Thư ngỏ kính gửi Người Việt tại Úc Châu và khắp nơi

v/v Sự kiện du sinh Dương Đức Thịnh

Lời tòa soạn: Chúng tôi vừa nhận được thư ngỏ dưới đây từ tổ chức của cô Kiều Ngọc. Để mọi người có cơ hội nhìn sự kiện du học sinh Dương Đức Thịnh từ nhiều góc độ khác nhau chúng tôi xin đăng bài viết này, điều đó không nhất thiết là chúng tôi đồng quan điểm với cô Kiều Ngọc.

Cơ hội để nhìn lại mình và xây dựng nội lực

Kính thưa quý vị,

Thư ngỏ này đến tay quý vị sau một thời gian suy tư. Đây là mối quan tâm về tiến trình sinh hoạt của người Việt trong và ngoài nước và về một tương lai chung của Việt Nam chúng ta.

Hiện tượng và vấn đề

Qua sự kiện du sinh Dương Đức Thịnh giẫm lên cờ vàng và nói lời nhục mạ đến cộng đồng, thật ra vấn đề mà chúng tôi quan tâm nhất không phải là cá nhân Thịnh. Thịnh chỉ là hiện tượng. Không có Dương Đức Thịnh này thì cũng có thể có những người xấc xược hỗn láo khác đối với Cờ Vàng biết đâu đó trong tương lai. Đó là hậu quả tất yếu của nền giáo dục hận thù, lại nằm trong chủ chương và bản chất bóp méo lịch sử của chế độ đương quyền tại Việt Nam. Nhưng hiện tượng này lại nói lên vấn đề nhức nhối khác của chính chúng ta. Với tư cách là thành viên trong Cộng Đồng Người Việt tại Úc châu, chúng tôi cảm thấy cần đóng góp tiếng nói của mình về phương pháp và tiến trình giải quyết sự việc của những người có trách nhiệm hàng đầu trong cộng đồng người Việt hiện nay.

Thật ra chúng tôi dự trù không lên tiếng về sự kiện này nữa, vì những gì các Ban Chấp Hành Cộng Đồng người Việt muốn làm thì đã và đang làm rồi (*).

Tuy nhiên, vào ngày 7/6/21 chúng tôi nhận được một thư mời từ Ban Chấp Hành Cộng Đồng Người Việt Tự Do Nam Úc (BCH CĐNVTD Nam Úc) kêu gọi đồng hương tham dự buổi họp vào Chủ Nhật 20/6/21: “Họp bất thường: Thảo luận về vụ việc nhục mạ cờ vàng tại Marrickville, NSW.” Sau gần 7 tuần lễ xảy ra sự việc, chúng tôi được biết các biểu bang khác dường như không có triệu tập một buổi họp bất thường như thế. Hơn nữa, mục tiêu của các BCH CĐ tại Úc đã thống nhất với nhau ngay từ ban đầu qua các Thông Báo của Cộng Đồng, đó là phải vận động trục xuất du sinh Dương Đức Thịnh (**). Vì thế, buổi họp tham khảo ý kiến này xem như muộn màng và có thật sự cần thiết nữa không!

Chúng tôi có tham khảo ý kiến của các thân hữu là có nên tham dự không. Phần lớn đều khuyên nhủ Trần Kiều Ngọc không nên đi. Nhưng chúng tôi nghĩ khác. Chúng tôi nên đi để có thể trình bày rõ hơn quan điểm của mình, vì tin tưởng rằng dù là thiểu số nhỏ nhoi, nhưng không vì thế mà không được lắng nghe trong sinh hoạt dân chủ. Trong lịch sử nhân loại, đặc biệt từ Thời kỳ Phục hưng đến Thời đại Khai sáng, tại châu Âu và Bắc Mỹ, chính những tiếng nói thiểu số nhỏ nhoi dần dần thuyết phục được các ý kiến đa số trong xã hội vào lúc đó.

Buổi họp của cộng đồng Nam Úc 20/6/21

Buổi họp tại Trung Tâm Sinh Hoạt Cộng Đồng vào ngày 20/6/21 phần lớn diễn ra trên tinh thần ôn hòa, tương kính. BCH CĐVNTD Nam Úc đã tạo cơ hội bình đẳng cho mọi người bày tỏ ý kiến, và can thiệp ngay để tránh những sự châm chích hay tấn công cá nhân. Mỗi người được cơ hội đặt hai câu hỏi và mỗi lần phát biểu có hai phút để trình bày. Cũng vì sự giới hạn về thời gian như thế nên chúng tôi cũng không thể chia sẻ, hay trả lời chi tiết, về các thắc mắc hay vấn đề đặt ra của những người tham dự. Hầu như mọi người đều có quan điểm giống nhau, ngoại trừ chúng tôi là Trần Kiều Ngọc và Đặng Văn Công.

Có ba điều không hay xảy ra mà chúng tôi xin thẳng thắn trình bày ở đây.

Thứ nhất, khi buổi họp gần kết thúc, một bác lớn tuổi chỉ thẳng vào mặt chúng tôi bảo rằng, chúng tôi còn non lắm và đừng hòng qua mặt ông về mặt pháp lý. BCH CĐNV Nam Úc đã can thiệp ngay và sau khi xin lỗi, bác đã rời khỏi phòng họp.

Thứ hai, một đảng viên cao cấp của Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng (đảng Việt Tân) góp ý rằng, ý kiến của chúng tôi tại buổi họp chỉ là thiểu số, còn lại đại đa số đều muốn trục xuất du sinh Dương Đức Thịnh. Vì lẽ đó, ông biện luận rằng, ý kiến của chúng tôi chỉ mang tính cách cá nhân, không đại diện ai cả, và ông đề nghị ý kiến này không cần ghi nhận chính thức trong biên bản khi gửi cho Ban Chấp Hành CĐNVTD Liên bang. Nhưng BCH CĐNVTD Nam Úc cho biết, tuy chỉ là ý kiến của thiểu số, nó vẫn được ghi nhận trong biên bản họp.

Thứ ba, sau buổi họp một tuần, chúng tôi nhận được tường trình về buổi họp công bố trên báo chí, nhưng nó không phản ảnh chính xác nội dung và tinh thần góp ý của chúng tôi. Chúng tôi đã liên lạc với vị Chủ tịch và BCH CĐNVTD Nam Úc cho biết ý kiến của mình về sự việc này. Tuy đây là chuyện nhỏ, nhưng chúng tôi nghĩ rằng biên bản buổi họp cần phản ảnh tinh thần và nội dung một cách trung thực nhất có thể, và tránh đưa ra những chi tiết có thể gây sự ngộ nhận, hiểu lầm cho người đọc.

Quan điểm trái chiều

Trong nền sinh hoạt chính trị đa nguyên, các ý kiến trái chiều là điều hết sức tự nhiên, hết sức bình thường. Điều đáng tiếc là nguyên tắc cơ bản này hầu như vẫn chưa được chấp nhận, hay được tôn trọng, trong sinh hoạt của người Việt.

Khi chúng tôi trình bày quan điểm không tán thành việc trục xuất Dương Đức Thịnh, cá nhân Trần Kiều Ngọc đã bị vu khống, chụp mũ là cộng sản, hay tiếp tay cho cộng sản. Một loạt các hành động chửi bới nặng nề và kêu gọi tẩy chay Trần Kiều Ngọc đã diễn ra ở nhiều nơi qua các diễn đàn mạng xã hội. Nhiều người không chịu tìm hiểu kỹ lưỡng vấn đề và quá trình hoạt động của chúng tôi, mà chỉ nghe theo thông tin một chiều, hay bị bóp méo, nên thật đáng tiếc. Họ đặt vấn đề về các sinh hoạt của chúng tôi trước đây, chẳng hạn như chụp hình chung với nhân viên cao cấp của Lãnh Sứ quán Trung Quốc tại Úc, ông Chen Yonglin, mà không biết rằng ông Chen đã đào ngũ năm 2005 và đang hoạt động chống đối lại Đảng Cộng Sản Trung Quốc bấy lâu nay. Họ cũng không biết rằng ba tôi, một người lính Việt Nam Cộng Hòa từng vào sinh ra tử trong cuộc chiến, cũng bị tù đầy bởi cộng sản. Cờ Vàng vẫn luôn mang một ý nghĩa thiêng liêng đặc biệt đối với chúng tôi.

Xin trình bày lại ba lý do chính mà chúng tôi không tán thành việc trục xuất Dương Đức Thịnh. Một, về mặt pháp lý, cơ sở để Cộng Đồng dựa vào để vận động trục xuất là rất yếu, và cơ hội thành công thì thật mong manh. Hai, về mặt tuyên vận, du sinh Dương Đức Thịnh cũng chỉ là nạn nhân của chính sách giáo dục tồi bại của chế độ hiện nay, cộng với tính cách thiếu đứng đắn của một người, nên có lối hành xử hỗn láo như thế. Thế thì Cộng Đồng nên dùng cơ hội này để đề cao ý nghĩa và chính nghĩa của Cờ Vàng, phát huy tinh thần nhân bản của người Việt không chấp nhận cộng sản, và phê bình những chính sách sai lầm đã đầu độc các thế hệ trẻ Việt Nam kể từ sau ngày 30/04/75. Ba, cái gốc của vấn đề nằm ở sự độc đoán, độc tài, độc quyền của chế độ, không phải một vài cá nhân như Thịnh và nhóm bạn, nên đã đến lúc chúng ta không nên mất quá nhiều công sức vào những việc không giải quyết tận gốc, mà có khả năng làm sao lãng mục đích sau cùng.

Các quan điểm và lập luận của chúng tôi, dù có khác biệt và là ý kiến của thiểu số, nhưng chủ đích là để gióng lên một tiếng nói, tiếng còi. Nếu chúng ta không chấp nhận những chính kiến khác biệt, thì chúng ta đã vô tình áp dụng những nguyên tắc của chế độ độc tài cộng sản. Họ đã và đang bỏ tù mọi tiếng nói khác biệt từ khi họ lên nắm quyền tại miền Bắc, và trên toàn Việt Nam sau ngày 30/04/75.

Một ví dụ cụ thể về tiếng nói trái chiều khi so sánh hệ thống bầu cử chính trị đa đảng, như Úc, với độc đảng, như Việt Nam, thì chúng ta sẽ thấy khác một trời một vực. Tại Úc, chỉ cần hơn 50% số phiếu là đủ thành công cho một ứng viên tranh cử vào các chức vụ công quyền tại Úc. Hiếm có mấy ai dành được trên 65%. Được kết quả như thế là quá an toàn rồi, nhưng rất hiếm tại Úc. Trong khi đó, tại Việt Nam, đại đa số là do đảng cử dân bầu, và thắng vẻ vang, như xảy ra trong cuộc bầu cử Quốc Hội Việt Nam khóa XV vừa qua, từ 70%, 80% và kể cả 90% số phiếu. Có người như Vương Đình Huệ lại thắng đến 99.89% số phiếu. Gần như tuyệt đối! Thì đủ biết các nước dân chủ họ tôn trọng thành phần đối lập như thế nào và ngược lại, cộng sản Việt Nam độc tài toàn trị ra sao.

Dân chủ: Đa số và thiểu số

Một nền dân chủ đích thực phải có khả năng bảo vệ và bảo đảm quyền lợi của thiểu số, tức quyền (rights) và lợi ích (interests) căn bản của mọi người dân. Các quyền tự do căn bản, từ ngôn luận đến bầu cử và tham chính, của các cá nhân hay các đảng phái chính trị nhỏ, của nhóm thiểu số, luôn được hiến pháp và pháp luật ghi nhận và tôn trọng. Nó được thể hiện trong cuộc sống hàng ngày trong mọi môi trường xã hội, trong các cơ quan chính quyền mọi cấp địa phương, tiểu bang, và liên bang.

Những điều này, tuy rất căn bản, nhưng có nhiều người Việt Nam không hiểu, hay hiểu nhưng không tôn trọng. Thấy ai khác quan điểm thì họ đã vội vàng lên án, vu khống chụp mũ kết tội người khác mà chưa kịp tìm hiểu sâu sắc sự việc. Văn hóa này rất độc hại cho mọi nỗ lực xây dựng dân chủ, và phát huy nhân quyền. Ngược lại nó chỉ giúp củng cố văn hóa độc tài mà thôi. Dù với lý do biện minh ra sao đi nữa, hành động này sẽ làm mất đi chính nghĩa của công cuộc đấu tranh. Sau này, nếu những thành phần này lên nắm chính quyền, có khả năng chính họ cũng sẽ hành xử độc đoán không khác gì chế độ độc tài cộng sản hiện nay.

Tại sao thiểu số lên tiếng là quan trọng?

Trong vụ Dương Đức Thịnh, cái nhìn của chúng tôi thật ra không phải là đơn lẻ, hay dị biệt hoàn toàn. Chúng tôi biết rằng nhiều người trong và ngoài nước cũng chia sẻ sự đồng tình với quan điểm của chúng tôi. Điển hình là phản ứng qua bài viết của chúng tôi trên Facebook. Điều đáng nói là chúng tôi cũng biết có nhiều người hiểu biết trong cộng đồng, trong và ngoài nước, cũng đồng tình với chúng tôi, dù không chính thức lên tiếng. Ngoài ra, chúng tôi cũng biết là có một số thành viên trong BCH Cộng Đồng tiểu bang cũng tán thành quan điểm chúng tôi, rằng vận động trục xuất Thịnh không phải là phương án tốt nhất. Nhưng thực tế, thiểu số vẫn chưa được chấp nhận một cách tự nhiên và bình thường trong sinh hoạt của chúng ta, đặc biệt là trong các vấn đề nhạy cảm. Trong một số trường hợp, thiểu số dễ dàng bị xem là đối nghịch, đối đầu với đa số. Có khi còn bị xem là có quan điểm lệch lạc, trái chiều. Thái độ khác biệt như thế không mấy khi được hoan nghênh trong văn hóa Việt Nam hay Đông phương nói chung. Vì thế, chúng tôi hiểu rõ vì sao những người đồng quan điểm với chúng tôi chỉ chia sẻ riêng nhưng không tiện bày tỏ công khai.

Nhưng lên tiếng không phải là để thắng thua, mà là để thể hiện quyền bày tỏ chính kiến của mình. Vẫn biết rằng lên tiếng, ngược lại ý kiến của số đông, là việc làm cô đơn, lẻ loi. Nhưng nếu là điều hay lẽ phải thì sẽ đến một lúc nào đó người ta sẽ thức tỉnh, giác ngộ. Sự giác ngộ đó không hề mang tính tập thể. Nó phải đến từ mỗi con người cá nhân. Vì tính tập thể trong văn hóa Việt Nam quá mạnh và tính cá nhân bị đè nén trong suốt chiều dài lịch sử mãi cho đến bây giờ, nên sự thay đổi, nếu có, sẽ mất nhiều thời gian, có khi vài thế hệ.

Trong trạng thái tự nhiên, sự khác biệt trong tư duy và hành động của con người sẽ góp phần xây dựng một xã hội đa nguyên, và qua đó bổ túc hoàn chỉnh cho nhau. Không có khác biệt, hay đối lập, thì không thể gọi là dân chủ. Thống nhất thì nên, nhưng đồng nhất thì không. Đồng nhất chỉ là một sự uốn nắn bất tự nhiên của mọi con người, của mọi xã hội. Ngay cả khi thống nhất trong mục đích cao thượng, nhưng khác nhau phương thức, cũng là điều hết sức tự nhiên.

Đối lập, như thế, không chỉ đóng vai trò bổ túc, mà còn là cái phanh (thắng) cần thiết trong những trường hợp mà đa số bị dẫn dắt trong một hành trình đầy rủi ro và nguy hiểm. Một nền dân chủ đích thực luôn cần một phía đối lập mạnh cho mục tiêu trách nhiệm giải trình. 5%, 10%, hay 20% đối lập, tuy là cần, nhưng chưa đủ. Các nước nào mà chính quyền quá mạnh và đối lập quá yếu thì nguy cơ lạm quyền, đưa đến độc quyền, sẽ rất cao. Trong các nền dân chủ vững mạnh, bên cầm quyền chiếm được sự ủng hộ chỉ tổng cộng chỉ trên 50% chút, và bên đối lập chiếm phần còn lại.

Chúng tôi suy luận rằng, chính vì thiếu sự chấp nhận khác biệt, chấp nhận sự hiện hữu của những người cùng chung mục đích nhưng khác quan điểm, nên nhiều tổ chức đấu tranh, và một số Cộng Đồng Việt Nam ở hải ngoại, đã đi đến đổ vỡ trong các thập niên qua. Mấu chốt ở đây là thiếu một tiến trình giải quyết các khác biệt này bằng một phương thức dân chủ và một luật chơi giải quyết xung đột, tranh chấp một cách hợp lý và công bằng cho mọi bên. Có một tiến trình rõ ràng như thế cũng sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề lấn cấn, từ nhân sự đến chính sách, đường hướng, kế hoạch hoạt động. Nếu không có tinh thần chấp nhận ý kiến khác biệt mà chỉ muốn một sự đồng nhất thôi, thì sau cùng cái thiểu số trong các đoàn thể đành phải đau lòng tách ra. Thảm hại hơn nữa là đi đến chống phá nhau!

Chúng tôi thiết nghĩ rằng, người Việt chúng ta muốn góp phần xây dựng dân chủ không thể bỏ qua các ý tưởng nền tảng và các tiến trình cơ bản này. Tiến trình dân chủ nhiều khi còn quan trọng hơn kết quả nữa. Bởi trong tiến trình này, nó sẽ cho biết những người liên quan có thể hiện tinh thần dân chủ không, và tôn trọng luật chơi chung không.

Tiến trình lấy quyết định: khoa học hay cảm tính?

Dân chủ không có nghĩa là lãnh đạo phải luôn luôn tuân theo ý kiến của đa số thành viên mình. Lắng nghe mọi ý kiến và ghi nhận nó, dù khác biệt hay đối nghịch, hiển nhiên là điều kiện cần thiết. Đây là một trong các tiến trình cơ bản của dân chủ. Nhưng không phải là điều kiện đủ. Lãnh đạo cần quyết định, dựa trên các ý kiến, đề nghị của thành viên, nhưng quan trọng nhất là khi phải thuyết phục tại sao mình lấy quyết định như thế này, hay thế khác.

Cựu Thủ tướng Malcolm Fraser của Úc từng chia sẻ, nếu trong thời gian tại nhiệm (1976 – 1983) mà ông lắng nghe ý kiến của người dân Úc, hay tiến hành chính sách di dân Úc như thường lệ, thì chắc đã không có việc gần 70,000 người tỵ nạn Đông Dương được định cư tại Úc. Khoảng 80,000 người cũng đến Úc theo chương trình ra đi trong trật tự, kể cả diện đoàn tụ gia đình, sau thời ông Fraser. Quyết định của chính quyền Fraser đã thay đổi hoàn toàn chính sách tỵ nạn của nước Úc kể từ đó. Nếu chỉ hỏi và làm theo ý kiến của người dân, thay vì thể hiện vai trò và khả năng lãnh đạo của mình, nhất là trong các vấn đề phức tạp và tình huống khó khăn, thì nhiệm vụ đặt ra cho người lãnh đạo có còn cần thiết nữa không!

Cựu Tổng Tư lệnh Đồng Minh trong Thế Chiến II, Tổng thống thứ 34 của Hoa Kỳ, Dwight D. Eisenhover, phát biểu năm 1954 (trích lời của Tiến sĩ James Roscoe Miller) rằng có những hoạt động mang tính quan trọng (important), và những cái mang tính cấp bách (urgent). Quyết định càng quan trọng thì càng phải dành nhiều thì giờ, công sức và nỗ lực. Phương thức này đã được áp dụng rộng khắp trong mọi vấn đề con người kể từ đó, để ưu tiên hóa và quản lý thời gian cho hiệu quả. Đây là tính khoa học của tiến trình lấy quyết định.

Cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Colin Powell có một công thức hay, mà đã được áp dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực. Powell từng nói rằng, bất cứ khi nào gặp phải một quyết định khó khăn, bạn nên có ít nhất là 40% và nhiều nhất là 70% thông tin cần thiết để lấy quyết định. Nếu dưới 40% thông tin thì bạn chỉ đoán mò. Nếu chờ có thông tin hơn 70% thông tin thì đã quá trễ rồi. 40 đến 70 là điều kiện đủ để lấy quyết định quan trọng khi cần nhất.

Trong sự kiện du sinh Dương Đức Thịnh, chúng tôi thắc mắc là BCH CĐNVTD NSW có đi qua một tiến trình hẳn hoi để đi đến quyết định trục xuất Thịnh không?

Một, có ai tiếp xúc tìm hiểu kỹ về Thịnh chưa? Nếu chưa tiếp xúc tìm hiểu thì lấy đâu ra thông tin về Thịnh? Không có thông tin về đối thủ của mình thì làm sao có thể đánh giá chính xác và quyết định đúng đắn về sự việc?

Hai, có ai tìm hiểu kỹ lưỡng về mặt trận pháp lý trước khi đi đến quyết định trục xuất vào ngày 6/5/21 trong Thông báo 2? BCH CĐNVTD NSW có tham khảo các luật sư trong ngành chưa, hay chỉ dựa vào ý kiến của các thành viên trong BCH?

Ba, đây có phải là quyết định chung của BCH CDNVTD NSW, các tiểu bang, lãnh thổ và toàn liên bang? Tiến trình đi đến quyết định chung này là như thế nào? Khi lấy quyết định như thế thì đã dựa vào các thông tin, dữ kiện nào, hay chỉ hoàn toàn là điều mình mong muốn đạt được? Có ý kiến nào từ các thành viên BCH cho rằng có thể mục tiêu đặt ra như thế sẽ không thành công? Có ý kiến nào đặt ra rằng nếu không thành công trong mục tiêu thì tác hại của quyết định này sẽ rất lớn, nhất là uy tín của Cộng Đồng?

Bốn, BCH Cộng Đồng khi bị chất vấn, hay bị thách thức về quyết định của mình, thì đã có kế hoạch để đối phó giải quyết ra sao chưa?

Vài chia sẻ sau cùng

Trong suốt 46 năm qua, chế độ cầm quyền tại Việt Nam đã loại trừ mọi tiếng nói lương tri, khác biệt, nhất là đối lập, để duy trì sự độc quyền, độc tôn một cách tuyệt đối của họ. Tại hải ngoại, các tiếng nói khác biệt tuy không bị loại trừ – điều bất khả trong môi trường dân chủ – nhưng cũng chẳng mấy trường hợp được hoan nghênh. Có lẽ đây là một trong những lý do mà thế hệ trẻ Việt Nam lớn lên tại hải ngoại cảm thấy khó hội nhập vào môi trường Cộng Đồng Việt Nam. Họ không thật sự bày tỏ được tiếng nói của mình, hay chia sẻ cung cách làm việc thiếu dân chủ. Thực tế cho thấy là số người trẻ dấn thân vào các hoạt động cộng đồng ngày càng khan hiếm.

Tinh thần dân chủ sẽ lan tỏa, mang ánh sáng đến mọi nơi. Cách đối phó với độc tài cộng sản là vận động cho tiến trình dân chủ hóa thành công. Bắt đầu bằng cách hành xử dân chủ trong tổ chức của mình. Chấp nhận ý kiến khác biệt, thay vì mong muốn mọi người phải đồng nhất trong quan điểm và hành động, là bước căn bản. Sức mạnh của một tổ chức đến từ khả năng của các thành viên của tổ chức đó được đóng góp một cách tự do và độc lập nhất có thể cho mục tiêu chung. Khi đã xây dựng được một sinh hoạt như thế, thì nội lực của tổ chức sẽ rất mạnh mẽ để đi tới bất cứ lý tưởng tốt đẹp nào.

Lý do chúng tôi viết thư này là chỉ mong người Việt khắp nơi, hiện đang là một thành viên trong cộng đồng, hay đang nắm vai trò điều hành trong Ban Quản Trị, nên nhìn lại mọi con đường mình đã đi qua, và tiến trình mình đã lấy quyết định, mà qua đó rút ra một số bài học cho con đường tương lai. Một trong các triết gia đầu tiên của Hy Lạp, Thales, đã từng nói: “Điều khó nhất trong cuộc sống là biết chính mình” (The most difficult thing in life is to know yourself). Còn triết gia Aristotle thì quan niệm rằng: “Biết chính mình là điểm khởi đầu cho mọi trí tuệ” (Knowing yourself is the beginning of all wisdom).

Khi đọc đến đây, có thể có người cho rằng chúng tôi muốn lên lớp dạy đời. Không phải vậy, chúng tôi chỉ muốn cho cộng đồng người Việt mình luôn thăng tiến và thành công theo bước các nước phương Tây và các xã hội tân tiến đều đã áp dụng để lấy quyết định, làm việc theo khoa học và có hiệu quả nhất mà thôi. Khi nhiều người Việt Nam có thể làm chủ chính mình, tức có tư duy độc lập (independent thinking) và tư duy phản biện (critical thinking) để luôn đặt vấn đề, luôn dám thách thức những người đang nắm quyền lực trong tay, ở hải ngoại hay ở Việt Nam, thì lúc đó tính chất độc tài sẽ bị thách thức đến tận gốc rễ.

Mong rằng những điều vô cùng căn bản này sẽ là chìa khóa để giúp cho mỗi con người Việt Nam chúng ta tự tìm ra sức mạnh nội lực của chính mình thay vì chạy theo những điều ảo tưởng, phù phiếm, hay được che đậy bởi bao tấm màn đầy son phấn phủ lên. Được như thế, có lẽ không có mục tiêu nào là khó khăn đối với một dân tộc Việt Nam vẫn luôn được chứng minh sức mạnh kiên cường của mình trong lịch sử.

Trân trọng

Trần Kiều Ngọc

Adelaide, 10/07/2021

Tài liệu tham khảo:

(*) Ngay từ đầu chúng tôi không có ý định lên tiếng về sự việc này.  

Nhưng khi biết ông Chủ tịch Paul Huy Nguyen bị đe dọa tính mạng, chúng tôi liên lạc ngay để đề nghị ông tìm tham vấn pháp lý cho mình và các thành viên khác trong Ban Chấp Hành Cộng Đồng Người Việt Tự Do NSW (BCH CĐNVTD NSW). Khi hay tin về chủ trương kêu gọi trục xuất Thịnh đang hình thành, nhất là sau khi đọc Thông báo số 2 của BCH CĐ NSW vào ngày 6 tháng 5, trong đó đề nghị Tổng tưởng Di trú hủy chiếu khán của cá nhân liên hệ, chúng tôi thật sự quan tâm về tiến trình lấy quyết định này. Cũng vì lý do này mà chúng tôi đã viết một bài theo dạng hỏi đáp Q&A về sự kiện này trên Facebook vào cùng ngày 6 tháng 5 để rộng đường dư luận. Sau đó, để cho BCH CĐNVTD NSW có thêm thông tin pháp lý, chúng tôi có viết một lá thư dài 6 trang gửi đi ngày 8 tháng 5. Chúng tôi thiết nghĩ rằng Cộng Đồng cần tham vấn thêm về pháp lý một cách độc lập hầu lấy quyết định tối ưu có thể. Các góp ý của chúng tôi đã được ông Paul Huy và một số thành viên trong Cộng Đồng ghi nhận, tuy không tán thành. Đó cũng là điều bình thường.

Những ngày sau đó, Cộng Đồng tiếp tục đẩy mạnh mục tiêu trục xuất Thịnh qua Thỉnh Nguyện Thư. Ông Paul Huy tiếp tục chủ trương kêu gọi Tổng tưởng Di trú hủy chiếu khán của các cá nhân liên quan, qua Thông báo số 34. Xét rằng Úc là một chính thể dân chủ pháp quyền, nên sẽ hành xử dựa trên cơ sở pháp lý của sự việc, không phải trên các áp lực chính trị hay xã hội, chúng tôi quyết định công bố nội dung lá thư về mặt trận pháp lý cho toàn thể thành viên trong cộng đồng người Việt nắm rõ. Chúng tôi đã phổ biến bài này trên trang của VOA Tiếng Việt vào ngày 19 tháng 5.

Xin lưu ý: Khi dùng chữ Cộng Đồng, chúng tôi đang muốn nói đến Ban Chấp Hành Cộng Đồng Người Việt Tự Do NSW, các tiểu bang và lãnh thổ, và liên bang Úc. Khi nào chỉ liên quan đến một Ban Chấp Hành tiểu bang thì chúng tôi sẽ viết cụ thể hơn, như BCH CĐNVTD NSW, chẳng hạn.

(**) Nguyễn Văn Bon, Chủ Tịch Cộng Đồng Người Việt Tự Do Úc Châu, “Thông Báo V/v: Cờ vàng Việt Nam Cộng Hòa bị xúc phạm tại Sydney (News South Wales)”, được phổ biến rộng rãi bằng dạng pdf trên phương tiện email. Thông báo này không đề ngày.

Các thông báo và bài viết:

Related posts