Vài nhận xét về sự thất bại của cuộc cải cách chính trị ở Miến Điện

Vũ Ngọc Yên

25-6-2021

Cuộc đảo chính vào ngày 1 tháng 2 của quân đội Miến Điện (Myanmar) đã làm thế giới kinh ngạc. Quân đội lấy cớ bầu cử “gian lận” để phế truất chính quyền của Bà Aung San Suu Kyi và giành lại quyền lực cho chính quyền quân nhân, dưới sự lãnh đạo của Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing.

Quân đội tuyên bố đã kiểm soát đất nước và cam kết sẽ có cuộc bầu cử công bằng trong vòng hai năm. Một phát ngôn viên của Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (National League for Democracy, viết tắt NLD), chính đảng cầm quyền cho biết, Cố vấn nhà nước Suu Kyi và nhiều lãnh đạo Liên minh NLD đã bị “bắt” và sẽ bị kết án vì cáo buộc “tham nhũng”.

Hành động tiếm quyền bằng bạo lực của quân đội đã gặp phản ứng mãnh liệt của nhân dân Miến Điện và cộng đồng quốc tế. Người dân Miến đã xuống đường biểu tình phản đối việc phục hồi chế độ quân phiệt. Chính quyền Mỹ, Anh, Úc, Canada và nhiều nước trong Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi quân đội trả tự do ngay lập tức cho tất cả các nhà lãnh đạo dân sự và những người khác bị giam giữ bất hợp pháp. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã bày tỏ quan ngại về tình hình ở Myanmar. Các quốc gia ASEAN cũng lên tiếng đòi hỏi chính quyền quân nhân chấm dứt bạo lực và thúc đẩy đối thoại giữa các bên liên quan. Riêng Trung Cộng tuyên bố không can thiệp vào nội bộ Myanmar và hy vọng các dự án đầu tư tại nước này đang bị đình trệ sẽ được chính quyền quân phiệt sớm tái khởi động…

Hơn 4 tháng qua, những cuộc biểu tình và đình công vẫn tiếp diễn, bất chấp việc quân đội và cảnh sát giết hại gần 900 người và bắt giữ gần 6.300 người phản kháng. Với các biện pháp trấn áp, chính quyền quân nhân hy vọng có thể củng cố phần nào sự cai trị của mình trong năm tới, nhưng tình hình hiện nay cho thấy điều đó sẽ không dẫn đến sự ổn định vì những thách thức cấp bách về chính trị, kinh tế và xã hội của Myanmar quá phức tạp và mức độ thù địch đối với quân đội quá lớn. Myanmar đang đứng trước một cuộc khủng hoảng chính trị, đe dọa đất nước có thể rơi vào tình trạng nội chiến.

Lộ trình dân chủ hóa Miến Điện

Năm 1988, dân Miến Điện nổi dậy đòi thực thi dân chủ và kết thúc chế độ quân phiệt của Tướng Ne Win, được quân đội dựng lên vào năm 1962.

Năm 1989, Aung San Suu Kyi được bầu làm thủ lĩnh Liên minh NLD. Cũng năm này, đổi tên nước Burma thành Myanmar. Năm 2005, thủ đô Rangoon (Yangon) đổi thành Naypyidaw.

Năm 1990, NLD thắng trong cuộc bầu cử tự do. Nhưng quân đội khước từ công nhận kết qủa bầu cử.

Năm 1991, Suu Kyi nhận giải Nobel Hòa bình.

Tháng 4/1992, Tướng Than Shwe trở thành Tổng thống.

Tháng 1/1993 Quốc hội được triệu tập nhằm soạn thảo Hiến pháp.

Tháng 11/1995, Liên minh NLD bị khai trừ ra khỏi Quốc hội vì chống những quy định do quân đội soạn thảo.

Tháng 5/1996 Quân đội tống giam 500 cán bộ, đảng viên của Liên minh NLD.

Ngày 30/5/1996, Quốc hội bị giải tán.

Tháng 8/2003, một lộ trình dân chủ hoá Myanmar được công bố.

Tháng 5/2008, Trưng cầu dân ý về Hiến pháp

Tháng 11/2010 Bầu cử Quốc hội. Quân đội được dành sẵn 1/4 số đại biểu trong Quốc hội. Liên minh Đoàn kết và Phát triển USP, chính đảng thân quân đội nhận được 259 trên 440 ghế tại Quốc hội và 135 trên 224 ghế tại Viện các dân tộc.

Tháng 2/2011, Tướng Thein Sein được bầu làm Tổng thống.

Tháng 11/2015, bầu tân Quốc hội. Liên minh NLD giành được 255 trong số 440 ghế trong Quốc hội và 135 trên 234 ghế trong Viện các dân tộc. Chủ tịch Liên minh NLD, San Suu Kyi không trở thành Tổng thống vì kết hôn với một người nước ngoài, cũng như các con của bà có quốc tịch nước ngoài. Thay vào đó, chính trị gia Htin Kyaw của Liên minh NLD được bầu vào chức vụ Tổng thống và Suu Kyi đảm nhận chức Cố vấn Nhà nước, đứng đầu nội các.

Tháng 11/2020, bầu tân Quốc hội. Liên minh NLD đại thắng với đa số tuyệt đối. Liên minh NLD giành được 396 trong số 476 ghế trong Quốc hội. Đảng thân quân đội USDP chỉ nhận được 33 ghế.

Tháng 2/2021, Quân đội lấy cớ bầu cử gian lận, thực hiện cuộc đảo chính truất phế chính quyền của Suu Kyi và Liên minh NLD.

Tại sao cuộc cải cách chính trị của chính quyn San Suu Kyi bị thất bại?

1.– Biểu tượng Suu Kyi có danh nhưng thiếu kinh nghiệm chính trị và năng lực lãnh đạo

Bà Suu Kyi là thủ lĩnh chính trị của Liên minh Quốc gia vì Dân chủ là một biểu tượng cho cuộc đấu tranh dân chủ ở Myanmar. Bà nhận giải thưởng Nobel Hòa bình và được quốc tế hỗ trợ. Nhưng sau những năm cầm quyền, Suu Kyi và Liên minh NLD đã không thể hiện được khả năng đưa đất nước ra khỏi những cuộc khủng hoảng kinh tế, xã hội và sắc tộc.

Người dân Miến Điện muốn biết rõ chính quyền Suu Kyi sau khi nắm chính quyền sẽ cai trị đất nước theo mô hình dân chủ nào. Chế độ chính trị của Miến sẽ là một chế độ dân chủ đa đảng, tam quyền phân lập, đoàn kết tôn giáo và sắc tộc hay là tiếp tục duy trì một chế độ dân chủ kỷ luật, tôn trọng quyền giám sát của quân đội, ưu đãi các sắc tộc Phật giáo và đối xử phân biệt các sắc tộc Hồi giáo.

Trong thời gian qua, người dân Rohingya theo đạo Hồi đã bị quân đội sát hại tàn bạo, khiến hàng trăm ngàn người phải chạy qua các nước láng giềng lánh nạn. Chính quyền Suu Kyi đã cự tuyệt kết án quân đội vì chính bà là người quốc gia theo Phật giáo có định kiến với Hồi giáo.

Ngay trong Liên minh NLD, Suu Kyi luôn tìm cách ngăn chặn các đảng viên Hồi giáo được tiến cử vào các vị trí quan trọng. Bà thường tuyên bố tôn trọng quyền tự do, tự quyết của mọi sắc tộc. Nhưng trên thực tế, bà có quan điểm chống các sắc tộc thiểu số không thuộc sắc tộc Bamar (chiếm 30% dân số).

Suu Kyi, một mặt chê bai sắc dân Karan có khiếu làm người ở, sắc dân Chin là thổ dân tầm thường và sắc dân Kachin là mê tín dị đoan. Mặt khác Suu Kyi ngợi khen Sắc dân Bamar Phật giáo, Mons và Shans là những sắc dân có nền văn hoá cao.

Chính vì thái độ phân biệt của Suu Kyi mà chính quyền Liên minh NLD không được các sắc tộc tin tưởng và cộng đồng quốc tế cũng không tin tưởng, cộng đồng quốc tế cũng không muốn hỗ trợ Suu Kyi nữa.

2. Thỏa hiệp với quân đội tạo cơ hội có hai nhà nước trong một quốc gia

Trong giai đoạn đấu tranh, Liên minh NLD luôn nêu cao khẩu hiệu dân chủ và không chấp nhận chế độ quân phiệt. Nhưng khi cầm quyền, SuuKyi và Liên minh NLD đã thỏa hiệp với giới tướng lãnh chấp nhận ưu quyền của quân đội trong guồng máy chính trị, thay vì tìm cách giới hạn Suu Kyi đồng ý để quân đội bổ nhiệm 1/4 số đại biểu trong Quốc hội và quyền chỉ định bộ trưởng quốc phòng, biên phòng và nội vụ. Điều này có nghĩa quân lực, cảnh sát và công chức chính phủ được đặt dưới sự kiểm soát của quân đội.

Chính vì thái độ nhu nhược của Suu Kyi đã tạo ra tình trạng hai chính quyền trong một quốc gia. Một của Liên minh NLD và một của Quân đội. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cũng đã xác nhận, sự hợp tác chặt chẽ với giới tướng lãnh của Suu Kyi đã gây thiệt hại cho tiến trình dân chủ hoá Myanmar.

3. Liên minh NLD không có quyết đoán trong chính sách an ninh và đối ngoại

Thay vì dứt khoát thực hiện lộ trình dân chủ hoá đất nước mà Liên minh NLD đã công bố trong năm 2000 nhằm xây dựng một nước Myanmar dân chủ và hội nhập vào cộng đồng các quốc gia dân chủ phương Tây, chính quyền Suu Kyi đã thoả hiệp với quân đội, ủng hộ sự hợp tác với Trung Cộng.

Dưới thời chính quyền của Liên minh NLD, từ năm 2015, quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và Myanmar đã gia tăng. Myanmar đóng một vai trò quan trọng đối với Trung Quốc trong khuôn khổ Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI). Bờ biển của Myanmar mở ra khả năng tiếp cận đất liền với Ấn Độ Dương cho thị trường Trung Quốc.

Các tập đoàn nhà nước như Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) đã đầu tư vào một đường ống dẫn dầu và khí đốt xuyên Myanmar. Dự án này nhằm đảm bảo cung cấp năng lượng bền vững cho tỉnh Vân Nam, Tây Nam Trung Quốc. Không lâu trước cuộc đảo chính, đại diện chính phủ hai bên đã gặp nhau để đàm phán về Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Myanmar (CMEC).

Chính thái độ không minh bạch trong đường lối an ninh và đối ngoại, chính quyền các nước dân chủ Tây phương đã có nhiều quan ngại về quan hệ Myanmar và Trung Quốc.

Lời kết

Sự thất bại của cuộc cải cách chính trị ở Myanmar đã cống hiến cho các phong trào dân chủ ở những nước đang bị độc tài, độc đảng ngự trị một số kinh nghiệm đáng học hỏi.

1. Tránh suy tôn biểu tượng và lãnh tụ

Trong cuộc đấu tranh, các tổ chức chính trị rất cần một biểu tượng lãnh đạo, nhưng bài học Myanmar cho thấy, phong trào dân chủ Myanmar đã gặp trở ngại khi suy tôn một lãnh tụ tổ chức chỉ có danh mà chưa chứng thực được năng lực chính trị.

2. Phương hướng chính trị phải rõ ràng

Phong trào dân chủ Myanmar đã không dứt khoát trong việc chọn lưạ thể chế và mô hình xây dựng quốc gia. Liên minh NLD không xác định Myanmar sẽ đi theo một nền dân chủ tư sản phương Tây, xây dựng trên tam quyền phân lập, hay một nền dân chủ hướng dẫn do quân đội chỉ đạo.

Một khi đã chấp nhận nền dân chủ tư sản của các quốc gia phương Tây và nhất quán thực hiện, thì người dân cũng dễ dàng mường tượng và tin tưởng vào mô hình chế độ mà chính đảng chủ trương sẽ mang lại tự do và phồn vinh cho đất nước.

3. Quyết đoán chọn lựa đồng minh trong đường lối an ninh và đối ngoại

Trong bang giao quốc tế đường lối trung lập hay ngoại giao đu dây giữa các cường quốc thường chứng thực không thực tế. Liên minh NLD biết rất rõ làn sóng chống Trung Quốc vì lịch sử và sự xung đột giữa cộng đồng thiểu số người Hoa và các cộng đồng sắc tộc khác đã tồn tại lâu đời ở Myanmar, nhưng NLD vì lợi ích quốc gia nhất thời và vị thế điạ lý, đã chọn Trung Cộng thay vì hợp tác với quốc gia có thể chế chính trị dân chủ và hệ thống kinh tế phù hợp xu thế thời đại. Vì vậy chính quyền San Suu Kyi đã không còn được hậu thuẫn ở người dân Myanmar và các sắc tộc thiểu số.

Related posts