Trung Quốc và Nga muốn thay thế USD bằng tiền tệ BRICS

Antonio Graceffo

(Từ trái sang phải) Tổng thống Nga Vladimir Putin, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chụp ảnh chung trong Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 11 ở Brasilia, Brazil, ngày 14/11/2019. (Ảnh: Sergio Lima/AFP qua Getty Images)

Các thành viên BRICS kêu gọi thanh toán xuyên biên giới bằng các đồng tiền BRICS để thách thức đồng USD.

BRICS – một từ viết tắt cho nhóm được thành lập bởi Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, và Nam Phi – đã tổ chức một hội nghị thượng đỉnh hôm 23/06. Cuộc họp này, do lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì, là một phần của chuỗi các sự kiện hợp tác kéo dài của nhóm BRICS, bắt đầu hôm 06/06 với cuộc họp thứ hai của các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương và kết thúc bằng cuộc họp thứ hai của ủy ban các quan chức năng lượng cao cấp hôm 28/06.

Trong bài diễn văn khai mạc, ông Tập tuyên bố, “Chúng ta cũng nên mở rộng hợp tác BRICS về thanh toán xuyên biên giới và xếp hạng tín dụng để tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư, và tài chính giữa các quốc gia của chúng ta”.

Ông tiếp tục tái khẳng định cam kết của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong việc hợp tác với các quốc gia BRICS để đạt được giấc mơ của ĐCSTQ về Sáng kiến ​​Phát triển Toàn cầu (GDI).

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã đệ trình GDI lên Liên Hiệp Quốc (LHQ) hồi tháng 04/2022 như một sáng kiến ​​phát triển toàn cầu do ĐCSTQ lãnh đạo. Điều đó đã được LHQ hoan nghênh và đã nhận được các thông điệp ủng hộ từ 100 quốc gia. Nhóm Những Người Bạn của GNI được thành lập trên nền tảng của LHQ. Cho đến nay, đã có hơn 50 quốc gia tham gia. Rõ ràng, việc sử dụng hệ thống thanh toán không dùng USD do Trung Quốc lãnh đạo sẽ giúp tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển mà ĐCSTQ đang kêu gọi.

Tuyên bố Bắc Kinh tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ XIV được công bố hôm 23/06, thiết lập các mục tiêu cho năm tới, bao gồm việc tiếp tục hợp tác về “Lực lượng Đặc nhiệm Thanh toán BRICS (BPTF) như một nền tảng để trao đổi kinh nghiệm và kiến ​​thức, đồng thời hoan nghênh sự hợp tác hơn nữa của các ngân hàng trung ương trong việc theo dõi các khoản thanh toán.”

Cả ông Tập và Tổng thống Nga Vladimir Putin đều kêu gọi các phương thức thanh toán thay thế để giảm sự thống trị của đồng USD trong thương mại quốc tế và giảm bớt sự kiểm soát của Hoa Kỳ đối với hệ thống SWIFT.

FILE PHOTO: A sign indicating digital yuan, also referred to as e-CNY, is pictured at a shopping mall in Shanghai, China May 5, 2021. REUTERS/Aly Song/File Photo

Theo tờ báo quốc doanh Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc, các chủ ngân hàng và các nhà kinh tế ở các nước BRICS đã khuyến nghị khối này “mở rộng việc thanh toán và cho vay tiền tệ quốc gia để chống lại việc Hoa Kỳ vũ khí hóa đồng USD”.

Hôm 22/06, hãng thông tấn Nga TASS đưa tin cho hay trong bài diễn văn của ông Putin tại diễn đàn BRICS, ông đã kêu gọi phát triển một đồng tiền dự trữ quốc tế dựa trên một rổ tiền tệ.

Ông Sergey Storchak, giám đốc ngân hàng của ngân hàng Nga VEB.RF, nói với Thời báo Hoàn Cầu hôm 21/06 rằng, “BRICS và các quốc gia quan tâm khác cần thảo luận về việc thiết lập hệ thống tài chính toàn cầu độc lập của riêng họ – cho dù hệ thống này sẽ dựa trên đồng tiền Trung Quốc hay họ sẽ đồng thuận về một đồng tiền nào khác. ” VERB.RF là một trong những tổ chức bị trừng phạt đã bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT của Hoa Kỳ.

Ông Tập, ông Putin, và các chủ ngân hàng từ VEB.RF có ba khiếu nại căn bản liên quan đến tiền tệ. Họ phẫn nộ với sự thống trị của đồng USD như một loại tiền tệ dự trữ. Họ không muốn đồng USD là tiền tệ của thanh toán quốc tế. Và họ đang bị đe dọa bởi sự cần thiết phải giao dịch thanh toán quốc tế thông qua hệ thống SWIFT của Hoa Kỳ, vốn phụ thuộc vào các ngân hàng Hoa Kỳ.

Lý do tại sao các quốc gia sử dụng USD trong thanh toán quốc tế là vì các hàng hóa như dầu mỏ được định giá bằng USD, và vì USD là một loại tiền tệ ổn định, có thể chuyển đổi dễ dàng ở mọi nơi trên thế giới. Không có đồng tiền BRICS nào được coi là có thể chuyển đổi hoàn toàn. Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc là một đồng tiền [nằm trong rổ tiền tệ] Quyền Rút vốn Đặc biệt (SDR) của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), chính thức biến nó trở thành một đồng tiền quốc tế, nhưng ngay cả đồng nhân dân tệ cũng có khả năng chuyển đổi hạn chế.

Các ngân hàng trung ương trên thế giới nắm giữ USD như một phần chính trong dự trữ ngoại tệ của họ không chỉ do tính ổn định và khả năng chuyển đổi của đồng USD, mà còn vì tính hữu ích của nó trong việc thanh toán thương mại quốc tế. Đồng rand Nam Phi, đồng real Brazil, đồng rupee Ấn Độ, và đồng rúp Nga đều là những đồng tiền tương đối yếu; do đó, các quốc gia khác không muốn giữ những đồng tiền này làm nguồn dự trữ ngoại tệ.

Logo SWIFT trong hình minh họa này được chụp ở Bosnia và Herzegovina hôm 25/02/2022. (Ảnh: Dado Ruvic/Hình minh họa qua Reuters)

Nếu các thỏa thuận thanh toán quốc tế có thể đạt được giữa các quốc gia BRICS, thì đồng tiền BRICS sẽ chỉ hữu ích trong thương mại với quốc gia xuất xứ. Nói cách khác, trong khi Nam Phi và Ấn Độ có thể đồng ý thanh toán thương mại bằng đồng rupee, thì không có khả năng các quốc gia khác chấp nhận đồng rupee trong thương mại với Nam Phi. Hơn nữa, một số quốc gia BRICS gánh một lượng lớn nợ ngoại quốc, mà khoản nợ này phải được trả bằng USD, không phải bằng đồng rupee.

Do đó, Nam Phi sẽ sở hữu một mớ rupee vô dụng cho bất kỳ mục đích nào khác ngoài thương mại với Ấn Độ. Tệ hơn nữa, trong khi giữ đồng rupee trong dự trữ ngoại tệ, Nam Phi sẽ phải đối mặt với rủi ro định giá tiền tệ.

Các nhà giao dịch quốc tế sử dụng hệ thống SWIFT của Hoa Kỳ để thực hiện các khoản thanh toán xuyên biên giới vì hệ thống này an toàn, nhanh chóng, và chính xác. Quan trọng nhất là hệ thống SWIFT rất thuận tiện vì nó kết nối với các ngân hàng lớn ở hơn 100 quốc gia. Trung Quốc và Nga đã cố gắng xây dựng các hệ thống thanh toán thay thế SWIFT, nhưng không có hệ thống nào kết nối với các ngân hàng ở các quốc gia phương Tây.

Vì vậy, các quốc gia BRICS sẽ phụ thuộc vào SWIFT, trừ khi thế giới đồng ý sử dụng hệ thống của Trung Quốc hoặc của Nga. Và ngay cả khi hệ thống thanh toán của Trung Quốc hoặc Nga được chấp thuận sử dụng, thì vẫn sẽ có vấn đề về việc sử dụng loại tiền tệ nào cho thương mại quốc tế.

Có thể cho rằng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc sẽ là đồng tiền hợp lý nhất để các quốc gia BRICS sử dụng cho thương mại nội bộ. Hiện tại, Hệ thống Thanh toán Liên ngân hàng Xuyên biên giới của Trung Quốc (CIPS) được thiết lập để thanh toán thương mại bằng đồng nhân dân tệ. Nhưng bằng cách đồng ý tiến hành kinh doanh bằng đồng nhân dân tệ và thông qua CIPS, các quốc gia BRICS khác sẽ nhường quyền kiểm soát của Hoa Kỳ đối với thương mại xuyên biên giới của họ cho ĐCSTQ kiểm soát, điều mà họ có thể không cảm thấy thoải mái.

Một khuyến nghị thay thế của ông Putin và các chủ ngân hàng ở Nga là sử dụng một rổ tiền tệ. Ý tưởng này được mô phỏng theo SDR của IMF, bao gồm một rổ tiền tệ quốc tế, trong đó có USD, euro, nhân dân tệ, yên Nhật, và bảng Anh. SDR có thể được chuyển nhượng hoặc giữ ở dạng dự trữ. Có lẽ, BRICS sẽ tạo thành một rổ gồm 5 loại tiền tệ của mình, nhưng điều này sẽ khó giúp giảm thiểu nhiều vấn đề của các quốc gia BRICS sử dụng các đồng nội tệ để giao dịch với nhau. Các quốc gia khác sẽ không muốn dự trữ một rổ tiền tệ BRICS. Và cuối cùng, hệ thống SWIFT của Hoa Kỳ sẽ không chấp nhận các giao dịch được thực hiện trong một rổ tiền tệ BRICS.

Tiến sĩ Antonio Graceffo đã có hơn 20 năm làm việc tại Á Châu. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh của Đại học Giao thông Thượng Hải Trung Quốc. Ông Antonio là giáo sư kinh tế và nhà phân tích kinh tế Trung Quốc, từng viết bài cho nhiều kênh truyền thông quốc tế. Một số cuốn sách về Trung Quốc của ông bao gồm “Beyond the Belt and Road: China’s Global Economic Expansion” (“Vượt Ra Ngoài Vành Đai và Con Đường: Sự Mở Rộng Kinh Tế Toàn Cầu của Trung Quốc”) và “A Short Course on the Chinese Economy” (“Một Khóa Học Ngắn Hạn về Kinh Tế Trung Quốc”).

Vân Du biên dịch

Related posts