chính sách thương mại lấy người lao động làm trung tâm.”
Báo cáo cho biết thêm: “Chúng ta biết rõ về việc Trung Quốc đang tăng gấp đôi các hành vi lạm dụng kinh tế và thương mại có hại của họ.”
Tuy nhiên, bên cạnh việc nêu rõ chiến lược liên quan đến việc Hoa Kỳ tăng cường hợp tác với các đối tác và đồng minh, thì USTR lại cung cấp rất ít thông tin chi tiết về những hành động cụ thể trong cách tiếp cận của chính phủ.
Báo cáo này được đưa ra trong bối cảnh các nhà lập pháp và các nhóm ngành công nghiệp ngày càng gia tăng áp lực đề nghị chính phủ làm rõ chính sách thương mại của mình đối với chính quyền Trung Quốc.
Điều đó cũng diễn ra sau khi thỏa thuận thương mại “giai đoạn một” Mỹ-Trung được ký kết vào tháng 01/2020, mà kết quả là Bắc Kinh không thể đáp ứng các cam kết mua hàng của mình.
Chính phủ cựu Tổng thống Trump đã khởi xướng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung vào năm 2018 để đối phó với nhiều hành vi kinh tế và thương mại không công bằng mà Bắc Kinh tham gia, bao gồm hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ của Hoa Kỳ, cưỡng bức chuyển giao công nghệ, và trợ cấp trong nước [để] hỗ trợ các ngành sản xuất bản địa. Kết quả là hàng trăm tỷ USD thuế quan đã được đánh vào cả hai bên; Hoa Kỳ vẫn còn khoảng 370 tỷ USD thuế quan đối với hàng nhập cảng của Trung Quốc.
USTR đã kêu gọi sự chú ý đến việc Bắc Kinh không đáp ứng được nội dung và tinh thần trong quy tắc và nghĩa vụ của Tổ chức Thương mại Thế giới. Hôm 16/02, USTR đã đưa ra một báo cáo nêu chi tiết việc Trung Quốc không đáp ứng các cam kết chính trong thỏa thuận giai đoạn một, chẳng hạn như [cam kết về việc] nhập cảng các sản phẩm và dịch vụ của Hoa Kỳ trong giai đoạn 2020-2021 đạt trị giá ít nhất 200 tỷ USD so với sức mua của Trung Quốc trong năm 2017.
Báo cáo nhấn mạnh rằng chính quyền của ông Tập Cận Bình tiếp tục rời xa các cải cách dự kiến ủng hộ thị trường do một số người tiền nhiệm của ông thực hiện và tiếp tục đẩy mạnh sự can thiệp lớn của chính phủ vào nền kinh tế Trung Quốc. Điều đó càng làm nổi bật việc Bắc Kinh thúc đẩy mạnh mẽ các doanh nghiệp nhà nước và “những nhà vô địch quốc gia” với cái giá phải trả là các nhà cung cấp và nhà sản xuất ngoại quốc, vốn bị từ chối tiếp cận vào các lĩnh vực và thị trường quan trọng, đồng thời nhà cầm quyền nước này cũng cấm hoàn toàn các sản phẩm từ các nước như Úc, vốn phải chịu đựng một loạt các hạn chế thương mại sau khi kêu gọi một cuộc điều tra về trách nhiệm của Bắc Kinh trong việc làm lây lan bệnh COVID-19.
Thứ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Sarah Bianchi cho biết hồi tháng trước rằng các cuộc đối thoại cấp lãnh đạo giữa Hoa Thịnh Đốn và Bắc Kinh về việc chính quyền Trung Quốc không đáp ứng các nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận giai đoạn một là “rất khó khăn”.
Bà Bianchi cho biết hôm 01/02 mà không cung cấp chi tiết: “Mục tiêu của chúng tôi ở đây không phải làm leo thang. Nhưng chắc chắn chúng tôi đang xem xét tất cả các công cụ mà chúng tôi có trong bộ công cụ của mình để bảo đảm rằng họ phải chịu trách nhiệm.”
Ông Michael Washburn là một phóng viên ở New York chuyên viết về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Ông có nền tảng về báo chí pháp lý và tài chính, đồng thời cũng viết về nghệ thuật và văn hóa. Ngoài ra, ông ấy còn là người dẫn chương trình podcast hàng tuần Reading the Globe. Sách của ông ấy bao gồm “Những câu chuyện đã mất gốc và những câu chuyện khác,” “Khi chúng ta trưởng thành” và “Người lạ, người lạ”.
Vân Du biên dịch