Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng cho chiến dịch mới ở Syria bất chấp kêu gọi kiềm chế của Hoa Kỳ, Nga

Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng cho chiến dịch mới ở Syria bất chấp kêu gọi kiềm chế của Hoa Kỳ, Nga
Các binh sĩ Syria do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn tập trung tại vùng nông thôn phía bắc thành phố Manbij, hôm 02/06/2022. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm 01/06 đã nhắc lại những mối đe dọa về một cuộc tấn công quân sự ở miền bắc Syria nhắm vào “những kẻ khủng bố” người Kurd. (Ảnh: Bakr Alkasem/AFP/Getty Images)

Gần đây Thổ Nhĩ Kỳ đã công bố kế hoạch triển khai một cuộc tấn công quân sự mới vào miền bắc Syria với mục đích khuất phục các tay súng người Kurd – mối đe dọa an ninh của nước này. Trước những cảnh báo và kêu gọi kiềm chế của cả Nga và Hoa Kỳ, liệu Thổ Nhĩ Kỳ có phát động chiến dịch?

Cả Hoa Kỳ và Nga đều kêu gọi Ankara (thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ) tạm ngừng tấn công. Hiện vẫn chưa rõ chiến dịch được dự tính này sẽ diễn ra theo hình thức nào.

Tiến sĩ Ilhan Uzgel, một nhà phân tích chính trị Thổ Nhĩ Kỳ, nói với The Epoch Times: “Vấp phải phản đối cả ở trong khu vực và trên thế giới, viễn cảnh về một cuộc xâm lược sắp tới của Thổ Nhĩ Kỳ có vẻ ngày càng mờ nhạt”. 

Gần đây, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã công bố các kế hoạch phát động một cuộc tấn công xuyên biên giới chống lại YPG, một nhóm dân quân người Kurd hoạt động ở miền bắc Syria.

“Chúng ta sẽ xóa sổ [các thành phố của Syria] Tel Rifaat và Manbij của những kẻ khủng bố … trước khi từng bước tiến vào các khu vực khác”, ông Erdogan nói với các nhà lập pháp hôm 01/06.

Các Đơn vị Bảo vệ Nhân dân” của YPG là chi nhánh của Đảng Công nhân Kurdistan (PKK) ở Syria. Tổ chức này được Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu (EU) coi là một nhóm khủng bố.

Đóng quân tại miền bắc Iraq, PKK, vẫn luôn tìm cách thành lập một nhà nước độc lập của người Kurd và đã thực hiện nhiều cuộc tấn công vào nội bộ Thổ Nhĩ Kỳ trong bốn thập niên qua.

Kể từ năm 2016, Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện ba cuộc tấn công lớn vào miền bắc Syria. Đây là nơi có đường biên giới chung dài 900 km tiếp giáp với nước này, đến nay vẫn duy trì hiện diện quân sự đáng kể.

Thổ Nhĩ Kỳ tìm cách thiết lập một “khu vực an ninh” rộng 30 km bên trong lãnh thổ Syria nhằm mục đích bảo vệ biên giới cũng như quân đội nước này thoát khỏi các cuộc tấn công của PKK.

Theo Ankara, các cuộc tấn công nhằm vào các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ từ các khu vực do YPG kiểm soát, đặc biệt là gần Manbij và Tel Rifaat, đã gia tăng trong những tháng gần đây.

“Nếu các mối đe dọa ngày càng gia tăng, chúng tôi có nghĩa vụ phải hành động”, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết hồi tháng Năm.

Với rất nhiều tác nhân ngoại quốc tham gia vào cuộc xung đột ở Syria, tình hình chính trị/quân sự ở đó là một vấn đề phức tạp. Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên kỳ cựu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), ủng hộ các nhóm vũ trang chống lại chính phủ Syria, thì cả Nga và Iran điều kiên trì ủng hộ Damascus. 

Trong khi đó, YPG lại nhận được sự ủng hộ của Hoa Kỳ, vốn trên bề mặt coi họ như một lực lượng bảo vệ chống lại nhóm khủng bố ISIS. Hoa Kỳ, Nga và Iran đều duy trì quân đội ở Syria ở những vùng khác nhau của nước này. 

‘Hành động cân bằng địa chính trị’

Những kế hoạch cho một chiến dịch ở Syria của Thổ Nhĩ Kỳ được đưa ra hôm 07/06, khi Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov gặp gỡ ông Cavusoglu tại Ankara.

“Chúng tôi hiểu những lo ngại về an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ”, Ngoại trưởng Lavrov nói sau cuộc họp, tiếp tục cáo buộc Hoa Kỳ “nuôi dưỡng bất hợp pháp” một số lực lượng ở Syria — có thể ám chỉ đến YPG. 

Theo Giáo sư Mehmet Seyfettin Erol, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Khủng hoảng Ankara, Nga công nhận “các lý do chính đáng” của Thổ Nhĩ Kỳ cho một chiến dịch ở Syria.

Mô tả chiến trường Syria như một “hành động cân bằng địa chính trị khéo léo”, ông Erol nói với The Epoch Times rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đã “truyền đạt đầy đủ rằng họ sẽ không cho phép các mối đe dọa đối với an ninh của mình”.

Tuy nhiên hôm 15/06, Nga dường như thay đổi chiều hướng. Đặc phái viên của họ tại Syria, ông Alexander Lavrentyev, cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ rằng một chiến dịch xuyên biên giới sẽ là “kém khôn ngoan” ở thời điểm hiện tại.

Ông Lavrentyev đưa ra nhận xét từ thủ đô Nur-Sultan của Kazakhstan, nơi ông đang hội đàm với các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Syria trong khuôn khổ tiến trình hòa bình Astana đang diễn ra.

Nga đã thể hiện rõ quan điểm của mình”, ông Uzgel, một cựu giáo sư về quan hệ quốc tế, cho biết. “Moscow không muốn Thổ Nhĩ Kỳ có thêm một chiến dịch nào nữa ở Syria trong khi nước này đang tham gia sâu vào cuộc xung đột Ukraine”.

Tuy nhiên, một số nhà bình luận tin rằng Ankara sẽ theo đuổi các mục tiêu chính sách ngoại giao của mình bất chấp sự phản đối của Moscow.

“Tôi không nghĩ Thổ Nhĩ Kỳ thực sự quan tâm đến những gì Nga nói về một chiến dịch quân sự khôn ngoan ở Syria”, đại sứ Matthew Bryza, một cựu quan chức Nhà Trắng và là quan chức cao cấp của Bộ Ngoại giao, nói với The Epoch Times.

Ông Bryza nằm trong hội đồng quản trị của Quỹ Jamestown – một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Hoa Kỳ chuyên về các vấn đề chính sách quốc phòng, nhận định rằng Thổ Nhĩ Kỳ “sẽ tiến hành các chiến dịch ở miền bắc Syria tùy thuộc vào những dự liệu riêng về an ninh của họ”.

Thực tế

Nga không phải là quốc gia duy nhất phản đối về một cuộc xâm lược khác của Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến Syria.

Trong một cuộc họp báo hôm 1/6, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cùng với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, cũng thúc giục Thổ Nhĩ Kỳ xem xét lại hành động này.

Ông Blinken nói với các phóng viên: “Hoa Kỳ phản đối bất kỳ sự leo thang nào ở miền bắc Syria”.

Chỉ vài ngày trước đó, Bộ Ngoại giao Iran cũng đã lên tiếng bày tỏ những quan điểm tương tự. “Iran phản đối bất kỳ hành động quân sự nào … trên lãnh thổ của các quốc gia khác”.

Tổng thống Syria Bashar al-Assad cũng đã cân nhắc về vấn đề này. Trong một cuộc phỏng vấn hôm 10/06, khi được hỏi về khả năng Thổ Nhĩ Kỳ xâm lược, ông trả lời: “Nếu tình thế dẫn đến đối đầu quân sự trực tiếp, thì chúng tôi sẽ không nao núng”.

Trước một loạt các tác nhân phản đối, ông Uzgel tin rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể giảm đáng kể quy mô hoạt động cũng như dừng toàn bộ kế hoạch này.

Ông nói: “Vì Thổ Nhĩ Kỳ đã tự đưa ra cam kết, nên một chiến lược rút lui có thể có — nghĩa là để giữ thể diện — sẽ là triển khai một hoạt động nhỏ hơn, hạn chế hơn”.

Hơn nữa, xét trên các sự kiện thực tế, một hoạt động quy mô lớn sẽ mang đến những rủi ro to lớn về mặt quân sự, ông nói thêm.

Ông Uzgel cho biết, “Người Nga kiểm soát các khu vực xung quanh Manbij và Tal Rifaat, trong khi quân đội Syria được cho là cũng đang triển khai tới khu vực này”.

“Trong những hoàn cảnh khó khăn như vậy, có vẻ như rất khó để Thổ Nhĩ Kỳ có thể đạt được các mục tiêu quân sự của mình”.

Lam Giang

Theo The Epoch Times

Related posts